Giáo dục giới tính: Thầy trò tự bơi

Giáo dục giới tính: Thầy trò tự bơi
40% học sinh không có kiến thức về thời điểm dễ thụ thai của người phụ nữ, 30% học sinh không biết bệnh lậu, giang mai… là những bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Giáo dục giới tính: Thầy trò tự bơi

40% học sinh không có kiến thức về thời điểm dễ thụ thai của người phụ nữ, 30% học sinh không biết bệnh lậu, giang mai… là những bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Tuy không phải là khảo sát quy mô lớn, nhưng những “con số biết nói” do Trung tâm nghiên cứu Giới Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) vừa công bố dựa trên ý kiến của 429 học sinh ở 3 trường THCS và THPT tại Hà Nội (tiến hành năm 2012), đã phác họa phần nào thực trạng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong các trường phổ thông hiện nay.

Nội dung học xa vời, cái cần không có

Cũng theo khảo sát này, mặc dù 74,3% HS cho rằng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là cần thiết nhưng, gần 1/2 các em lại không hứng thú với chương trình này tại nhà trường.

Trong hoàn cảnh chương trình giáo dục giới tính còn yếu thì nỗ lực của các trường để bù đắp kiến thức cho HS chính là những điểm sáng
Trong hoàn cảnh chương trình giáo dục giới tính còn yếu thì nỗ lực của các trường để bù đắp kiến thức cho HS chính là những điểm sáng.
 

Theo cô giáo Nguyễn Thị Phương, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, giáo dục giới tính bắt đầu được Bộ GD-ĐT đưa vào giảng dạy cho HS từ lớp 5. Cụ thể, trong sách Khoa học lớp 5, các em đã được học về “Sinh sản", Phân biệt giới tính "nam hay nữ", "Cơ thể chúng ta hình thành như thế nào?". Tuy nhiên, đúng là cách tiếp cận vấn đề giới tính hiện chưa hấp dẫn và vẫn mang nặng kiến thức khoa học nhiều hơn là tâm lý. Vì thế, HS càng học thì… càng tò mò. Chẳng hạn sau khi cô giáo dạy “Quá trình tinh trùng kết hợp với trứng được gọi là sự thụ tinh.

Trứng đã được thụ tinh gọi là hợp tử", đa phần các em thắc mắc tiếp… “làm thế nào để tinh trùng gặp được trứng?”. Theo cô Phương, HS tiểu học cần kiến thức khoa học nhưng chỉ vừa phải. Quan trọng hơn là phải giúp các em sẵn sàng với biến đổi cơ thể, biết tôn trọng bạn khác giới, đặc biệt là có kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục. Tiếc rằng, những điều này sách không nhắc tới. “Chương trình chỉ dạy các em về tinh trùng, trứng, quá trình thụ thai… và sau đó kệ cho các em bơi trong đống kiến thức đó”.

Một cô giáo tiểu học khác tâm sự: “Hình như những người soạn nội dung giáo dục giới tính mang tư duy của cán bộ dân số chứ không phải trên nhu cầu, tâm lý lứa tuổi của HS”. Chẳng hạn sách còn yêu cầu HS lớp 5 phân biệt đâu là bào thai 5 tuần, 8 tuần, 3 tháng, 9 tháng tuổi. Bài "Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe?" đặt câu hỏi: Phụ nữ có thai nên và không nên làm gì? kèm đáp án phải ăn uống đủ chất, phải đi khám thai định kỳ… “Nói chung, một số nội dung học rất xa vời trong khi cái cần thì lại thiếu”.

Điều mà nhiều giáo viên cùng chung nhận định là chương trình giáo dục giới tính của chúng ta hiện nay chưa đậm đặc. Nếu như ở cấp tiểu học HS học về giới tính ở lớp 5 thì lên cấp THCS, phải… đợi tới lớp 8, giáo dục giới tính mới trở lại, chủ yếu nằm ở môn sinh học… như cơ quan sinh dục nam/nữ, thụ tinh/thụ thai và phát triển thụ thai, cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai. Tới cấp THPT, HS đều đã bước vào tuổi trưởng thành thì giáo dục giới tính lại chỉ được dạy theo kiểu “lồng ghép” qua các môn giáo dục công dân, văn học, địa lý, sinh học.

Theo cô giáo Nguyễn Phương Liên, Phó Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Từ Liêm, đã là “lồng ghép” thì chỉ là “nói gần nói xa” và không phải bài nào cũng lồng được vì sẽ rất “phô”.

Trường “tự bơi” để cứu trò

Buổi sinh hoạt ngoại khóa tháng 10 hôm nay của HS trường Nguyễn Thị Minh Khai có nội dung về giáo dục sức khỏe sinh sản. Các HS được tham gia vào trò chơi “Rung chuông Vàng” với các câu hỏi xoay quanh về giới tính, các biện pháp tránh thai, dấu hiệu dậy thì… Thậm chí có cả những câu hỏi được cho là “đỏ mặt” mà HS cũng trả lời băng băng như quy trình sử dụng bao cao su đúng cách. Cô giáo Phương Liên cho biết, HS rất có nhu cầu tìm hiểu về giới tính, sức khỏe sinh sản và nhìn nhận vấn đề này một cách cởi mở, không ngại ngần. Vấn đề là người lớn có sẵn sàng trang bị kiến thức cho các em không. Đó là lý do vì sao, tại trường Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều năm qua, giáo dục giới tính bằng “sân khấu hóa trường học” đã trở thành hoạt động thường niên, đem lại hiệu quả rất tích cực.

Học giới tính qua tranh, ảnh và thảo luận trực tiếp với thầy cô giáo trong chiến dịch “Cùng chia sẻ”
Học giới tính qua tranh, ảnh và thảo luận trực tiếp với thầy cô giáo trong chiến dịch “Cùng chia sẻ”.
 

Tương tự như vậy, tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, đầu mỗi năm học, các HS lớp 5 sẽ có 2 tuần được nghe các chuyên gia tâm lý giải đáp nhiều vấn đề về tuổi dậy thì, sức khỏe sinh sản. Trường còn lập riêng hòm thư “Điều em muốn nói” chuyên để tiếp nhận các thắc mắc thầm kín của HS. Còn tại trường THCS Ngô Sỹ Liên-một trong số ít trường có riêng một phòng tư vấn tâm lý học đường - hiện các chuyên gia tư vấn tâm lý cũng đang triển khai giáo dục giới tính cho HS lớp 8 với thời lượng 1 tuần/1 buổi trong suốt năm học.

Mới đây nhất, CGFED đã tổng kết chiến dịch Giáo dục giới tính, tình dục cho gần 16.000 học sinh ở 72 trường THCS và THPT ở tỉnh Phú Yên. Chiến dịch có tên gọi “Cùng chia sẻ”, lấy cảm hứng từ mô hình “Chiến dịch Tuần thứ Sáu” của Đan Mạch. Thay cho lối dạy truyền thống, HS được học giới tính qua tranh, ảnh và thảo luận trực tiếp với thầy cô giáo… Chương trình thực hiện tại từng lớp trong thời gian 1 buổi. Theo đó, Học sinh THCS được học về thay đổi thể chất, thay đổi tâm lý tuổi dậy thì, hướng dẫn cách vệ sinh cơ thể, chế độ dinh dưỡng và phòng chống xâm hại tình dục. Học sinh THPT được học sâu hơn về chế độ mang thai và các biện pháp tránh thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục, các phương pháp tình dục an toàn…

Trong hoàn cảnh chương trình giáo dục giới tính còn yếu thì nỗ lực của các trường để bù đắp kiến thức cho HS chính là những điểm sáng. Tuy nhiên, một giáo viên cho biết, “tự bơi” không dễ. Ngoài mấy bài học vẻn vẹn trong SGK, hiện chưa có tài liệu hướng dẫn giáo dục giới tính mang tính “chính thống” nào được gửi tới tay các giáo viên. Tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều giáo viên phải gõ cửa cả hội phụ nữ, phòng y tế huyện để xin tài liệu.

Điều bà Liên lo lắng là dạy kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản của HS cũng cần như học chữ, nay lại đang trông chờ theo kiểu “hay nhờ, rủi chịu” của từng trường.

Theo Hoàng Lan - Hồng Nhung
Phụ nữ thủ đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG