Cùng con em nhà nông chọn trường

ThS. Phạm Thái Sơn tư vấn cho học sinh tại ngày hội Ảnh: Q.P
ThS. Phạm Thái Sơn tư vấn cho học sinh tại ngày hội Ảnh: Q.P
TP - Ngày 10-3, hàng ngàn học sinh THPT là con em nông dân ở Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM với chủ đề Cùng con em nhà nông chọn trường, chọn ngành.

> Hơn 3.000 chỉ tiêu vào HV Bưu chính Viễn thông
> Chỉ tiêu HV Ngân hàng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định

Một học sinh ở Trường THPT Chơn Thành (Bình Phước) băn khoăn: “Em nghe nói vào ĐH thì sẽ học theo hệ tín chỉ hoặc niên chế, vậy cho em hỏi học theo hệ nào thì tiết kiệm?”.

ThS. Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: Theo lộ trình, đến năm 2015, tất cả các trường sẽ phải đào tạo theo hệ tín chỉ. Hầu hết các trường đang đào tạo theo hệ này. Học tín chỉ sẽ tạo điều kiện cho sinh viên học tập phù hợp với hoàn cảnh và năng lực của bản thân, các em chủ động được thời gian học.

Ví như gia đình của học sinh là nhà nông, thứ bảy họ cần thời gian đi làm thêm để kiếm tiền thì có thể chủ động đăng ký học vào các ngày khác. Sinh viên cứ tích luỹ đủ số tín chỉ theo yêu cầu là có thể tốt nghiệp.

Tại ngày hội, phần lớn học sinh tham gia là con của nông dân, do đó khối ngành nông lâm ngư nhận được khá nhiều câu hỏi của thí sinh.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, phân tích: Trước đây, nhiều ngành liên quan đến nông nghiệp, nông thôn không được quan tâm, nhưng nguồn nhân lực cho ngành này đang rất thiếu, nhu cầu xã hội rất cao, nên thu nhập của người lao động trong ngành này cũng khá ổn định.

Điều quan trọng không hẳn là học sinh phải chọn ngành nào đó xa xôi mới có thể phát triển được tương lai. Nếu các em có sở thích và đam mê thì hãy chọn những ngành học, công việc quen thuộc, gần gũi với ba mẹ các em ở nhà, đó là các ngành trong khối ngành nông - lâm - ngư.

TS Lý cũng lưu ý: Trong hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của các em có mục để ghi tên ngành và tên chuyên ngành. Nếu ngành có nhiều chuyên ngành thì sau khi thí sinh ghi tên ngành cần ghi thêm tên chuyên ngành mà các em có nguyện vọng học.

Vấn đề chọn ngành nào để 4-5 năm nữa ra trường dễ kiếm việc làm cũng là một vấn đề “nóng” của ngày hội.

ThS. Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TPHCM, cho rằng: Những năm qua, lượng thí sinh thi vào nhóm ngành kinh tế là rất lớn.

Nhưng nhóm ngành này vừa được Bộ GD&ĐT khuyến cáo thí sinh hạn chế thi, và kiểm soát các trường không mở mới các nhóm ngành này. Hiện khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp sắp xếp lại cơ cấu, nhân lực ngành kinh tế dư thừa nhiều.

Nhưng đó là giai đoạn hiện nay, còn 4-5 năm nữa, kinh tế hồi phục, nhu cầu lao động có thể cao. Các em cần lựa chọn các trường đào tạo có uy tín để học nếu đam mê vì cơ hội việc làm, điều kiện phát triển năng lực còn rất lớn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG