‘Đau để đẹp’ có đáng không?

‘Đau để đẹp’ có đáng không?
Khi mà ngoại hình đẹp trở thành một lợi thế để có việc làm tốt, tạo nên sự tự tin trong cuộc sống, thì rào cản tâm lý khi đến với phẫu thuật thẩm mỹ càng được hạ xuống thấp hơn bao giờ hết.

‘Đau để đẹp’ có đáng không?

> Cận cảnh 'nhan sắc' Bà Tưng sau thẩm mỹ
> 'Bà Tưng' làm nhỏ ngực để không bị 'ném đá'? 

Khi mà ngoại hình đẹp trở thành một lợi thế để có việc làm tốt, tạo nên sự tự tin trong cuộc sống, thì rào cản tâm lý khi đến với phẫu thuật thẩm mỹ càng được hạ xuống thấp hơn bao giờ hết.

Đủ kiểu can thiệp

Phẫu thuật thẩm mỹ được liệt vào danh sách những cách làm đẹp nhanh và giúp thay đổi hiệu quả nhất diện mạo con người. Hiện nay, nhẹ nhàng nhất là các dịch vụ cắt mí mắt, hút mỡ bọng mắt, chiếu laser trị sẹo… Các ca phẫu thuật này mất khoảng 10 – 15 triệu đồng và được các bạn gái trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Tốn kém hơn là các ca nâng mũi, làm nhỏ cánh mũi hay gọt cằm V-line, con số có thể lên đến 30 – 50 triệu đồng. Trong đó, dịch vụ chiếu tia laser để làm căng da mặt, xóa nếp nhăn và quầng thâm mắt đang nóng nhất với nhiều khách hàng trẻ.

Thùy Trang (trường ĐH Văn Hiến) chia sẻ: “Mỗi tháng, mình đi chiếu laser một lần để giữ vẻ tươi trẻ và giúp da căng đẹp. Ở Hàn Quốc, các ngôi sao hầu như tuần nào cũng chiếu laser mà đâu có bị gì!”.

‘Đau để đẹp’ có đáng không? ảnh 1
 

Lý do để đi phẫu thuật thẩm mỹ, ngoài mong muốn có một vẻ ngoài xinh đẹp, nhiều bạn trẻ chấp nhận “can thiệp dao kéo” là bởi tin theo phong thủy, sửa để “phá tướng khổ”. Cũng có tình huống bắt buộc phải chỉnh sửa như bạn Hoàng Ngọc (trường ĐH Sài Gòn): “Mắt mình từ khi sinh ra mí bị sụp một bên. Lớn lên bác sĩ có khuyên mình đi cắt mí để hai mắt đều nhau, sẽ dễ nhìn hơn”.

Hiện nay, không hẳn vì nhu cầu “làm đẹp lên”, một bộ phận các bạn trẻ còn phẫu thuật theo trào lưu. Như có đợt rộ lên mốt cắt đuôi mắt, tạo bọng mắt cho giống diễn viên Hàn Quốc, hay làm tiểu phẫu để có khoé miệng luôn mỉm cười. Có một số bạn trẻ còn sẵn sàng bỏ tiền triệu để cấy răng khểnh theo trào lưu “độ răng” mà Sinh Viên Việt Nam đã từng phản ánh.

Cũng có những lý do khá bất ngờ khiến các bạn trẻ đến gặp bác sĩ thẩm mỹ. Bách H. (Học viện Hàng không) có gương mặt xinh xắn nhưng chiều cao không đạt mức làm tiếp viên hàng không. Sau mấy lần nộp đơn không thành, H. quyết định đi kéo xương chân ở một bệnh viện, hết gần 200 triệu đồng. Số tiền do bạn để dành và được ba má hỗ trợ. Với suy nghĩ đơn giản là tăng chiều cao để tìm việc lương cao, rồi có thể dễ dàng kiếm lại số tiền đó, cô bạn đã tự tin đến bệnh viện để làm ca phẫu thuật lớn.

Nhưng không chỉ “một lần rồi thôi”, các bạn trẻ “bén mùi” phẫu thuật thẩm mỹ thường ra vào phòng phẫu thuật như cơm bữa để duy trì và “duy tu” sắc đẹp. Đây mới là những khoản tốn kém lâu dài.

‘Đau để đẹp’ có đáng không? ảnh 2
 

Bạn có sẵn sàng?

Khi có ý định sửa sắc đẹp, nhìn chung, các khách hàng trẻ đều biết trước mức độ nguy hiểm của cuộc phẫu thuật. Trước khi vào phòng mổ, theo thông lệ, khách hàng phải ký với bệnh viện thỏa thuận không kiện tụng, làm xác nhận thân nhân, hộ khẩu trong khu vực mới được tiến hành giải phẫu. Thế nên, một số thẩm mỹ viện giá rẻ ra đời để chiêu dụ khách hàng thiếu hiểu biết.

Ghé một thẩm mỹ viện tư ở quận 1, (TP.HCM) chúng tôi được nhân viên nơi đây đón tiếp và tư vấn rất nhiệt tình. Tuy nhiên, khi nhìn danh mục các dịch vụ mà địa chỉ này quảng cáo, một người cả tin nhất cũng thấy “chợn” bởi cách thể hiện có phần kỳ quặc: Phẫu thuật mắt tròn đáng yêu; Lấy mỡ da thừa mi dưới làm mắt dễ thương; Bấm mí tiêu chuẩn Hàn Quốc… Nơi này còn có các dịch vụ khuyến mãi tặng kèm như: Bấm mí tiêu chí Hàn Quốc tặng kèm lấy mỡ thừa; Hút mỡ bụng tặng kèm suất cắt mí… Mặc dù thẩm mỹ viện quảng cáo có sự hợp tác với bệnh viện và các bác sĩ từ Hàn Quốc nhưng khi chúng tôi hỏi kỹ hơn, nhân viên tư vấn cũng mờ tịt, không thể đưa ra thông tin nào về bệnh viện đối tác này.

Nhân viên một bệnh viện thẩm mỹ ở quận 1, TPHCM đang tư vấn cho khách hàng là phóng viên nhập vai
Nhân viên một bệnh viện thẩm mỹ ở quận 1, TPHCM đang tư vấn cho khách hàng là phóng viên nhập vai.
 

Nhiều trường hợp các bạn nghe theo mách bảo tìm đến những trung tâm giải phẫu, chứ không thực sự biết rõ chất lượng của các địa chỉ ấy như thế nào. Kim K. (trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) luôn tự ti về “vòng 1 màn hình phẳng” nên theo lời mách bảo của một người bạn có mẹ từng đi nâng ngực, cô bạn quyết định tìm đến một trung tâm giải phẫu thẩm mỹ tại quận 1. Chuyện dở khóc dở cười xảy ra khi cô bạn phát hiện hai bên ngực vừa làm không đều nhau. Kiện tụng tới lui mất rất nhiều thời gian, K. mới được trung tâm này chuyển qua một bệnh viện khác để phẫu thuật lại.

Bản thân phẫu thuật thẩm mỹ không xấu. Nó giúp con người đẹp và hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn trẻ nhận thức chưa đúng hoặc chưa tới về phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến những tác hại đáng tiếc. BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM nhấn mạnh: “Các bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ. Trước hết, phải biết bản thân mình mong đợi gì từ loại hình phẫu thuật này. Sự thật phẫu thuật thẩm mỹ có thể cải thiện những khiếm khuyết nhưng không thể biến bạn thành hoàn hảo như một người mẫu hay siêu sao màn ảnh. Những mong đợi thái quá sẽ có thể khiến bạn thất vọng sau khi ca phẫu thuật kết thúc, dù thành công.”
Còn về mức độ nguy cơ, BS Lê Hành cho biết, sau khi phẫu thuật, các bạn khó tránh cảm giác thấy thất vọng vì không được như mong muốn. Ngoài ra, chưa kể đến các biến chứng có thể xảy ra, bao gồm chảy máu quá nhiều hoặc nhiễm trùng, nặng hơn có thể dẫn tới tử vong.

Theo Trúc Linh- Mỹ Linh
Sinh Viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG