Chàng trai 10 năm ngồi xe lăn dự thi ĐH Vinh

Chàng trai 10 năm ngồi xe lăn dự thi ĐH Vinh
Sáng 3/7, lẫn trong dòng người đổ đến trường THPT VTC ở đường Ngư Hải (TP Vinh, Nghệ An) làm thủ tục dự thi vào ĐH Vinh là chàng trai bại liệt Nguyễn Văn Vọng. Thí sinh này phải ngồi trên xe lăn do người mẹ đẩy.

> Nữ sinh đi thi đại học... trên lưng cha

Nguyễn Văn Vọng được mẹ đẩy xe lăn tới trường làm thủ tục dự thi. Ảnh: Hải Bình.
Nguyễn Văn Vọng được mẹ đẩy xe lăn tới trường làm thủ tục dự thi. Ảnh: Hải Bình..

Bị bại liệt gần như toàn thân, chân tay teo tóp, nhưng Vọng luôn nở nụ cười tươi. "Em rất hào hứng với kỳ thi, bởi đây là ước mơ ấp ủ từ lâu. Em đã chuẩn bị kiến thức và tâm lý rất kỹ để sẵn sàng vượt vũ môn", Vọng chia sẻ.

Hai ngày trước, vì không thể ngồi xe khách nên hai mẹ con Vọng đón taxi từ thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ra TP Vinh với số tiền 400.000 đồng. Được sự hướng dẫn của tình nguyện viên, Vọng cùng mẹ thuê phòng trọ nhỏ ở đường Đặng Tất để tới điểm thi tại trường THPT VTC ở đường Ngư Hải cho gần.

Bà Nguyễn Thị Soa, mẹ của Vọng cho biết, hai mẹ con chắt bóp được hơn một triệu làm lộ phí dự thi. Tính tiền taxi cả đi lẫn về đã 800.000 đồng rồi, chỉ còn vài trăm nữa đủ để thuê phòng trọ và ăn những suất cơm giá rẻ cho qua những ngày hai mẹ con dự thi.

Sinh ra ở phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, lên 2 tuổi Vọng đã mồ côi cha. Lên lớp 3, sau một trận ốm, Vọng bị biến chứng nặng rồi bại liệt. Nhà khó khăn, họ hàng cũng nghèo nên cậu bé không thể tới bệnh viện chữa trị. Cơ thể mới đầu đau mỏi rồi chân khó bước, nhưng lâu dần đôi chân và toàn thân gần như mất cảm giác và bại liệt hẳn.

Bà Soa kể, 5 năm trời Vọng không rời giường nửa bước, nghe mọi người nói có xe lăn sẽ cho Vọng ngồi lên đó để đẩy đi học, nhưng tiền mua xe lúc đó không có. Cho đến khi có tổ chức từ thiện biết được hoàn cảnh nên về tận gia đình tặng chiếc xe lăn này thì Vọng mới bắt đầu giấc mơ đi học.

Một hôm hai mẹ con vừa ăn cơm xong, Vọng hét to "Mẹ ơi con muốn đi học lắm! Mẹ tới trường xin thầy cô cho con đi học đi...". Nghe con trai nói vậy, người mẹ xót xa khóc thầm vì đôi chân Vọng bị liệt, hai tay rất yếu, không giơ nổi quá đầu người, việc đi lại, viết chữ rất khó.

Thương con, sau bữa cơm đó, bà Soa tìm tới trường trình bày với thầy cô. Những ngày đầu tới lớp Vọng tự ti, nhưng được thầy cô và các bạn cùng lớp động viên nên Vọng đã vượt qua. Cứ một ngày hai lần bà Soa đẩy xe lăn đưa con đến trường rồi đợi tan trường lại đẩy về. Cứ như thế đã 10 năm qua cậu học trò khuyết tật được người mẹ gầy gò một tay chăm sóc.

Ngày học cấp 1 và cấp 2 trường học gần nhà nên việc đưa đón con còn dễ. Vất vả nhất phải kể đến quãng thời gian học cấp 3, Vọng theo học trường THPT Hồng Lĩnh. Vì nhà cách trường hơn 5 km nên Vọng phải thuê phòng trọ gần trường để tiện đi lại. Bà Soa phải khóa cửa nhà ở quê lên ở trọ để chăm sóc con.

Đã nghèo lại phải ở trọ nên bà Soa mang theo con gà, con chó lên nuôi kiếm thêm thu nhập. Ngày con nghỉ học, người mẹ lại dạt vào làng đi làm thuê cho người ta kiếm thêm cân gạo, củ khoai. "Những ngày em theo học cấp 3 cũng là những ngày mẹ con em cơ cực nhất. Có đêm em nằm khóc cầu cho thời gian trôi qua nhanh để mẹ khỏi vất vả", Vọng kể lại.

Trong căn phòng trọ ở TP Vinh, Vọng ôn lại bài để chuẩn bị cho kỳ thi đại học vào ngày mai. Ảnh: Hải Bình.
Trong căn phòng trọ ở TP Vinh, Vọng ôn lại bài để chuẩn bị cho kỳ thi đại học vào ngày mai. Ảnh: Hải Bình..

Khi được hỏi về nguyện vọng thi vào Khoa Công Nghệ thông tin, ĐH Vinh, chàng sĩ tử ngồi xe lăn tâm sự, ban đầu nghĩ học hết cấp 3 thì thôi nhưng khi được mọi người khuyên chỉ có con đường học mới giúp bản thân kiếm được nghề gì đó nuôi sống mình, vậy nên cậu quyết định làm hồ sơ thi đại học.

"Thú thực em học môn Ngữ Văn là khá nhất và rất muốn thi khối C, nhưng về ngành nghề bên xã hội không hợp nên em chuyển thi khối A. Lực học của em trung bình thôi, nhưng em sẽ thi hết khả năng của mình", Vọng tự tin chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Tú Anh (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Vọng) tâm sự, ở trường lực học của Vọng ở mức trung bình, song tấm gương về nghị lực vươn lên của em rất đáng khâm phục. Vọng chưa bao giờ có ý định chán nản hay lùi bước trước số phận.

"Hôm làm hồ sơ dự thi đại học, em tâm sự rằng chỉ sợ nếu tiếp tục bước vào trường đại học thì mẹ sẽ khổ lắm, kinh tế gia đình khó khăn không đủ theo học. Rồi không biết ai sẽ sát cánh giúp Vọng những ngày tháng tới trường khi mẹ em ngày một gầy yếu...", cô Tú Anh nhớ lại lời tâm sự của học trò.

Theo Hải Bình
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.