Giới trẻ mạo hiểm với trò nhảy cổ động

Giới trẻ mạo hiểm với trò nhảy cổ động
Bước lên tay của người làm trụ, Vũ nhún người định lên tháp. Chưa kịp làm các động tác uốn dẻo trên không, chàng sinh viên ngã nhào xuống đất gãy tay.
Để làm được động tác bọ cạp này, Vũ (trái) mất nhiều thời gian tập luyện cơ ở nhà. Ảnh: NVCC
Để làm được động tác bọ cạp này, Vũ (trái) mất nhiều thời gian tập luyện cơ ở nhà. Ảnh: NVCC.

Sau tai nạn xảy ra năm ngoái trong một lần tập cheerleading (nhảy cổ động), Trịnh Đình Vũ, sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, thận trọng hơn mỗi lần làm động tác. Gần một tháng sau chấn thương này, chàng trai quê Thái Nguyên đi tập lại. Đến giờ, cánh tay gãy vẫn khiến Vũ khốn khổ mỗi lần trái gió trở trời. Đam mê bộ môn cheerleading, Vũ tự hào vì trong các đội ở Hà Nội chỉ mình cậu là top nam.

16h hàng ngày, trên những miếng thảm ghép vào nhau, đội Rumbo Cheerleading của Vũ lại hẹn nhau tập luyện. Nhóm có 25 thành viên, chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai. Giữa sân trường, nhóm làm trụ bên dưới nhún người để một top nữ bước lên tay họ rồi bật lên không trung, xoay vòng trước khi rơi xuống.

Cả đội đang chăm chú theo cú xoay thì bất ngờ cô gái bị văng người ra xa khiến nhóm làm trụ vội vàng chạy theo để đón lấy. Cú rơi khá gấp khiến người đỡ bị cơ thể cô va đập mạnh, phải ngồi nghỉ một lúc. Cheerleader nữ tạm nghỉ, Vũ bắt đầu lên tháp thực hiện tư thế bọ cạp (scorpion) và tư thế giương cung (bow and arrow) - hai kỹ thuật khó của bộ môn cổ động.

Hiện tại, Vũ được xem là 'đặc sản' của cả đội khi làm nhiệm vụ của một top nam. Ảnh: Bình Minh
Hiện tại, Vũ được xem là 'đặc sản' của cả đội khi làm nhiệm vụ của một top nam. Ảnh: Bình Minh.

Động tác dứt khoát, Vũ lên tháp bằng một chân, chân còn lại duỗi thẳng rồi gập ra phía sau kết hợp với thân hình uốn cong. Khuôn mặt hớn hở, Vũ giữ nguyên tư thế đó trên tháp một lúc trước sự ngưỡng mộ của các thành viên trong đội.

Hiện tại, Vũ được xem là "đặc sản" của đội vì đảm nhiệm vị trí top nam đẹp như các bạn nữ. Thông thường, top (người lên tháp) sẽ là nữ vì các bạn gái có độ dẻo hơn nam. Do nam nặng cân hơn, thân hình lại không gọn gàng, khó uốn dẻo nên hiếm có top nam trong các đội cheerleading.

Bùi Huyền Trang (sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông) cũng được đánh giá là một top "cứng". Khuôn mặt tươi tắn, nụ cười xinh, Trang Li (biệt danh của Huyền Trang) tập cheer đã gần hai năm. Có lợi thế về độ dẻo, Trang thường được giao thực hiện những động tác uốn dẻo và bật xoạc khó trên cao.

Theo Trang, phần lớn các bạn lúc thi tuyển vào đội đều chưa biết về nhảy cổ động. Bản thân Trang và Vũ khi mới tham gia chỉ muốn rèn luyện sức khỏe nhưng càng tập, cả hai càng đam mê. Để vào đội, các ứng viên phải vượt qua các phần thi chống đẩy, nhảy dây và uốn dẻo. Lúc mới tập, cả cheerleader nam và nữ đều phải ép cơ. Nữ thường bị đau nhiều hơn vì phải tập dẻo lâu.

"Nếu không yêu thích và chăm chỉ sẽ khó tập được môn này. Những ngày đầu tập đau nhức đến cả tuần mới hết, em cũng định bỏ nhưng mãi thấy quen rồi ngấm dần một cách tự nhiên. Từ khi tập tới giờ, em may mắn chưa gặp chấn thương nặng nào", Trang nói.

Cú bay người trên cao của Trang khiến những người bên dưới thót tim. Ảnh: Bình Minh
Cú bay người trên cao của Trang khiến những người bên dưới thót tim. Ảnh: Bình Minh.

Cùng chung tâm lý muốn bỏ cuộc lúc đầu, Vũ cho rằng những người đã trụ lại được thì thực sự đam mê. Nhiều người được tuyển vào nhưng chỉ sau vài hôm tập không chịu được chấn thương đã bỏ cuộc. Có được kỹ thuật vững như hiện tại, Vũ khoe bản thân từng chịu nhiều đau đớn và phải tự tập dẻo thường xuyên ở nhà. Lúc mới vào đội, được phân công làm đế, cậu phải tập chống đẩy và đeo vật nặng vào tay để quen cảm giác. Sau đó, do thân hình thấp bé, sức khỏe không đủ để nâng, giữ nên cậu được chuyển sang làm top.

"Quan trọng nhất với top là dẻo vì thế ở nhà em thường nằm sấp ưỡn ngực, vòng tay cầm chân hoặc ép chân thẳng lên sao cho tay cầm được vào chân. Phải ép hết cơ mới làm được động tác nên mỗi lần tập, em đau không chịu được", Vũ chia sẻ.

Cheerleader này cho biết thêm, làm top khó hơn base vì độ nguy hiểm cao hơn. Nếu không cẩn thận, top sẽ bị ngã đập đầu, lưng xuống đất hoặc gãy tay, chân. Ngược lại, chấn thương của base thường do top gây ra khi ngã xuống. Lần đầu tiên làm top, Vũ run bắn và ngã gãy tay. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Vũ cho biết, top phải dùng hết lực, độ bật để lên và tạo cảm giác nhẹ cho người làm trụ. Lúc lên phải chắc, các cơ khít vào, chân duỗi thẳng.

Vũ cùng 3 top nữ khác thực hiện động tác lên tháp trong Hội thi Sinh viên Văn - Thể - Mỹ mới đây. Trong cuộc thi này, đội Rumbo của Vũ vô địch toàn miền Bắc. Ảnh: NVCC
Vũ cùng 3 top nữ khác thực hiện động tác lên tháp trong Hội thi Sinh viên Văn - Thể - Mỹ mới đây. Trong cuộc thi này, đội Rumbo của Vũ vô địch toàn miền Bắc. Ảnh: NVCC.

Khi đứng trên cao, top phải khống chế nỗi sợ hãi, giữ thăng bằng tốt và tập trung vào phần biểu diễn của mình. Muốn vượt qua cảm giác ấy, top phải tin tưởng vào những người hỗ trợ bên dưới.

"Để giữ được thăng bằng khi đứng một chân trên tay base, top phải tập luyện dưới thấp trước. Em bị đổ rất nhiều nên nghĩ ra cách đứng trên lưng hay mông của bạn hoặc bất kỳ bề mặt nào có độ gồ ghề, mấp mô", Vũ tâm sự.

Do ở Việt Nam chưa có đào tạo bài bản cheerleading nên phần lớn các đội phải học qua video trên mạng. Cùng đội đi biểu diễn và thi đấu nhiều, Vũ thích cảm giác đứng trên cao làm các động tác uốn dẻo trước sự phấn khích của khán giả. Mỗi lần được khen làm động tác đẹp hơn cả top nữ, nam sinh này càng có động lực tập luyện. Trong hội thi sinh viên Văn - Thể - Mỹ (Uleague) mới đây, đội Rumbo của Vũ vô địch toàn miền Bắc mùa giải 2013.

Theo Phan Thành Nam, chủ nhiệm câu lạc bộ Rumbo Cheerleading, nhảy cổ động có nguồn gốc từ Mỹ và thường được biểu diễn vào giờ nghỉ giải lao trong các trận đấu thể thao. Tại Việt Nam, hiện nhiều trường đại học, cao đẳng hay THPT cũng có các nhóm nhảy cheerleading tồn tại song song nhiều câu lạc bộ khiêu vũ thể thao khác.

Trong một bài biểu diễn, cheerleading luôn có các phần như hô, bật nhảy, nhào lộn, tung hứng, tháp riêng lẻ (stunts), tháp liên kết (pyramid) và nhảy. Đội hình cổ động thường có supporters (người bảo hộ phía sau), base (người làm đế, trụ), top và flyer (người làm động tác bay trên không). Thông thường, top và flyer có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ của nhau. Để an toàn, các đội cheer thường trang bị thảm tập, trang phục của các cổ động viên phải thoải mái, giày tập mềm và nhẹ.

Trong cheerleading, tinh thần tươi vui là quan trọng nhất. Mỗi cheerleader phải luôn giữ được nụ cười rạng rỡ trên môi, tràn đầy nhiệt huyết để truyền cảm hứng tươi vui cho người xem.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG