Giảng viên: Trẻ khó leo, già lơ lửng

Giảng viên: Trẻ khó leo, già lơ lửng
Với số lượng giảng viên đông đảo như vậy, có lẽ việc một người nghỉ dạy cũng không quá ảnh hưởng đến hoạt động của mỗi bộ môn. Tuy nhiên, sự kiện “Trọng Tấn nghỉ dạy” có lẽ gây ảnh hưởng ở góc độ “người tài ra đi”.

> ‘Có ai được như thầy Trọng Tấn?’

Ca sĩ Trọng Tấn quyết định dừng công việc giảng dạy ở Nhạc viện
Ca sĩ Trọng Tấn quyết định dừng công việc giảng dạy ở Nhạc viện.

Việc kén người trẻ?

Để làm giảng viên khoa thanh nhạc, tiêu chuẩn đòi hỏi rất cao. Tất cả các thầy cô trong khoa đều là những nghệ sĩ đã đoạt giải tại các cuộc thi thính phòng trong nước và quốc tế. Ngoài ra còn là những yêu cầu về trình độ, đạo đức…

“Khoa luôn có nhu cầu về giảng viên nhưng không phải lúc nào cũng tìm được. Có những em đoạt giải trong các cuộc thi thính phòng trong nước – như Sao Mai – còn chưa đủ điều kiện để được giữ lại làm viên trong trường. Có những em giỏi hợp đồng 1, 2 năm là đã được thi công chức. Nhưng có những em hợp đồng đã khá lâu mà chưa vào biên chế. Điều đó là căn cứ vào số lượng sinh viên các em giảng dạy cũng như hiệu quả công việc. Làm giảng viên thanh nhạc khó vì chuyên môn “phơi bày” hết ra rồi, không tốt thì có muốn cũng không thể nói là tốt được” – ông Quốc Hưng, phó khoa Thanh nhạc cho biết.

Ở khoa Dây, như lãnh đạo khoa chia sẻ, có sự thiếu hụt thế hệ khá rõ ràng. Nguyên nhân là lớp trẻ sau này ít có điều kiện đi học nước ngoài như các bậc cha, chú. “có sự khác biệt với những người được sang Nga đào tạo dài hạn từ năm 13, 14 tuổi với những người chỉ đi tu nghiệp một vài năm. Đào tạo 5 năm rõ ràng là khác với 10 năm, 15 năm”.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy, trưởng khoa Dây cho rằng: “Ở châu Âu các giáo sư dạy đến 90 tuổi là bình thường, hôm nay vẫn đi dạy, hôm sau có thể đã mất. Tuy nhiên, cơ chế ở đó là các giảng viên hầu hết là ký hợp đồng. Một giảng viên có thể dạy ở nhiều trường cũng là bình thường.

Ở nước ngoài đang làm có thể nghỉ vài năm theo nhu cầu cá nhân, rồi sau đó lại quay lại giảng dạy. Một ông hiệu trưởng có thể lên bộ làm vài năm rồi trở về hoặc chuyển sang làm giảng viên trường khác, đó là những chuyện hết sức bình thường. Nhưng ở Việt Nam nặng nề về chuyện biên chế”.

Ông Duy cũng nhận xét rằng các ngành nghệ thuật có đặc thù riêng, nhưng vẫn phải theo những quy định chung của các ngành nghề khác. Ví dụ như chuyện 60 tuổi phải về hưu. “Nghệ thuật 60 tuổi về hưu là quá sớm. Có thể tiếp tục cộng tác nhưng giữa hưu và biên chế là khác nhau”.

Trong khi đó nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam khó được công nhận. Ở ngước ngoài hơn 20 tuổi đã được nghệ sĩ nhân dân. Còn ở Việt Nam, các nghệ sĩ muốn được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư vẫn phải theo những quy định chung như bao nhiêu bài báo khoa học, bao nhiêu năm cống hiến, bậc lương bao nhiêu… chứ không lấy tiêu chí bao nhiêu học sinh được giải quốc gia, quốc tế…

Cởi mở hơn sẽ tốt

Ông Phạm Quốc Chung, trưởng khoa Kèn - Gõ cũng nhận xét: Ở châu Âu, các nghệ sĩ giảng dạy lâu hơn cũng như biểu diễn lâu hơn.Tuy nhiên, môi trường bên đó có nhiều cơ hội hơn cho mọi người làm nghề. Còn ở đây, cụ thể là ở Hà Nội, chỉ có 3 dàn nhạc. Nên với các thầy lớn tuổi dù còn sung sức nhưng có sự “nhường chỗ” cho lớp trẻ.

“Hiện nay tôi biểu diễn ít hơn, vì các giảng viên trẻ, cũng từng là học trò của tôi, được đào tạo rất tốt. Vì vậy không có lý gì không đưa lại cơ hội cho các bạn tham gia biểu diễn. Chỉ những khi thật sự cần thiết tôi mới vào làm cùng. Đó cũng là một động lực để các bạn theo nghề”.

“Việc dạy gần như là đam mê, không chỉ mang ý nghĩa dạy dỗ mà còn là sự cống hiến. Ai đã bước chân vào trường nhạc cũng có mơ ước làm giảng viên. Vấn đề là ở đây càng dạy kỹ thuật hát càng tốt hơn, càng tìm hiểu kỹ về bài hát hơn, dạy tốt hơn. Có thể thấy rõ là đời nghệ sĩ của giảng viên thanh nhạc dài hơn các nghệ sĩ khác.

Với các thầy lớn tuổi vẫn ngày ngày đến trường dạy, với tư cách cộng tác viên, thì do đó đã là nghề của các thầy, là cuộc sống, là việc thiêng liêng nhất với các thầy” – ông Quốc Hưng nhấn mạnh.

Còn ông Bùi Công Duy cũng cho rằng “Nếu làm nghề mà không say đắm với nghề thì không nên làm. Muốn huấn luyện học sinh đi thi có thành tích thì không chỉ trò say mê mà thầy còn phải say mê hơn trò. Tuyển giáo viên khó phát hiện được sự say mê thật sự với nghề. Ngành nghề nào muốn phát triển nên bỏ biên chế. Giám đốc sẽ trực tiếp ký hợp đồng 3 năm, 5 năm, hoặc chỉ 1 – 2 năm tùy theo nhu cầu và khả năng làm việc.

“Nếu mình nhìn nhận một cách cởi mở thì sẽ tốt cho ngành nghề, cho đất nước. Và nói cho cùng, những người dám ra đi, dám quyết định là những con người đủ mạnh mẽ, tự tin để làm chủ cuộc đời mình” – ông Duy khẳng định.

Theo Chi Mai
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG