Để làm tốt bài thi môn sinh, hóa

Để làm tốt bài thi môn sinh, hóa
Các giáo viên cho rằng với những môn này, học sinh phải nắm được lý thuyết và bài tập cơ bản của từng phần, từng chương cụ thể.

Để làm tốt bài thi môn sinh, hóa

> Ôn thi tốt nghiệp bám sát chương trình lớp 12
> Ôn thi ít, hiệu quả nhiều

Các giáo viên cho rằng với những môn này, học sinh phải nắm được lý thuyết và bài tập cơ bản của từng phần, từng chương cụ thể.

Học sinh Trường trung học thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) ôn tập môn hóa Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh Trường trung học thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) ôn tập môn hóa Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Môn sinh: Hệ thống kiến thức theo chương hoặc phần

Trong chương trình của sách giáo khoa, phần di truyền học có 5 chương. Cụ thể, ở chương I (cơ chế di truyền và biến dị), nội dung học sinh (HS) cần nắm gồm kiến thức về gen, mã di truyền, cơ chế các quá trình nhân đôi - phiên mã - dịch mã, điều hòa hoạt động của gen, đột biến (đột biến gen, đột biến nhiễm sắc thể). Về phần bài tập cơ bản, HS cần tính được chiều dài gen, số nuclêôtit, số axit amin, số nhiễm sắc thể… trong trường hợp bình thường và bị đột biến.

Trong chương II (tính quy luật của hiện tượng di truyền), cần nắm kiến thức về quy luật: Phân li, phân li độc lập, tương tác gen, liên kết gen, hoán vị gen, di truyền liên kết với giới tính, di truyền qua tế bào chất… HS phải phân biệt được bản chất của từng quy luật. Ở phần bài tập, HS cần viết được giao tử, tính tỷ lệ giao tử, tỷ lệ tổ hợp giao tử đời con, xác định được kiểu gen, kiểu hình. Đối với dạng toán nghịch, các em phải học cách lý luận dựa vào đời con để tìm bố, mẹ.

Ở chương III (di truyền học quần thể), HS phải phân biệt được kiến thức về quần thể tự phối và quần thể ngẫu phối. Bài tập cơ bản cần luyện tập là tính tần số alen, tần số kiểu gen, tần số kiểu hình, xác định được cấu trúc di truyền của quần thể tự phối và quần thể ngẫu phối.

Nội dung trong chương IV (ứng dụng di truyền học) hoàn toàn là kiến thức lý thuyết, nhưng lại liên quan đến ứng dụng thực tiễn trong đời sống, sản xuất, gồm các phương pháp lai tạo giống vật nuôi cây trồng: tạo biến dị tổ hợp, ưu thế lai, công nghệ tế bào. Do vậy, HS cũng cần tập trung học và hiểu lý thuyết ở chương này. Còn chương V (di truyền học người), phải phân biệt được các kiến thức về bệnh phân tử, hội chứng bệnh, bệnh ung thư, liệu pháp gen, chỉ số ADN… và thuộc được tên cũng như cơ chế các bệnh lý ở người có trong SGK.

Trong phần tiến hóa, học kỹ học thuyết tiến hóa hiện đại (tiến hóa nhỏ, tiến hóa lớn, các nhân tố tiến hóa, quá trình hình thành loài mới…). Ở phần sinh thái học, cần có sơ đồ hệ thống kiến thức để không lẫn lộn giữa quần thể - quần xã.

Để làm tốt các phân khúc trong đề bài thi tốt nghiệp, HS cần lập sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức theo chương hoặc theo phần. Đồng thời, làm trắc nghiệm để tập kỹ năng đọc và hiểu đề nhanh chóng.

Trần Mỹ Liêm (Tổ trưởng bộ môn Sinh - Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM)

Môn hóa: Nên lập bảng tóm tắt

Đối với môn hóa, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT có 40 câu trắc nghiệm, trong đó lý thuyết chiếm 3/4 và toán chỉ chiếm 1/4. HS chỉ cần học kỹ lý thuyết, luyện tập các câu hỏi, bài toán trong sách giáo khoa và sách bài tập của Bộ GD-ĐT là đủ. Ở mỗi bài học, mỗi chương, các em chịu khó dùng tờ giấy A4 lập bảng tóm tắt ý chính, hệ thống hóa kiến thức theo cách so sánh, sẽ dễ thuộc bài hơn. Đồng thời, ta sẽ không bị nhầm lẫn giữa chất này với chất kia, dễ ôn bài, dễ làm bài tập tổng hợp.

Ở phần lý thuyết của hóa hữu cơ, trong các chương, HS cần nắm những kiến thức cơ bản. Ví dụ như ở chương Este - Lipit, phải nắm được trọng tâm là phản ứng thủy phân: Este + H2O; Axit + Ancol; Este + NaOH; Muối + ancol, nhớ tên và công thức, mùi của một số este thông dụng trong SGK, như etyl axetat CH3COOC2H5, Isoamyl axetat CH3COOCH2CH2CH(CH3)2 mùi chuối chín, etyl butyrat CH3CH2CH2COOC2H5 mùi dứa, etyl isovalerat (CH3)2CHCH2COOC2H5 mùi táo, phenyl axetat CH3COOC6H5, vinyl axetat CH3COOCH=CH2, metyl benzoat C6H5COOCH3… Đồng thời, cũng cần ôn và biết phân biệt xà phòng và chất giặt rửa tổng hợp.

Ở chương amin - Amino axit, cần chú ý: Amin: Tính baz, vì có khả năng nhận H+ làm quì tím hóa xanh. Anilin C6H5NH2 +dd Br2 kết tủa trắng (nhận biết). Amino axit: H2N-R-COO: Tính lưỡng tính; tính axit: tác dụng với NaOH, tạo este với ancol; tính bazơ: tác dụng với axit; phản ứng trùng ngưng: tạo poliamit, ví dụ tạo ra tơ nilon-6... Ngoài ra, cũng cần thuộc công thức glyxin H2NCH2COOH; alanin CH3CH(NH2)COOH...; thuộc công thức một số loại poliamit như tơ nilon 6; tơ nilon 7; tơ nilon-6,6... Peptit-Protein: Protein + HNO3 kết tủa màu vàng chanh.

Chương đại cương về polime, cần nhớ một số công thức mà bài thi hay hỏi như PE (-CH2-CH2-)n; PVC (-CH2-CHCl-)n; Poli (vinyl axetat ) -CH2-CH(OCO-CH3)n; Teflon (-CF2-CF2-)n; Poli (butađien-stiren) -CH2-CH=CH-CH2-CH2-CH(C6H5)-n; poli(etylen-terephtalat, tơ nitron -CH2-CH(CN)-n...

Cần lưu ý rằng ở những bài toán 1 bước, cơ bản không khó nhưng phải thuộc lý thuyết mới làm được.

Nếu HS biết hệ thống hóa bài học bằng cách lập bảng tóm tắt, so sánh, các em sẽ dễ ôn bài, thuộc bài hơn, làm bài tập tổng hợp sẽ dễ hơn. Học bài xong, các em chịu khó làm bài tập ngay và phải làm nhiều mới nhớ bài được.

Hà Thị Kim Liên
(Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM)
Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG