Đội cồng chiêng lưu giữ báu vật làng

Đội cồng chiêng lưu giữ báu vật làng
TP - 20 thanh niên Ca Dong của thôn 5, xã Sông Trà (Hiệp Đức, Quảng Nam) tập hợp lại, học và truyền nhau những nhịp cồng chiêng, điệu múa truyền thống để biểu diễn trong các lễ hội của làng và gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc.

> 'Hàng độc' ở trường Sơn
> Tranh Đông Hồ còn lại chút này

20 thành viên ở độ tuổi 20 – 30, riêng bà Hồ Thị Hà (54 tuổi) là ngoại lệ. Đó là bậc tiền bối, người truyền dạy trực tiếp cho thanh niên trong làng. Theo bà Hà, đội cồng chiêng được hình thành theo kiểu “truyền-nối” nhiều đời: “Ngay từ khi tôi còn nhỏ đã được ông nội truyền dạy và tham gia vào đội. Cứ thế đời này nối đời khác truyền lại cho nhau để giữ gìn văn hóa dân tộc khỏi mai một về sau”.

Say nhịp chiêng, mê điệu múa

Trong những lễ hội làng, không thể vắng mặt các nam thanh nữ tú của đội cồng chiêng. Nhịp chiêng vang lên mạnh mẽ thể hiện sức mạnh giữa đại ngàn, những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của các thiếu nữ Ca Dong khiến người xem nghiêng ngả say như men rượu cần giữa ánh lửa bập bùng.

 “Xã có 4/6 thôn là người dân tộc Ca Dong nên việc góp mặt của Đội cồng chiêng có ý nghĩa văn hóa tinh thần lớn lao. Được tự tay cầm chiêng đánh thể hiện sự trưởng thành, sức mạnh và nét đẹp văn hóa tinh thần nên cứ đời này truyền đời kia lưu giữ như một báu vật”. Anh Lê Dân, Phó Bí thư Đoàn xã Sông Trà, Hiệp Đức (Quảng Nam)  

20 thành viên của đội gồm 2 người đánh trống, 3 người đánh chiêng, còn lại 15 nữ múa. Đây là đội cồng chiêng duy nhất của xã duy trì tập luyện và biểu diễn mỗi dịp lễ tết. Hồ Thị Thanh, 20 tuổi, một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của đội chia sẻ: “Từ bé tôi đã rất thích các điệu múa truyền thống nên thường đi xem các cô, chị biểu diễn rồi về múa theo. Nhưng vốn nhát tính nên Thanh không dám tham gia vào đội, chỉ đến khi được cô Hà mời tham gia, Thanh nhận lời ngay. “Tôi thấy tự hào vì được tham gia vào đội múa và giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Lúc nào tôi cũng cố gắng học hỏi, múa thật đẹp để phục vụ bà con xóm bản”, Thanh nói.

Cả ngày quần quật với nương rẫy, nhưng chưa buổi tập nào Hồ Thị Nhất chịu nghỉ ở nhà. Chỉ mất 3 – 4 buổi tập để học thuộc các điệu múa, nhưng để truyền tải hết cái thần thái và múa sao cho đẹp thì cả Nhất và các thành viên trong đội luôn phải cố gắng.

Lần đầu tiên được cầm tay chiêng gõ, Hồ Văn Duyên rất hồi hộp pha lẫn lo lắng. Tiếng chiêng là tiếng nói dân tộc, vang lên giữa đại ngàn nếu có đánh sai, đánh lỗi nhịp thì có tội rất lớn. Lúc nào Duyên cũng nhắc mình phải học đánh thật nghiêm túc.

Bà Hồ Thị Hà, Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn 5 cho biết: “Múa hát hay chiêng trống không phụ thuộc nhiều vào tuổi tác hay học vấn. Có người không biết chữ nhưng vẫn thuộc rất nhiều lời và hát rất hay bởi vì họ mê nó.

Những gia đình nghệ sĩ

Gia đình bà Hồ Thị Hà và ông Hồ Văn Minh trở thành điểm sáng trong giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống. Với vai trò đội trưởng Đội cồng chiêng, cả hai vợ chồng nhiệt tình kêu gọi và dẫn dạy các em đánh chiêng trống và múa hát theo nhịp. “Máu nghệ sỹ” lại ăn sâu vào thế hệ sau, 4 người con và hầu hết các cháu con trong nhà bà Hà đều tham gia vào đội.

Hồ Thị Hưng (21 tuổi) dù đã lập gia đình nhưng vẫn mê hoặc những điệu múa dân gian nên vẫn nhiệt tình tham gia. Hưng tâm sự: “Từ khi 15 – 16 tuổi, mẹ đã đưa em vào đội văn nghệ. Giờ cả nhà 4 anh chị em đều tham gia trong đội cồng chiêng. Người múa hát, người đánh chiêng thành ra mọi người vẫn gọi là gia đình tài tử”.

Anh trai Hưng là Hồ Văn Ziên theo cha tìm cảm hứng theo từng nhịp chiêng điệu trống. Ziên nói đánh chiêng khó, nhưng cốt là phải biết cảm nhận được hết cái thần thái, biểu cảm của từng nhịp chiêng, vì đó là vẻ đẹp tâm hồn người Ca Dong. Nhiều năm ôm chiêng đi diễn, ông Hồ Văn Minh (bố Hưng) trở thành bậc tiền bối cho lớp trẻ muốn học đánh chiêng trống. Cách đánh chiêng của người Ca Dong nghiêng hẳn về những tiết tấu mạnh mẽ, thể hiện sự hùng vĩ của núi rừng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG