Cô không bằng cấp vẫn luyện trò yếu thành giỏi

Cô không bằng cấp vẫn luyện trò yếu thành giỏi
“Cô giáo” không bằng cấp, không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm và còn mắc dị tật bẩm sinh về phát âm nhưng cứ mở lớp, dạy học là học sinh ùn ùn kéo nhau tới nghe giảng. Hàng chục học sinh yếu kém đã được cô giáo khuyết tật “hô biến” thành học sinh giỏi.

>> Thầy giáo mù lập mái ấm cho trẻ khuyết tật
>> Đam mê nghề của cô giáo khiếm thị

“Cô giáo” không bằng cấp

Nằm sâu trong ngõ 120, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng (Hà Nội), lọt thỏm trong căn nhà cũ kỹ, xập xệ nhuốm màu thời gian là lớp học của cô giáo nghèo Nguyễn Thị Lan Phương. Ở cái lớp học này, nếu ngồi liệt kê thì sẽ khó lòng tìm ra bất cứ tài sản nào đáng giá ngoài chồng sách vở cũ kỹ và tấm lòng ham học, ham dạy của trò và cô.

Lớp học này sẽ chẳng có gì nổi trội hơn hàng ngàn lớp học khác ở các vùng quê nghèo nếu nó không được dẫn dắt bởi một con người đặc biệt: Cô giáo Lan Phương là một người khuyết tật. Từ nhỏ, số phận đã không cho chị được vẹn tròn như bao đứa trẻ khác. Chị bị tật về phát âm, cái tật đáng lẽ là “cửa tử” cho cái “nghề” mà chị đã gắn bó bao năm - nghề dạy chữ, luyện trò.

Cô Lan Phương đang giảng bài trong lớp học đặc biệt.
Cô Lan Phương đang giảng bài trong lớp học đặc biệt. .

Không bằng cấp, không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm như hàng vạn giáo viên khác nhưng cô Phương lại biết cách “thổi lửa” vào sự chây ỳ, trì trệ của không ít học sinh cá biệt.

“Nghề dạy chữ đến với tôi rất tình cờ, tôi đã dạy cho các em bằng khát vọng của chính mình. Tôi nghĩ, các em kém mình hơn chục tuổi vẫn có thể học giỏi thì tại sao mình không thể học giỏi để kèm các em kém hơn. Mọi sự khởi đầu đều vất vả, không bằng cấp nhưng đổi lại tôi có lòng nhiệt thành, có kiến thức vững vàng, đặc biệt là môn Toán để tự tin truyền đạt cho các em tiểu học, trung học. Ban đầu, các âm từ bị mất do dị tật bẩm sinh, tôi phải viết ra cho các em. Lâu dần nghe quen, tôi không còn phải vất vả vì cái khiếm khuyết khổ sở của mình. Đến với tôi, các em ngoài việc có một người cô dạy chữ thì chúng còn có thêm một người bạn tâm giao. Tới lớp, các em được ăn, được uống, chúng thương cô giáo nghèo, nhà có gì, chúng dùng nấy. Và quan trọng nhất, tất thảy những thắc mắc của các em về môn Toán đều nhận được các câu trả lời thuyết phục, thỏa đáng”, cô Phương tâm sự.

Từ chỗ chỉ kèm tại nhà cho một vài em, tới nay lớp học của cô Phương khuyết tật, không bằng cấp đã lên đến con số hàng trăm học sinh. Để phù hợp với lịch học chính của các em, cô đã phải chia lớp thành nhiều ca trong ngày. Với nhiều lớp học khác, chia ca là để giới hạn thời gian dạy và học nhưng với cô Phương thì: “Mỗi ca là 2,5 giờ nhưng thú thực việc chia ca cũng chỉ để lấy lệ chứ khi dạy thì mục đích cuối cùng vẫn là thỏa mãn mọi vấn đề khúc mắc trong mỗi học sinh nên có ca kéo dài tới… nửa ngày”.

Học trò chăm chú khi cô Phương giảng bài.
Học trò chăm chú khi cô Phương giảng bài..

Giáo cụ tuyển từ… đồng nát

Tới nay, sau nhiều năm gắn bó với nghề dạy chữ, cô Phương không nhớ đã tôi luyện cho bao học trò nên người. Ước mơ cháy bỏng của người dạy chữ khuyết tật này là có một lớp học lớn hơn để cô có thể truyền niềm đam mê học tập tới con em lao động nghèo. Với cô, hoàn toàn không có khái niệm học sinh cá biệt, lười học mà chỉ có học sinh chưa được thổi niềm đam mê ham học tập.

Ngày chúng tôi có mặt tại căn phòng trọ đi thuê tại ngõ 120 Vĩnh Tuy, cô Phương đang tất tả giảng bài cho ca học buổi sáng. Với phương pháp dạy học của mình, “cô giáo” đã thổi hồn vào tinh thần ham học của các em. Trong lớp, tuyệt nhiên không có học sinh quay ngang, quay dọc, nói chuyện riêng mà tất thảy đều chăm chú nghe giảng, ghi chép và giơ tay trả bài. Giáo cụ giảng dạy trong lớp học đa phần được cô cóp nhặt từ hàng ve chai, sắt vụn. Giấy nháp được đóng bì và cũng có xuất xứ từ hàng ve chai được cô thu gom về. Học sinh lớp cô Phương phần lớn là con em lao động nghèo khu vực quận Hai Bà Trưng. Phụ huynh, học sinh đến với cô phần lớn qua “tiếng lành đồn xa”.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh (14, tổ 2, phường Vĩnh Tuy), phụ huynh học sinh Nguyễn Hoàng Văn (lớp 7C, Trường THCS Vĩnh Tuy) cho biết: “Cô Phương thương yêu học sinh lắm. Chính tình thương của cô đã đem đến cho học sinh niềm đam mê với sách vở. Con nhà tôi tôi biết, trước đây nó ít học, ham chơi và đặc biệt là rất ghét đi học thêm. Tuy nhiên, khi nghe có một bạn học cùng lớp thẳng tiến từ học sinh kém lên học sinh giỏi sau một năm theo học cô Phương thì tôi ép cho cháu đi học. Từ chỗ không thích, cháu đã thay đổi hoàn toàn, thích học và học tiến bộ. Ban đầu, khi đặt chân đến đây, tôi không nghĩ ở cái chốn ẩm thấp, xập xệ này lại có một lớp học. Nhìn cô giáo nghèo, nói ngọng khiến tôi thêm phần e ngại. Vậy nhưng tấm lòng, kiến thức của cô đã chinh phục tất cả”.

Theo chị Lan Anh, ngày chị mới cho con lên lớp thì học lực của Văn mới chỉ đạt học sinh tiên tiến, sau hơn một năm được cô Phương kèm cặp, tới nay Văn đã là học sinh giỏi của lớp.

Đến với lớp học cô Phương từ lớp… 1, tới nay học sinh Nguyễn Văn Hải (lớp 7C, Trường THCS Vĩnh Tuy) đã có 6 năm gắn bó với “cô giáo” đặc biệt này. Với Hải, cô Phương vừa là cô, vừa là bạn, là người mẹ thứ hai. Ngoài việc được dạy chữ, cô còn dạy Hải làm người. Với cô Phương, Hải luôn là niềm hy vọng lớn. Trong suốt thời gian gắn bó với cô Phương, ngoài kiến thức được học ở lớp, với kiến thức được cô Phương bổ trợ, Hải đã 7 năm liền đạt học sinh giỏi.

Theo Minh Anh
Gia đình & Xã hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG