Chạnh lòng sinh viên làm thêm dịp Tết

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Với những sinh viên (SV) đi học xa nhà thì ngày Tết là dịp được mong đợi để về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, cũng có không ít bạn trẻ vẫn ngậm ngùi nán lại thành phố tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống và phụ giúp cho  gia đình.

1.001 cơ hội việc làm

Dạo qua nhiều trang web, diễn đàn dành cho SV những ngày này, có thể tìm thấy vô vàn các thông tin tuyển dụng với nội dung hấp dẫn, như: "Tuyển người làm thêm dịp Tết tại nhà 3 triệu/tháng", "Cần tuyển gấp nhân viên bán hàng 500.000 đồng/ca, nhận tiền ngay sau khi xong việc"…

Đánh đúng và trúng tâm lý SV, nhà tuyển dụng luôn giới thiệu công việc theo chiều hướng có lợi cho người đang cần việc như "ưu tiên tuyển SV", "trả lương ngay sau khi kết thúc ca làm" và "tuyệt đối không thu tiền đặt cọc trước"… Những việc làm thêm phổ biến dịp Tết của SV thường là việc thời vụ như dọn nhà, trông trẻ, phát tờ rơi, thu ngân, bán hàng siêu thị, đi đưa hàng...

Bạn Nguyễn Đức Mạnh, SV năm thứ hai Trường ĐH Thương mại cho biết với công việc phụ bàn tại một quán cà phê mà dịp Tết này sẽ kiếm được gần 2 triệu đồng, đỡ được cả tháng tiền nhà không phải xin bố mẹ.

Một công việc khác rất "hút" SV, đặc biệt là các bạn nam, đó là giao hàng cho các cửa hàng bán hàng trực tuyến. Chỉ với một chiếc xe máy, mỗi người có thể nhận từ 5.000 đến 20.000 đồng cho mỗi địa chỉ giao hàng. SV thường nhanh nhẹn, nhiều bạn biết sắp xếp lộ trình hợp lý hoặc kết hợp đơn hàng của nhiều cửa hàng, nhờ vậy mà trên cùng một tuyến đường có thể giao được rất nhiều hàng.

Còn Hồng Hạnh, SV năm thứ ba Học viện Báo chí - Tuyên truyền, không chọn cách đi làm thuê mà cùng hai người bạn thân lập nhóm kinh doanh. Theo kế hoạch, nhóm của Hạnh sẽ đan khăn len, mũ len đem ra chợ SV bán.

Nhóm phân công nhau đặt nguồn len từ trước nên giá rẻ. Khéo tay, nắm rõ thị hiếu các bạn trẻ, nhóm của Hạnh tập trung vào các mặt hàng đơn giản, tốn ít thời gian thực hiện nên họ cho ra đời nhiều sản phẩm bắt mắt, hợp túi tiền SV. Chưa xác định được lời lãi ra sao nhưng Hạnh cho biết, thời tiết Hà Nội trước Tết lạnh nên công việc kinh doanh của nhóm gặp nhiều thuận lợi.

Ngậm ngùi đón Tết xa nhà

Trong khi bạn bè khấp khởi chuẩn bị về với gia đình, các SV làm thêm vẫn đầu tắt mặt tối tới sát Tết, thậm chí ở lại thành phố đón Giao thừa, nên nhiều người không tránh khỏi ngậm ngùi. Đó là chưa kể đến những bất trắc có thể xảy ra với các bạn trong lúc miệt mài kiếm việc, kiếm tiền.

Với Nguyễn Đức Hùng, SV Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, đây là năm thứ hai Hùng không được đón Tết cùng người thân. Gia đình làm nghề nông, hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ năm học đầu tiên, Hùng đã đi làm kiếm tiền.

Năm nay, chủ quán giao hẹn nếu ở lại làm qua Tết thì sẽ được trả lương cao gấp 3 lần so với ngày thường và nếu chăm chỉ làm việc thì sau nửa tháng Hùng có thể bỏ túi 4 triệu đồng. Tuy đã xác định tâm lý nhưng Hùng cũng không khỏi chạnh lòng: "Tuy nhà chủ cũng tổ chức cho nhân viên ăn Tết nhưng em vẫn nôn nao nhớ nhà, nhất là đêm Giao thừa, khi nhìn các gia đình quây quần bên nhau trong khi cả khu nhà trọ, chỉ còn mình mình lủi thủi tới chỗ làm".

Ngoài nỗi buồn xa nhà, các bạn trẻ nhiều khi không tránh khỏi những rủi ro khi hăng hái tìm việc, làm việc. Theo Hồng Hạnh, sở dĩ muốn tự mình đứng ra kinh doanh là do đã suýt bị sập bẫy của một trung tâm giới thiệu việc làm "ma" vào năm ngoái. Theo số điện thoại trên tờ rơi được phát trước cổng trường, Hạnh rủ người bạn đến "văn phòng" không có tên tuổi, biển hiệu này, trên đường Cầu Giấy, nhân viên yêu cầu nộp hồ sơ với lệ phí 100.000 đồng, dù ban đầu trên tờ rơi ghi rõ "không cần nộp lệ phí".

Muốn được "ưu tiên" có việc sớm, trung tâm này còn yêu cầu SV nộp thêm một khoản tiền nữa. Nhận thấy sự bất thường, Hạnh và người bạn đã nhanh chóng rút lui. Nhiều SV khác, không tỉnh táo như Hạnh, đã mất tiền oan để rồi chờ đợi mà chẳng có ai gọi đi làm, hoặc làm công việc với điều kiện và mức lương khác xa như hứa hẹn ban đầu. Còn vô vàn cái "bẫy" được giăng sẵn mà SV làm thêm dịp Tết có nguy cơ phải đối mặt và chỉ cần mất cảnh giác là các bạn trẻ hoàn toàn có thể lâm vào cảnh tiền mất, tật mang.

Có nhiều người tìm được việc như ý thì lại phải đối mặt với những trớ trêu của công việc. Trần Nguyên Phong, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, chuyên giao hàng dịp Tết, cho biết: Không ít SV đi giao hàng nhưng không thạo đường, nhiều khi bị lạc, gặp tắc đường, trả hàng muộn bị khách hàng và chủ hàng khiển trách.

Với đồ ăn uống theo bữa mà bị giao quá giờ, khách hàng không nhận, người giao vừa mất thời gian, xăng xe, vừa bị chủ hàng phạt tiền là chuyện thường xuyên. Không ít lần Phong méo mặt vì giao hàng đến địa chỉ "ma" hoặc đúng địa chỉ mà chẳng có ai ra nhận hàng, gọi tới số điện thoại khách hàng mới biết "giao dịch" chỉ là trò đùa.

Bên cạnh những va vấp, việc làm thêm dịp Tết đã đem lại cho các bạn trẻ, ngoài tiền bạc, nhiều trải nghiệm mới, giúp họ tích lũy thêm kỹ năng sống và nhiều kinh nghiệm quý cho công việc tương lai.

Nguyễn Minh Tân, SV năm thứ ba Trường ĐH Công nghiệp cho biết: "Chỉ sau 2 tuần làm nhân viên bán hàng tại siêu thị BigC, em đã học được rất nhiều điều về cung cách giao tiếp, thái độ ứng xử với khách hàng. Đó là những kỹ năng sống rất cần thiết và khó có thể học được trên giảng đường".

Theo Hà Nội mới
MỚI - NÓNG