Dạy học sinh tiêu tiền

Dạy học sinh tiêu tiền
TP - Từ năm học tới, tất cả học sinh lớp 10 tại TPHCM, theo học tại 182 trường THPT sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tiền bạc hiệu quả. Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM sẽ đưa 6 tiết học về quản lý tiền bạc vào các tiết hướng nghiệp của môn Kỹ thuật Nông nghiệp.
Học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa cùng nhau lập bảng hoạch định chi tiêu
Học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa cùng nhau lập bảng hoạch định chi tiêu.

Tại TPHCM, tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (Save the Children), được sự hỗ trợ của Quỹ Citi, đã hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM thực hiện dự án “Giáo dục tài chính cho học sinh THPT” (tên tiếng Anh là “Smart Start for Students ”).

Theo bà Nguyễn Hoàng Khánh Tiên - cán bộ dự án, ngày 12/6, dự án sẽ tổng kết bốn năm hoạt động, phía Sở GD&ĐT dự kiến đưa giáo dục tài chính vào chương trình THPT.

Chương trình giảng dạy về giáo dục tài chính bắt đầu từ tháng 12/2009. Sau bốn năm, dự án tiếp cận gần 8.000 học sinh ở 100 trường THPT tại TPHCM.

Khảo sát cho thấy, 93% học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc học quản lý tài chính cá nhân, 92% cho rằng mọi người nên có kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu, kể cả học sinh THPT.

Phỏng vấn sâu 27 phụ huynh ở hai trường THPT Nguyễn Du (Q.10) và Marie Curie (Q.3) cho thấy, độ tuổi học sinh (13-18 tuổi) đã bắt đầu tiêu tiền và có nhu cầu tiêu tiền. Học sinh được cha mẹ cho tiền tiêu vặt nhiều hơn, thấp nhất là 70.000 đồng, cao nhất 500.000 đồng/tuần.

Khảo sát của Save the Chilrdren trên 200 học sinh trường Marie Curie và Nguyễn Du cho thấy, 32% học sinh than phiền số tiền tiêu vặt cha mẹ cho không đủ tiêu. Hơn 30% học sinh cho biết từng lập bảng ngân sách chi tiêu.

Dạy con từ thuở... lên ba

Nhiều phụ huynh nói rằng, vì số tiền cho con tiêu trong ngày không lớn nên họ không quan tâm việc căn dặn con tiêu như thế nào. “Mỗi sáng chở cháu đến trường, tôi cho cháu 30 ngàn uống nước, ăn quà. Cháu học bán trú nên bữa trưa đã có nhà trường lo”, chị Nguyễn Thị Nhi ở đường Trần Hưng Đạo, Q.1, cho biết.

Chị Nguyễn Minh Tâm ở đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh cho rằng: “Cháu còn nhỏ, nên tôi cũng không quá khắt khe chuyện tiền nong. Thỉnh thoảng, tôi nhắc cháu đừng ăn vặt trước cổng trường hoặc mua đồ chơi linh tinh chứ chưa nghĩ đến việc dạy cháu chi tiêu có mục đích”.

Độ tuổi từ 3-5, trẻ có khả năng tiếp thu cao nhất, đã biết dùng tiền. Bà Godfrey chia sẻ phương pháp S.O.S dạy trẻ chi tiêu: Saving = Tiết kiệm; Offering = Ủng hộ, biếu tặng, khuyên trẻ dành một phần tiền để làm từ thiện, giúp đỡ bạn bè; Spending = Chi tiêu: định hướng trẻ lập kế hoạch cho các khoản chi tiêu trong sự kiểm soát của cha mẹ.

Tại hội thảo “Giáo dục con trẻ về tài chính” diễn ra cuối tháng 5 ở TPHCM, bà Neale S. Godfrey, Giám đốc điều hành Children’s Bank, ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới, nói rằng, trẻ lên ba tuổi đã có thể nhận thức được thứ mình muốn. Đây cũng chính là thời điểm nên bắt đầu cho con tập làm quen với tiền.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, lứa tuổi lên ba còn quá bé, chưa thể nhận thức đầy đủ về tiền bạc. Theo bà Godfrey, khi con lên ba tuổi, cha mẹ nên bắt đầu tập cho cháu biết giá trị của công việc, “có làm thì mới có ăn”.

“Sẽ có những việc trẻ làm được thưởng như trông em, cho thú ăn, tưới cây… Những việc như đánh răng, xếp áo quần, tắm rửa… là những việc bắt buộc cháu phải làm và không được thưởng. Mỗi ngày, trẻ sẽ ý thức hơn về việc sử dụng đồng tiền bằng chính sức lao động của bản thân”, bà Godfrey nói.

Tuy vậy, nhiều phụ huynh tỏ ra ái ngại khi quá sòng phẳng với con. “Tôi sợ rằng cháu còn nhỏ mà luôn bị ám ảnh về đồng tiền, khi lớn lên sẽ trở nên thực dụng, ích kỷ”, chị Hồ Thị Hương, ở đường Quốc lộ 13, phường 26, Q.Bình Thạnh, nói.

Theo bà Godfrey, việc trả công cho con là bước đầu để giúp cháu hoạch định, quản lý tiền bạc. Bà Godfrey giới thiệu mô hình “Bốn chiếc bình”: bình một đựng tiền dành cho các hoạt động từ thiện. Bình hai để trẻ chi tiêu cho những nhu cầu hằng ngày như mua bánh, kẹo, đồ ăn sáng… Bình ba để mua các vật dụng mà chúng đã có kế hoạch mua từ trước như đồ chơi, sách truyện... Bình bốn cho việc thực hiện các việc lớn như vào đại học, đi du lịch… Bình một chiếm 10% số tiền, ba bình còn lại mỗi bình chiếm 30%.

Tiền bỏ vào bình từ các nguồn như tiền tiêu vặt hằng tuần, tiền thưởng của bố mẹ, tiền được người khác tặng… Nhiều phụ huynh tỏ ra tán thành và cho biết, họ cũng dùng hai con heo đất để tập cho trẻ tiết kiệm tiền.

“Một con để dành cho tương lai lâu dài, một con để cháu tiết kiệm cho các mục đích sắp tới như sinh nhật bạn bè, mua đồ chơi… Khi dạy trẻ tiết kiệm, tôi cũng nhắc cháu những việc nào phải chi tiêu, những việc nào không nên, để con sau này không mắc tính hà tiện, keo kiệt”, chị Phạm Hải Anh ở cư xá Thanh Đa, Q.Bình Thạnh cho biết.

Chị Anh kể, 1-2 tháng, chị đập heo một lần, thông báo cho con số tiền hiện có. “Cháu thấy rất vui vì biết được số tiền của nó, và phấn khích khi biết cứ hằng tháng, con số đó lại tăng lên”, chị Anh nói.

Treo bảng lương cạnh bàn ăn

Anh Lương Minh Thuần có ba con đang học ở trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), hiện là viên chức nhà nước với mức lương chỉ vài triệu đồng. Anh treo bảng lương của mình trên tường cạnh bàn ăn, nơi cả gia đình thường xuyên ngồi lại với nhau. Các loại hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền internet, điện thoại..., anh cũng treo ngay bên cạnh. Các khoản học phí, sinh hoạt của các con anh cũng tổng hợp lại và dán vào.

“Các con tôi thường nhìn vào đấy, tính toán các khoản chi của gia đình, rồi so sánh với bảng lương của bố. Chúng sẽ thấy các khoản chi trong tháng hầu như ngốn hết lương. Từ đó, chúng cảm thấy quý trọng đồng tiền. Mỗi tuần, tôi đưa các cháu một khoản tiền tiêu vặt. Các cháu chi tiêu rất cẩn thận, dè sẻn. Hết tuần còn dư tiền, các cháu tự bỏ ống heo, đầu năm đóng học phí sẽ đập ra”, anh Thuần kể. Anh làm như vậy từ khi con học cấp một cho đến bây giờ. Anh Thuần cho rằng, đây là cách mà nhiều phụ huynh thu nhập thấp, cán bộ công chức dùng để dạy con chi tiêu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG