Cô gái Việt dạy guitar trên xứ sở guitar

Cô gái Việt dạy guitar trên xứ sở guitar
Người Việt mà dạy guitar cho dân Tây, ngay trên quê hương của cây đàn Tây ban cầm quả là chuyện lạ đời - khác nào ông Tây đến Việt Nam dạycho người Việt chơi đàn đáy, đàn bầu…

> Gặp “Chàng trai Tàu hũ” Nguyễn Duy Anh

Vậy mà bao năm nay Nguyễn Thanh Hằng, một cô gái Việt mảnh mai đã đến Barcelona để học guitar, trở thành giáo viên và đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới.

Hằng sinh năm 1977 tại Hà Nội, là con gái “rượu” của NSƯT Nguyễn Quyết Thắng - một trong những giảng viên đầu ngành của Nhạc viện Hà Nội.

Thanh Hằng trong một chương trình biểu diễn ở nước ngoài - Ảnh: nhân vật cung cấp
Thanh Hằng trong một chương trình biểu diễn ở nước ngoài - Ảnh: nhân vật cung cấp.

Đến với đất nước của cây đàn Tây ban cầm

Thanh Hằng kể: “Vào lứa tuổi đôi mươi, em thường có dịp đàn guitar cho ông Ignacio Sagaz (Đại sứ Tây Ban Nha (TBN) đầu tiên tại VN) nghe. Mỗi lần nghe em đánh đàn ông đều nói rằng: “Cô là một tài năng và một ngày nào đó cô phải tới TBN để có cơ hội phát triển”. “Một ngày nào đó”, trợ lý của ông đại sứ “phone” cho em: “Cô được nhận một học bổng tu nghiệp 1 năm tại TBN và thầy Joseph Henriquez ở Barcelona đã đồng ý nhận cô”. Lúc đó em 23 tuổi, đang là giảng viên guitar của Nhạc viện Hà Nội năm thứ 2…”.

Sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học 1 năm tại Nhạc viện Liceu (thành lập năm 1837 tại Barcelona), được học với các nghệ sĩ bậc thầy như: Joseph Henriquez, Sergi Vicente, Jaume Torent, đồng thời được hướng dẫn bởi các nghệ sĩ guitar nổi tiếng thế giới như: Carles Trepat (TBN), Alvaro Pierri (Canada), Gerard Abiton (Pháp)..., Thanh Hằng lại tiếp tục nhận được học bổng 1 năm nữa, rồi lại một năm nữa kèm theo thư của Tổ chức Hợp tác quốc tế TBN (nơi cấp học bổng): “Đây là trường hợp ngoại lệ duy nhất, vì theo nguyên tắc chỉ cấp nhiều nhất là 2 năm”. Lúc này, Thanh Hằng đã sử dụng thành thạo tiếng TBN và tham gia tích cực vào các hoạt động biểu diễn âm nhạc. Chị đã tham dự nhiều cuộc thi và festival quốc tế như: Printemps de la Guitare (Bỉ, 2002), Concurso de Jóvenes Músicos de Cataluna (Barcelona, TBN 2003), Andrés Segovia (Linares, TBN 2004), Guitar Festival Hersbruck (Đức), Guitar Festival Barcelona (TBN)...

Từ năm 2003, Thanh Hằng bắt đầu hoạt động biểu diễn đồng thời giảng dạy tại các trường âm nhạc tại TBN va lưu diễn tại nhiều quốc gia. Chị đã cùng với người thầy của mình (Joseph) thành lập nhóm song tấu Duo guitar EURÁSIA, phát hành đĩa nhạc Nguyen Thanh Hang Recital & Duo Guitar EURÁSIA tại TBN. So với học sinh (Tây) thì cô giáo nhỏ bé như một con búp bê (42 kg), lại là “da vàng, mũi tẹt” đã không nhận được sự tin tưởng từ phía học sinh cũng như phụ huynh về khả năng chuyên môn. Nhưng rồi bằng sự kiên tâm bền bỉ, bằng những buổi biểu diễn, thành tích ở các cuộc thi quốc tế và cả sự tiếp xúc, gần gũi với học sinh và phụ huynh, Hằng đã chứng tỏ được rằng “người Việt tuy nhỏ bé nhưng không hề kém cỏi”.

Gắn bó với Đà Nẵng

Trong thời gian sống tại TBN, Hằng có một “fan” rất đặc biệt. Người này tuy hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhưng lại rất đam mê nhạc cổ điển và luôn có mặt trong các buổi biểu diễn của Thanh Hằng, đó là José. Thế rồi José trở thành ông xã của Thanh Hằng.

Đến năm 2011, khi đôi vợ chồng trẻ này đã có một bé trai (tên Hugo) thì José muốn có một trải nghiệm ở Việt Nam như vợ mình đã từng có ở TBN, còn Thanh Hằng thì cũng muốn ông bà ngoại có cơ hội gần gũi đứa cháu duy nhất. Thế là José quyết định “thả neo” ở Đà Nẵng, vì theo anh nơi đây có chất lượng cuộc sống tốt nhất ở Việt Nam, Đà Nẵng lại nằm giữa Huế và Hội An - hai nơi còn bảo tồn những nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Vậy là họ đã về Đà Nẵng sống gần tròn 2 năm. Cậu bé Hugo (bây giờ đã 5 tuổi) cũng rất nhạy cảm với âm nhạc.

Giờ đây Thanh Hằng thực sự yêu mến và gắn bó với thành phố biển. Chị muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho thành phố này và dự án “Trường Âm nhạc quốc tế Đà Nẵng” đang hình thành. Chị chia sẻ: “Giảng viên là những người bạn của em, chủ yếu là người nước ngoài có trình độ âm nhạc chuyên biệt. Trước mắt sẽ có những bộ môn:

Guitar cổ điển, guitar điện, piano, thanh nhạc, múa ballet và khiêu vũ nghệ thuật. Riêng với những người đã trưởng thành, em muốn trường nhạc này như một “CLB văn hóa tinh thần” để họ học hỏi, thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc đồng thời giúp họ tìm lại sự cân bằng và tĩnh lặng của tâm hồn giữa cuộc sống bộn bề những lo toan”.

Theo Hà Đình Nguyên
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".