Cận cảnh lớp ghép ở vùng dân tộc

Cận cảnh lớp ghép ở vùng dân tộc
Dạy lớp đơn ở vùng dân tộc đã khó, dạy lớp ghép còn khó khăn hơn nhiều. Câu chuyện của những giáo viên dạy lớp ghép tình nguyện cắm bản, bám trường, bám lớp cho thấy, bên cạnh sự tâm huyết, yêu nghề, hết lòng vì học sinh dân tộc, rất cần sự đồng hành của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Tháng 12, những cơn gió lạnh bắt đầu tràn về, lũ học sinh ngồi co ro trong lớp vì chưa đủ áo ấm. Thương học sinh, thầy Thắng đã che chắn những lỗ hổng để tránh gió lùa. Lớp học của thầy Thắng nằm ở giữa bản làng Phe Phà (xã Lũng Hồ, Yên Minh, Hà Giang) – Một bản làng thuộc diện đặc biệt khó khăn chủ yếu là đồng bào người Mông sinh sống.

Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới tìm đến được lớp học của thầy. Trước mặt chúng tôi là một lớp học ghép hai trình độ: lớp 1 và lớp 2 với 14 em học sinh là dân tộc Mông (trong đó có 6 em học lớp 1 và 8 em học lớp 2) được học trong một phòng dưới cấp 4.

Lớp được chia làm hai nửa, bảng quay về hai phía. “Dạy lớp ghép giáo viên sẽ vất vả hơn, cả buổi hầu như không được ngồi một phút nào. Bên này dạy các em lớp 1 đánh vần ghép chữ, bên kia cho các em làm bài tập song rồi quay lại kiểm tra luân phiên. Khổ nhất là dạy lớp 1, hầu hết các em đều không biết tiếng Việt và nhút nhát. Nhiều khi bảo các em mở sách vở ra để học bài mà các em cũng không hiểu thầy nói gì”.

Đã có những câu chuyện bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trò. Thầy Thắng kể: “Ngày ấy là năm đầu tiên tôi bước vào lớp với tâm thế khá tự tin. Tôi dõng dạc chào các em: “Thầy chào các em”. Ngay lập tức các em đáp lại bằng những lời nói lý nhí, ngọng nghịu “Thầy chào các em”. Thì ra các em không hiểu tiếng Việt.

Vậy là buổi học hôm đó khá vất vả với tôi, ngoài việc dùng những kỹ năng sư phạm, tôi còn phải vận dụng cả hành động, cử chỉ để hướng dẫn cho các em hiểu. Khổ nỗi là lớp ghép hai trình độ khiến giờ học của tôi hôm đó “toát mồ hôi hột”. Các buổi học tiếp theo tôi đều phải nhờ người dân bản địa đến phiên dịch và cũng là cách để tôi học ngôn ngữ của người dân địa phương”.

Khó như dạy lớp ghép

Sáu năm cắm bản, gắn bó với các em học sinh của bản làng Phe Phà và cũng là 6 năm dạy lớp ghép, vì thế theo thầy Thắng, giáo viên dạy lớp ghép phải là người thạo tiếng địa phương, có kinh nghiệm tổ chức lớp học, kinh nghiệm giảng dạy, cần mẫn, nhiệt tình và thực sự yêu nghề.

Lớp học ghép của thầy Thắng ở bản Phe Phà (Lũng Hồ, Yên Minh, Hà Giang)
Lớp học ghép của thầy Thắng ở bản Phe Phà (Lũng Hồ, Yên Minh, Hà Giang).

Khó có thể kể bằng lời về những vất vả của các giáo viên dạy lớp ghép, vì cùng một lúc phải truyền đạt kiến thức cho hai lớp với nhiều trình độ nhận thức khác nhau. Thầy Đỗ Xuân Hải – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Lũng Hồ, một trường có tới 18 lớp ghép hai trình độ ở 18 thôn bản khác nhau - cho biết: Trên thực tế, các lớp ghép thường được tổ chức tại các bản làng vùng sâu, vùng xa, học sinh chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức về việc học của bà con còn hạn chế.

Nhiều học sinh thích thì đi không thích thì bỏ học theo bố mẹ lên nương làm rẫy, chính vì các em đi học không đầy đủ như vậy nên việc tiếp thu bài giảng cũng không đồng đều, do đó rất vất vả cho giáo viên dạy lớp ghép. Mặt khác, với những giáo viên cắm bản như thế này, họ vẫn phải dạy trong điều kiện vô vàn khó khăn và thiếu thốn đủ bề, và nếu không thực sự yêu nghề thì khó có thể bám trụ được.

Ngoài ra, sự bất đồng về ngôn ngữ cũng chính là rào cản lớn trong việc tiếp thu bài giảng. Ở những lớp học ghép, hầu hết các em lớp 1, lớp 2 đều không thông thạo tiếng Việt nên chất lượng dạy và học ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, hầu hết các lớp học ghép đều không đảm bảo về tiêu chuẩn, chủ yếu được làm bằng nhà cấp 4 và dưới cấp 4. Với lớp học như thế này mùa đông thường bị gió lùa nên rất lạnh, khổ một nỗi nếu bịt kín các lỗ hổng và đóng cửa lại thì bị thiếu ánh sáng trầm trọng.

Ước mong giản dị

Chính vì lẽ đó mà hơn bao giờ hết, điều những giáo viên dạy lớp ghép mong muốn là các phòng học của lớp được kiên cố hóa để giáo viên và học sinh đỡ vất vả, sân trường được lát gạch, giáo viên được ở nhà công vụ kiên cố không phải là những căn phòng tạm bợ, đắp vách.

Và đặc biệt là các chế độ chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy lớp ghép cần được thực hiện nhanh chóng, đúng và trúng các đối tượng nhằm động viên kịp thời các nhà giáo đang hết lòng vì học sinh vùng khó.

Cùng chung quan điểm, thầy Đỗ Xuân Hải trải lòng: “Về phía nhà trường, chúng tôi chỉ có thể động viên tư tưởng giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên trong công việc. Khi có chủ trương, hay bất kỳ một chính sách ưu đãi nào, thì những giáo viên dạy lớp ghép bao giờ cũng là người được ưu tiên thụ hưởng đầu tiên.

Song điều chúng tôi luôn mong mỏi đó là: Các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các bản làng xa xôi, để các em thơ hằng ngày được cắp sách tới trường trong điều kiện tốt nhất có thể”.

Theo Giáo dục thời đại

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG