Ẩn danh miệt thị, lừa đảo trên Facebook

Ẩn danh miệt thị, lừa đảo trên Facebook
TP - Kết nối không giới hạn lại ít có sự kiểm duyệt nội dung thông tin, hình ảnh. Facebook được xem là nơi lý tưởng cho không ít cá nhân, hội nhóm lợi dụng để lừa đảo, miệt thị, nhục mạ…

> Facebook - Tin đồn ảo đe dọa cuộc sống thực
>Khi Facebook biến thành cái 'chợ'

Hội nhóm “đen”

Trên Facebook, không ít page được lập thành hội nhóm phản cảm. Từ chuyện văng tục, vẽ bậy đến việc miệt thị vùng miền, nhục mạ người khác... Chẳng hạn, Hội những người thích vẽ bậy vào sách giáo khoa có hơn 4.000 “Like”.

Hình ảnh trong sách đều được “chế” thêm râu, tóc… thậm chí biến thành những hình nhạy cảm. Hội HSSV ghét cay ghét đắng… giáo viên lúc nào cũng coi mình là đúng, Hội những người căm ghét giáo viên chủ nhiệm, Hội những người ghét môn Sử và giáo viên dạy Sử với tuyên ngôn: “Là nơi mọi người có “nói xấu” môn sử cũng như giáo viên dạy sử một cách thoải mái nhất mà không bị ai biết, trừ người trong hội...!!!”.

Có những hội nhóm lăng mạ các cá nhân cụ thể bằng cách đăng tải ảnh của đối tượng, hay cắt dán “chế” ảnh kèm theo những lời bình luận có nội dung thô tục, phản cảm.

Chẳng hạn như Hội những người ghét con Trang… với hơn 2.000 Like, hay Hội những người Ry Dương nhi, Hội những người anti Angela Phương… có tới hơn 123.500 Like, 9.566 nói về điều này. Không ít nghệ sĩ nổi tiếng cũng lọt vào danh sách tẩy chay trên Facebook, như Hội tẩy chay chị Miss Đờm với hơn 1.000 Like, hay Hội tẩy chay… vì tội ác giết chết nền nghệ thuật Việt Nam với lời bình luận mang tính thóa mạ cá nhân: “Tặng anh cả ngàn viên gạch, trứng thối, hoa quả thối, mắm tôm”…

Không chỉ “ném đá” người dưng, trên Facebook, không ít lần bạn trẻ chửi bới tục tĩu đối với người thân trong gia đình vì những lý do khiến họ “nổi giận” như không xin được tiền bố mẹ, bị bà mắng mỗi khi bạn đến chơi… Thậm chí trên Facebook có cả những hội nhóm như Hội những người rất ghét bị bố mẹ cấm đoán chuyện yêu đương; Hội những người ghét mẹ chồng… ”.

“Câu Like bẩn”

Để câu Like, các trang cá nhân, hội nhóm dùng nhiều chiêu trò. Cách nổi bật, thông dụng nhất “câu like bẩn” là hình ảnh khoe thân, ăn mặc hở hang, clip cảnh nóng, hay đường link dẫn tới trang web phim “đen”…

Mỗi bức ảnh, hay đoạn clip đăng tải đều có thêm những lời mời mọc như Like nếu bạn thích em này/Comment nếu muốn xin số điện thoại (mặc dù chủ nhân của bức ảnh không hề biết mình bị lợi dụng); Like để nhận link tải về… Nhiều page khác lại lấy “Like” và bình luận của cư dân mạng bằng cách đăng tải những hình ảnh thương tâm, người bệnh tật; hoặc dựng lên những câu chuyện mủi lòng… với lời kêu gọi như: Hãy nhấn Like page này để cùng sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, Một Like cho một lời cầu nguyện…

Thậm chí, nhiều hội nhóm dùng những chiêu trò đánh vào tình cảm để “câu” like của cư dân mạng bằng kiểu câu hỏi chỉ có duy nhất một lựa chọn: “Nếu bạn yêu bố/mẹ hãy Like”, “Không Like hoặc share tấm hình này sẽ xui xẻo cả năm”…

Hiện nay, trên Facebook còn nở rộ trò lừa đảo nhấn “Like” hoặc “Share” để được nhận những phần quà có giá trị.

Trên những page lừa đảo này hứa hẹn sẽ lựa chọn ngẫu nhiên những người dùng may mắn để có thể nhận được phần thưởng. Hay những vụ “lừa đảo” đình đám trên Facebook qua những sự kiện dạng: “50.000 chiếc áo phông có logo Facebook sẽ tặng miễn phí cho 50.000 fan đầu tiên”, “tặng 50.000 áo Giờ Trái đất”… Không ít trang cá nhân lợi dụng “ăn theo” độ nóng của các sự kiện có thật để “câu” like cho trang.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Những ngày gần đây, dư luận xã hội xôn xao vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người thông qua Facebook của Ngô Quang Mạnh Cường (SN 1986, trú TP Huế). Cường đã dùng Facebook có tên Phi đội gà bay đăng một số bài viết về kinh Phật ký tên Vĩnh Hoàng Đăng Khôi, thu hút khá nhiều người quan tâm.

Khi biết được có rất nhiều người truy cập vào bài viết này, Cường thông báo sẽ xem tử vi cho 10 người đăng ký đầu tiên. Một số người đã cung cấp ngay thông tin cá nhân để Cường xem giúp.

Từ tháng 12/2012 đến đầu năm 2013 Cường đã lừa đảo được hơn 62 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Diễm Nhung (SN 1983, trú Quảng Nam, hiện đang ở Nhật Bản) để cúng giải hạn. Ngoài ra, nhiều nạn nhân khác cũng bị Cường lừa đảo.

Trước đó, cư dân mạng cũng chưa quên Đồng Phạm Nguyên (SN 1986, Bình Định) với chiêu trò lập nhiều nick ảo trên Facebook và các diễn đàn đăng tải nội dung bản thân là sinh viên nghèo vượt khó, mắc bệnh nan y, đã lừa đảo được hàng trăm triệu đồng của những người hảo tâm quyên tiền ủng hộ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG