Du học Mỹ, nhưng về Việt Nam nhiều cơ hội hơn

Du học Mỹ, nhưng về Việt Nam nhiều cơ hội hơn
Đồng sáng lập Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE), Nguyễn Thái Đông Hương, du học sinh tại ĐH Stanford (Mỹ), nói về vấn đề du học sinh hòa nhập môi trường việc làm trong nước sau du học.

> Con du học, mời thầy phụ đạo ...sinh lý

> Top 10 trường Đại học hàng đầu thế giới về Y khoa

Nguyễn Thái Đông Hương
Nguyễn Thái Đông Hương.

PV: Hầu như du học sinh (DHS) nào khi đi học cũng có ước mơ trở về phục vụ đất nước. Nhưng thực tế, nhiều bạn than phiền khó hòa nhập được với môi trường làm việc trong nước. Là thành viên tích cực của Hội Sinh viên khởi nghiệp, Hội Kinh doanh ĐH Stanford; Mạng lưới lãnh đạo Đông Nam Á; tổ chức VietAbroader... Đông Hương nhìn nhận về thực trạng này thế nào?

Nguyễn Thái Đông Hương: Thực tế, tôi thấy đâu thiếu gì bạn DHS cảm thấy không hòa nhập được với môi trường làm việc ở Mỹ, Anh, do áp lực căng thẳng, cô đơn, kỳ thị… Môi trường làm việc ở Việt Nam và nước ngoài có những đặc điểm riêng, chưa chắc cái nào hơn cái nào.

Theo tôi, ở Việt Nam cách tổ chức công việc chưa chuyên nghiệp bằng ở nước ngoài, công việc dựa vào quan hệ cá nhân nhiều hơn nhưng vì thế có nhiều cơ hội cho những bạn muốn khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp riêng lớn mạnh.

Nhiều bạn DHS có thể thích Việt Nam hơn vì không phải làm việc căng thẳng, 12-15 giờ/ngày như ở công ty nước ngoài. Thế nên, tôi nghĩ quan trọng là mình hiểu được thực tế ở mỗi môi trường có gì, thế mạnh của mình là gì, mình thích gì để chọn lựa phù hợp.

Vậy làm thế nào để DHS có thể hòa nhập môi trường làm việc trong nước một cách thuận lợi?

Theo tôi, cách tốt nhất để hòa hợp với bất kỳ môi trường nào là đừng kỳ vọng nhiều và áp đặt hình ảnh trong kỳ vọng của mình vào môi trường đó; đừng có tham vọng thay đổi môi trường khi chưa hiểu rõ môi trường.

Bản thân DHS là những người tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Tuyệt đối không nên đánh giá nền văn hóa nào là tối ưu hơn hay những cách suy nghĩ nào mới là “đúng đắn”. Để thực sự hòa nhập môi trường mới, việc giữ đầu óc “mở”, tôn trọng cách nhìn nhận vấn đề của mọi người xung quanh là rất cần thiết.

Các bạn trẻ tham gia hội trại huấn luyện khởi nghiệp của VYE năm 2013 để có thêm kỹ năng hòa nhập môi trường làm việc. (ảnh: VYE)
Các bạn trẻ tham gia hội trại huấn luyện khởi nghiệp của VYE năm 2013 để có thêm kỹ năng hòa nhập môi trường làm việc. (ảnh: VYE).

Nhiều người cho rằng không nhất thiết phải về nước mới là phục vụ đất nước, quan điểm của bạn thế nào?

Tôi nghĩ mình sẽ đóng góp tốt nhất nếu tìm được vị trí và cơ hội phù hợp với khả năng, sở thích của mình. Nhiều anh, chị làm việc ở nước ngoài học hỏi kinh nghiệm rồi về Việt Nam sẽ mang những kỹ năng quý giá hơn để áp dụng. Hoặc nếu họ không về nhưng vẫn tích cực tham gia nhiều dự án từ thiện, kinh doanh ở Việt Nam.

Tất nhiên, tôi vẫn tin ở trong nước sẽ có nhiều cơ hội tối ưu hơn để đóng góp. Nhưng nếu bảo các bạn DHS về Việt Nam để phải vào vị trí không phù hợp, từ đó chán nản và không có cơ hội tạo ra giá trị cho đất nước thì tôi nghĩ ở lại nước ngoài và đóng góp từ xa có khi sẽ mang lại nhiều giá trị hơn.

Hiện nay, nhiều DHS về nước phải trầy trật tìm việc hoặc chấp nhận công việc có mức lương thấp. Theo bạn lý do tại sao?

Tôi nghĩ hiện tượng đó là kết quả của tình hình kinh tế cả thế giới đang xấu nên một lần nữa, vượt qua như thế nào là quyết định và cố gắng của cá nhân. Môi trường không có nhiều lựa chọn thì phải cố gắng nhiều hơn.

So đồng tiền bỏ ra du học với khả năng thu lại được nếu ở Việt Nam thì có vẻ việc du học là đầu tư rất khó lấy lại vốn?

Tôi nghĩ giáo dục là việc cả đời. Bốn năm đại học không những cho mình kiến thức hay tấm bằng mà còn để lại ảnh hưởng rất lớn tới tính cách, con người của mình. Rất khó để tính toán chính xác giá trị của giáo dục theo giá trị đồng tiền.

Tôi cho rằng nếu có cơ hội, mình nên đầu tư để có được nền giáo dục tốt nhất có thể. Ngoài ra, nếu cố gắng và năng động, có rất nhiều cơ hội xin học bổng du học để giảm chi phí du học đáng kể.

Theo Phan Ngô
Người lao động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG