Chúng ta đang phí phạm tiềm năng

Chúng ta đang phí phạm tiềm năng
TP - Theo GS Nguyễn Tiến Dũng - ĐH Toulouse, Pháp thì môi trường đại học trong nước khó có thể đào tạo một học sinh giỏi thành người tài, không chỉ do điều kiện vật chất yếu kém mà còn do chúng ta đang thiếu cơ chế đào tạo và sử dụng nhân tài.

> HCV Olympic loay hoay tìm đường du học
> Mê Toán, ham làm từ thiện

Nhớ lại quãng thời gian sau khi đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế môn toán (IMO) năm 1985, GS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ:

Năm đó tôi mới học lớp 11 tại khối chuyên toán ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), nhưng vì đoạt giải IMO nên được đặc cách đỗ tốt nghiệp và được cử đi học ĐH ở Liên Xô từ năm 1986 đến 1991. Đó là một giai đoạn mà bối cảnh xã hội có nhiều biến động. Liên Xô sụp đổ. Còn kinh tế ở Việt Nam cực kỳ khó khăn, có thời điểm lạm phát lên tới 800%/năm. Những người tốt nghiệp ĐH ở nước ngoài như tôi về nước chẳng có việc để làm, nếu có lương cũng không đủ sống.

Như tôi đã từng nói trong một bài viết trước đây của mình, thế hệ tôi là thế hệ bỏ đi. Ít người tiếp tục theo ngành đã học, hoặc người ta đi buôn, hoặc làm một nghề nào đó để có thể đủ sống. Tôi cũng không nghĩ mình sẽ theo ngành toán, nhưng rồi số phận xô đẩy tiếp tục làm nghiên cứu sinh toán.

Gương mặt học sinh đoạt giải quốc tế và Olympic những năm vừa qua. ảnh: Hồng vĩnh
Gương mặt học sinh đoạt giải quốc tế và Olympic những năm vừa qua. ảnh: Hồng vĩnh.

Nhưng đời sống kinh tế xã hội trong nước bây giờ đã tốt hơn rất nhiều. Liệu đó có phải là sự thuận lợi cho việc đào tạo người tài?

Không, ngay cả bây giờ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường ĐH trong nước cũng chưa tốt. Mấy chục năm qua, chúng ta phát triển một cách lệch lạc. Nói cách khác đã đi sai đường. Điều kiện cơ sở vật chất của các trường ĐH rất khó khăn, nhưng đó chỉ là một phần. Điều quan trọng là ta thiếu cơ chế đào tạo nhân tài. Môi trường làm việc của các nhà khoa học có nhiều mâu thuẫn khiến những người giỏi, làm việc thật nghiêm túc không được khuyến khích.

Đó là lý do khiến dù có tiềm năng, bằng chứng là kết quả thi Olympic quốc tế thường rất khả quan, nhưng nền nghiên cứu khoa học cơ bản vẫn không phát triển?

Tôi nghĩ nên khách quan hơn khi nhìn nhận tiềm năng này. Đội tuyển Olympic của chúng ta đạt thành tích cao nhưng có thực là học sinh của ta giỏi hơn những nước khác? Chưa hẳn! Pháp chẳng hạn, kỳ thi Olympic toán quốc tế năm nay họ chỉ đứng thứ thứ 21, tức là thua xa chúng ta.

Nếu căn cứ vào đó để nói học sinh của họ kém hơn? Hoàn toàn không phải thế. Chỉ đơn giản là học sinh, hoặc Bộ GD họ không quan tâm đến chuyện thi quốc tế như ta.

Họ thi cho vui, ai được hay không được giải cũng đều vui vẻ chứ không phải để thành niềm tự hào quốc gia. Họ không bỏ nhiều công sức để luyện thi như ở ta, dù họ có tố chất rất tốt. Vì thế họ đạt kết quả thấp hơn cũng là điều dễ hiểu. Không nên thấy vậy mà tưởng mình giỏi hơn họ…

Hiện tại chúng ta phí phạm rất nhiều tiềm năng. Tôi nghĩ để thay đổi điều này cần phải có một cuộc cải cách toàn diện về nhiều mặt. Cần phải tạo điều kiện tốt thực sự cho các nhà khoa học chứ không chỉ nói mồm.

Có thể mình không giỏi hơn, nhưng đạt được thành tích đó chứng tỏ là học sinh của ta vẫn giỏi?

Tôi đồng ý. Học sinh mình có khả năng. Nhưng cái khả năng đó phải được định hướng tốt và điều kiện đào tạo tốt. Cứ tạm cho là học sinh của ta và họ giỏi ngang nhau, nhưng do các yếu tố khác như điều kiện sống, nền tảng văn hoá, môi trường giáo dục đại học… họ đều hơn nên nền khoa học cơ bản của họ phát triển hơn mình là đương nhiên.

Theo giáo sư, chúng ta có thể làm gì?

Việc đưa học sinh giỏi đi đào tạo ở nước ngoài đã từng làm là rất tốt. Không nên sốt ruột bắt họ phải về ngay. Cứ cho họ làm việc ở nước ngoài để đạt đến độ chín muồi, bởi quá trình học để thành một người nghiên cứu độc lập không chỉ 5- 7 năm mà cần ít nhất hơn chục năm. Vấn đề còn lại là làm sao thu hút được những nhà nghiên cứu trở về nước làm việc khi mà lương của họ không đủ sống, người vừa có trình độ vừa tâm huyết không được đặt vào vị trí tương xứng nếu không phải con ông cháu cha hoặc không chịu "chi"?

Tôi nhớ lại một chuyện xảy ra khi còn học ở Nga. Hồi đó một vị lãnh đạo sang nói chuyện với chúng tôi, rồi kêu gọi các cháu học tốt để còn trở về gánh vác đất nước. Một bạn sinh viên đã hỏi lại: “Vấn đề là các bác có để cho chúng cháu gánh vác không?”. Tôi cho rằng câu chuyện này giờ vẫn còn nguyên tính thời sự.

Cảm ơn giáo sư.

Quý Hiên
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.