Đời thủy thủ tàu viễn dương

Đời thủy thủ tàu viễn dương
Từng là nghề được nhiều bạn trẻ mơ ước vì được nhận lương 'khủng', lại được khám phá những miền đất mới, nhưng giờ đây các thủy tàu viễn dương (thuyền viên) lại đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro cao.

> “Ông chủ” tuổi 24 khởi nghiệp từ 1 triệu đồng

> Vua tôm khu đầm trống

Công ước Hàng hải có hiệu lực sẽ thúc đẩy điều kiện sống và làm việc cho thuyền viên - Ảnh: T.Hằng
Công ước Hàng hải có hiệu lực sẽ thúc đẩy điều kiện sống và làm việc cho thuyền viên - Ảnh: T.Hằng .

Giảm đãi ngộ

Ra trường năm 2012, Lương Văn Sơn (21 tuổi) quê Quỳnh Phụ, Thái Bình trúng tuyển vào làm việc trên tàu Pacific Express (hãng tàu Gemadept Việt Nam). Một năm chỉ ghé về thăm nhà 2 lần, dù nhớ nhà song với nhiệt huyết tuổi trẻ, Sơn háo hức đón chờ những chuyến đi mới. “Tính mình thích đi đây đi đó nên chọn nghề biển. Nhà theo nghề nông, từ lớn chỉ loanh quanh trong tỉnh. Giờ thì thỏa ước nguyện, mình được đi khắp nơi, từ nam ra bắc, lại còn được sang tận Hồng Kông”, Sơn bày tỏ.

Giống như Sơn, cách đây hơn 10 năm thuyền trưởng tàu Pacific Express Trần Minh (quê Hải Phòng) khởi đầu từ vị trí thủy thủ. “Ngày ấy, ngồi trên bờ thấy sóng yên, bể lặng không thể tưởng tượng lên tàu sóng đánh nghiêng ngả. Say sóng, cứ ăn vào lại nôn thốc nôn tháo, lúc đó mình chỉ ước ao tàu quay về bờ. Vậy mà, thấm thoắt thời gian như thoi đưa. Không còn cảm giác háo hức như ngày nào, giờ tàu đã là nhà, biển là quê hương. Lênh đênh giữa đại dương hằng năm trời, mình đã quen với sóng to, gió lớn, rủi ro, nguy hiểm rình rập”, anh Minh bộc bạch.

Với mức lương hiện tại 36 triệu đồng/tháng, anh Minh có thể yên tâm lo cho cuộc sống cả gia đình, nhưng vẫn không thể giữ chân anh ở lại lâu với biển. Anh Minh cho biết, chỉ làm vài năm nữa và sẽ tìm công việc ổn định, cho dù mức lương thấp hơn, để được gần vợ gần con, gia đình.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, từ cuối năm 2008, ngành vận tải biển thế giới nói chung và ngành vận tải biển Việt Nam nói riêng phải đối mặt với những khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra. 2 năm tới, dự báo danh sách các chủ tàu Việt Nam phá sản chắc chắn sẽ còn kéo dài. Hầu hết các chủ tàu phải bán bớt tàu, cắt giảm chi phí, giảm định biên trên tàu, cắt giảm lương và các chế độ chính sách đối với thuyền viên.

Thậm chí có nhiều chủ tàu mất khả năng tài chính. Cuối tháng 7 vừa qua, từ Pakistan, máy trưởng Nguyễn Xuân Lạc, tàu New Horizon (Vinashinlines) điện thoại về cầu cứu Thanh Niên. Anh Lạc kể: “Tháng 7.2012, tàu New Horizon xuất phát từ Quảng Ninh khi đến Karachi (Pakistan) hồi tháng 11.2012 thì bị bắt giữ. Nguyên nhân là Vinashinlines chưa trả nợ cho các đối tác cũng như tranh chấp liên quan đến hàng hóa. 20 thuyền viên đang bị mắc kẹt, sống trong tình cảnh vô cùng khó khăn, bức bối. Nhiên liệu trên tàu đã hết, anh em trên tàu phải chẻ củi để nấu cơm. Chỉ mong sao công ty ứng chi trả trước vài tháng lương để gia đình bớt khó khăn”.

Thúc đẩy điều kiện sống và làm việc cho thuyền viên

Thuyền viên được ví như “linh hồn của những con tàu”. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ thấp, cuộc sống khó khăn, khiến tâm lý của nhiều người dao động không muốn gắn bó lâu dài với nghề đi biển. Qua những nghiên cứu, khảo sát của Cục Hàng hải gần đây cho thấy có sự mất cân đối trầm trong giữa cung và cầu đối với các chức danh sĩ quan hàng hải, đặc biệt đối với các chức danh thuyền trưởng, máy trưởng, đại phó, máy nhất…

Ngày 20.8, Công ước lao động (LĐ) Hàng hải của Tổ chức LĐ quốc tế (ILO) chính thức có hiệu lực. Đây được xem là “đạo luật nhân quyền” mới, mở ra một kỷ nguyên, đảm bảo việc làm bền vững cho thuyền viên, trong đó quy định cụ thể về tiền lương, chế độ ăn ở, nghỉ ngơi cho thuyền viên làm việc trên tàu… Việt Nam là một trong 37 nước phê chuẩn công ước này.

Tổng giám đốc ILO, ông Guy Ryder, cho biết: “Đây là sản phẩm của cơ chế đối thoại ba bên và hợp tác quốc tế, thúc đẩy việc tạo điều kiện sống và làm việc đảm bảo, bền vững cho thuyền viên, trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ tàu trong một ngành mang tính toàn cầu hóa cao”.

Cùng với việc gia nhập Công ước LĐ hàng hải, theo ông Đỗ Đức Tiến, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, thuyền viên là đối tượng LĐ có tính đặc thù cao, thường xuyên phải làm việc trên biển, có mức nặng nhọc và rủi ro cao (cướp biển, sóng gió, độ ồn…), ngoài việc áp dụng những yêu cầu chung về LĐ trong bộ luật LĐ, LĐ hàng hải cần phải có những tiêu chuẩn riêng phù hợp với ngành nghề chuyên môn. Bên cạnh đó, bộ luật LĐ, luật BHYT, luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định thuyền viên giống như các đối tượng LĐ khác là chưa hợp lý, nên cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo Thu Hằng
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG