Diễn đàn Tội ác đến từ đâu: Dưỡng thiện, diệt ác

Diễn đàn Tội ác đến từ đâu: Dưỡng thiện, diệt ác
TP - Từ số báo này, Tiền Phong ra mắt Diễn đàn Tội ác đến từ đâu? trên trang Thế giới trẻ. Diễn đàn nhằm thu hút ý kiến của bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ, qua đó góp thêm tiếng nói đấu tranh chống cái xấu, cái ác, vì cuộc sống bình yên!

> Thiếu hình tượng mẫu mực, giới trẻ dễ đánh mất mình
> Các thủ lĩnh Đoàn nói gì về vấn đề thần tượng?

Thời gian gần đây, dư luận bàng hoàng trước một số vụ cướp của, giết người man rợ mà kẻ thủ ác đang ở tuổi thanh thiếu niên. Bạn đang nghĩ gì và sẽ làm gì để cuộc sống của mình và những người xung quanh tốt đẹp lên mỗi ngày?

Đảm bảo cho cái THIỆN luôn thắng

Hãy cùng thể hiện quan điểm chống cái ác trên Diễn đàn để chung tay xây dựng xã hội nhân ái hơn (trong ảnh SV tình nguyện chuẩn bị lên đường về vùng sâu vùng xa giúp dân nghèo). Ảnh: Cẩm Kỳ
Hãy cùng thể hiện quan điểm chống cái ác trên Diễn đàn để chung tay xây dựng xã hội nhân ái hơn (trong ảnh SV tình nguyện chuẩn bị lên đường về vùng sâu vùng xa giúp dân nghèo). Ảnh: Cẩm Kỳ.
 

Trong nghiên cứu về thanh niên do TS Phạm Hồng Tung (Đại học Quốc gia Hà Nội) và cộng sự thực hiện, cảnh báo tình trạng lây lan của một số lối sống tiêu cực trong một bộ phận thanh niên, như: hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật, vô cảm, thực dụng, ích kỷ, a dua...

TS Tung cho rằng, trong mỗi con người đều có cái Thiện và Ác. Trong một xã hội tốt đẹp, cái Ác sẽ bị kìm chế, trấn áp; cái Thiện được khuyến khích, nuôi dưỡng, lan tỏa.

Nếu cái Ác không bị kìm chế và trấn áp, cái Thiện không được khuyến khích, nuôi dưỡng thì bất cứ khi nào, bất cứ ai, bất cứ ở đâu, cái Ác sẽ trỗi dậy khống chế, sai khiến chúng ta làm việc xấu, phạm tội.

Vì vậy, muốn khuyến Thiện phải trừng Ác, muốn trừng Ác thì phải khuyến Thiện trong giáo dục nhân cách con người, từng ngày, từng giờ, ở tất cả các môi trường.

Phải đảm bảo cho môi trường sống của chúng ta cái Thiện luôn thắng thế. Làm được thế thì ai cũng cần có trách nhiệm, chứ trách nhiệm không chỉ ở mỗi cơ quan chức năng. Chúng ta phải làm từ nguồn, chứ không phải đi giải quyết các vụ án, vì khi đó hậu quả đã xảy ra!

Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) khẳng định, tình hình tội phạm giết người trong những năm gần đây không tăng, nhưng độ tuổi phạm tội đang trẻ hóa.

Trước kia tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm cao nhất, nhưng giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi từ 18 đến dưới 30. Hành vi giết người được chuyển từ mâu thuẫn âm ỉ sang mâu thuẫn xảy ra tức thì.

Khi đối tượng đang bị ức chế tích tụ mà không được giải tỏa, nếu gặp tình huống xung đột, lập tức đối tượng sẵn sàng thể hiện ra bằng những hành động không kiểm soát được. Chỉ một va chạm nhỏ, do thiếu kiềm chế, không có kỹ năng giải quyết cũng có thể dẫn đến việc giết người.

Người trẻ nói

Hoàng Anh Tuấn và Phạm Minh Tuấn (đều 24 tuổi, quê Thanh Hóa) đang là công nhân tại công trường xây dựng Royal City trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Anh Tuấn nói: “Tôi thấy có nhiều tai nạn hay va chạm dẫn đến chết người không đáng có. Chứng kiến mà xót xa, mọi thứ đáng ra có thể tránh được. Có những người rất hiền nhưng chỉ vì chút yếu mềm mà tiếp tay cho tội ác, như đánh bạc, mại dâm, ma túy...”.

Minh Tuấn cho rằng: “Tôi nghĩ người trẻ hiện nay tiếp xúc quá dễ với phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, internet, trò chơi bạo lực… Họ còn bị tiêm nhiễm lối sống trên thế giới ảo và khi ra đời thật thì hành xử rất lạ, rất kỳ quái. Ngoài ra tình trạng thất nghiệp cũng khiến một số người đi cướp của, giết người...”.

Lê Văn Dũng (20 tuổi, quê Thanh Hóa) là công nhân Cty Delta nói, nguyên nhân gây án của giới trẻ phần lớn do mâu thuẫn tiền bạc, tình ái, có cả giải quyết ân oán giang hồ hoặc đôi khi lãng xẹt là chỉ một cái nhìn đểu.

Nguyễn Văn Tuấn (23 tuổi), sinh viên ĐH Thương Mại cho rằng: “Tôi nghĩ, việc đầu tiên và cũng quan trọng nhất là giáo dục tâm lý, nhân cách cho giới trẻ. Gia đình và xã hội cần có những sự quan tâm đặc biệt tới họ bởi tâm lý người ở tuổi vị thành niên rất bồng bột, dễ sa ngã...”.

Lê Đức Sơn (23 tuổi, làm nghề tự do tại Hà Nội): “Tội ác diễn ra ở mọi hoàn cảnh, từ những bạn trẻ sống xa bố mẹ từ nhỏ, không nhận được tình yêu thương, dưỡng dục, hay sống trong một gia đình kinh tế không ổn định, đến gia đình giàu có, con cái được nuông chiều thái quá, cha mẹ sống buông thả, ích kỷ… Tôi nghĩ nền tảng gia đình là rất quan trọng. Mỗi khi “tế bào của xã hội” bị hỏng, rất khó có những đứa con ngoan”.

Trung úy Ma Thanh Tùng, Bí thư Đoàn Công an huyện Chợ Mới, Bắc Kạn chia sẻ: “Tội ác xuất hiện từ sự suy thoái đạo đức, lối sống; thiếu sự định hướng, hoặc định hướng chưa đến đích từ gia đình, xã hội dẫn tới những hành vi lệch chuẩn đạo đức, văn hóa. Những năm gần đây tỷ lệ tội phạm ngày càng trẻ hóa vừa là biểu hiện vừa là hậu quả của sự định hướng chưa thực sự hiệu quả”.

Anh Tùng cho rằng, giải pháp ngăn ngừa người trẻ phạm tội đòi hỏi có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục là: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Trong đó gia đình là yếu tố quan trọng nhất.

Luật sư Nguyễn Minh Long:

Cần thức tỉnh một số phụ huynh

Diễn đàn “Tội ác đến từ đâu?” đặt đúng - trúng vấn đề xã hội quan tâm. Diễn đàn cần thức tỉnh một số phụ huynh thờ ơ trong nuôi dạy con. Diễn đàn cũng cần quan tâm vấn đề giáo dục pháp luật cho người trẻ. Một số người hiểu biết pháp luật rất kém, khi vướng vào lao lý mới thấy mình sai và mong được pháp luật khoan hồng để sớm làm lại cuộc đời.

Gia đình và nhà trường cần quan tâm nắm bắt diễn biến tâm lý người trẻ qua từng giai đoạn. Tôi nghĩ nên đưa kiến thức về pháp luật vào nhà trường phổ thông để các em hiểu, tránh vi phạm pháp luật một cách “hồn nhiên”. Phan Thảo

Phương Hiếu- Xuân Tùng- Cẩm Kỳ
- Phan Thảo - Nguyễn Mai

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.