Giới trẻ quan tâm sách Huyền Chip hơn SGK?

Giới trẻ quan tâm sách Huyền Chip hơn SGK?
"Điều đáng tiếc là mối quan tâm của thanh niên về các vấn đề xã hội rất yếu".

Giới trẻ quan tâm sách Huyền Chip hơn SGK?

> Xôn xao bức ảnh bán nude của Huyền Chip
> Phượt thủ có tiếng viết về vụ Huyền Chip đi 25 nước

"Điều đáng tiếc là mối quan tâm của thanh niên về các vấn đề xã hội rất yếu".

Ông Đặng Hoàng Giang cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet về khảo sát thí điểm “Liêm chính trong thanh niên Việt Nam” thực hiện bởi ba tổ chức Hướng tới Minh bạch, CECODES và Live&Learn, cũng như trách nhiệm của thanh niên đối với xã hội nói chung.

Bức tranh về sự trung thực và liêm chính của thanh niên vừa được ông Đặng Hoàng Giang “vẽ” lại trong diễn đàn “Chúng tôi thay đổi thế giới” mới diễn ra ngày 21/9.

Giới trẻ quan tâm sách Huyền Chip hơn SGK? ảnh 1

Thanh niên không liêm chính, xã hội sẽ rất tồi tệ

Các con số nói lên điều gì, thưa ông?

Khảo sát này cho thấy một mặt thanh niên hiểu biết lý thuyết tương đối tốt. Vấn đề là thực tế và hành động khác nhau. Có sự chênh lệch giữa thanh niên có trình độ cao và thanh niên có trình độ thấp. Thanh niên có học vấn cao hơn ý thức cũng tốt hơn.

Giới trẻ quan tâm sách Huyền Chip hơn SGK? ảnh 2

Đối với thanh niên có học vấn thấp, tôi nghĩ không thể lên án họ, mà do cuộc sống bắt buộc, họ cần thoả hiệp để tồn tại. Một con số khác là với công việc càng quan trọng thì tỉ lệ người muốn thỏa hiệp càng cao.

Giới trẻ quan tâm sách Huyền Chip hơn SGK? ảnh 3

Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy rằng tỉ lệ % muốn thỏa hiệp giữa người lớn và thanh niên là tương đương nhau. Như vậy, có thể thấy người lớn không phải là tấm gương cho thanh niên, người lớn không thể lên án thanh niên vì thanh niên nhìn vào chính người lớn để làm theo.

Và người lớn cũng phải xem lại bản thân mình.

Nghiên cứu cũng cho thấy mức độ cam kết tố cáo của thanh niên chưa từng tham gia vào những chương trình giáo dục, tăng cường liêm chính, và của thanh niên đã qua những khoá tập huấn này, là tương đương nhau, đều ở mức độ trên dưới 60%.

Điều này chứng tỏ các chương trình giáo dục hiện nay không có kết quả trong việc đào tạo, huấn luyện thanh niên có ý thức hơn trong chống tham nhũng.

Giới trẻ quan tâm sách Huyền Chip hơn SGK? ảnh 4

Giáo dục không hiệu quả. Vậy thanh niên “học” ở đâu, thưa ông?

Thanh niên lấy khuôn mẫu từ bố mẹ, nhà trường, và những ngôi sao giải trí. Đây là ba nhóm người có ảnh hưởng lớn tới thanh niên. Để thanh niên thay đổi, những nhóm người này phải thay đổi.

Ngoài ba nhóm ảnh hưởng trên, anh có cho rằng có yếu tố văn hóa hay truyền thống nào dấn đến tình trạng “nói một đằng làm một nẻo” này?

Tôi không nghĩ rằng Việt Nam lại có truyền thống tham nhũng, không thể nói rằng ông cha ta thích hối lộ, nói dối. Và ngay cả người dân bây giờ cũng thế. Ví dụ như người Việt sang Thái Lan, Singapore chữa bệnh rất thích môi trường trong sạch không phong bì, không đút lót bác sĩ ở đó.

Ở đây là do xã hội, nên mọi người chạy theo, chứ không phải người dân cổ súy cho việc này. Hơn nữa còn là tâm lý bầy đàn, ai cũng kêu ca nhưng cũng vẫn cứ tiếp tục thoả hiệp, không dám chủ động dừng lại.

Từ thời điểm khảo sát đến nay, ông có cho rằng tình hình đã thay đổi?

Tôi tương đối bi quan. Những năm vừa rồi môi trường xã hội không biến chuyển, thậm chí là tệ hơn. Điều này ảnh hưởng tới lòng tin của các bạn trẻ, khiến các bạn thực dụng hơn, dễ dàng thỏa hiệp hơn.

Kéo dài điều này sẽ dẫn đến hậu quả là…

Vận hành xã hội sẽ rất tệ. Thanh niên suy nghĩ như vậy, vài năm nữa các em lập gia đình, sinh con đẻ cái. Con cái các em rồi sẽ lại rơi vào vết trượt.

Xã hội sẽ không tiến bộ, không tồn tại sự trung thực.

Và thiệt thòi sẽ thuộc về nhóm yếu thế. Những người có quyền lực, có nguồn lực tài chính hơn sẽ được ưu ái. Những nhóm yếu thế sẽ phải nhận dịch vụ xã hội với chất lượng kém hơn. Đây là một sự bất công.

Trong “cuộc chơi” liêm chính, với ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường và những người nổi tiếng, dường như thanh niên đang ở thế bị động?

Thanh niên đang bắt chước và đi theo người lớn. Nhưng không thể nói thanh niên bị động, mà thậm chí, họ cần có hành động để thay đổi cả người lớn.

Tôi mong các bạn trẻ nên cố gắng bước ra ngoài “cuộc chơi” không liêm chính nếu có thể.

Ví dụ, trong trường hợp ốm nặng thì không thể yêu cầu các bạn hay gia đình từ bỏ việc đưa phong bì cho bác sĩ để nhận được điều trị có chất lượng. Nhưng nếu chỉ đi khám bình thường, các bạn hãy không đưa phong bì cho bác sĩ.

Nếu vi phạm luật bị cảnh sát giao thông dừng xe, nếu không ở trong trường hợp cấp thiết như muộn giờ thi, đưa người đi cấp cứu… các bạn hãy ra kho bạc nộp phạt chứ đừng đưa tiền trực tiếp.

Nên uyển chuyển, không cực đoan, nhưng luôn ý thức cố gắng giảm thiểu hối lộ, tham nhũng càng nhiều càng tốt. Bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy, giảm tình trạng không liêm chính từ mức độ 100% xuống đến 99% rồi 98%... rồi mọi việc sẽ dần dần thay đổi.

Mối quan tâm của thanh niên về các vấn đề xã hội rất hạn hẹp

Trong cùng một ngày 19/9, có hai cuộc họp báo. Một là họp báo ra mắt sách củaHuyền Chip , và một cuộc họp báo của Bộ GD-ĐT công bố đề án Đổi mới toàn diện giáodục . Các trang mạng, diễn đàn rầm rộ đưa tin, bình luận về quyển sách trong khi một đề án ảnh hưởng tới hàng chục triệu học sinh sinh viên thì ít thấy diễn đàn nào của thanh niên và cả phụ huynh dành đôi ý kiến cho đề án này.

Mối quan tâm của thanh niên về các vấn đề xã hội là rất yếu. Rất ít người quan tâm đến hòa bình, chiến tranh, vấn đề Syria… Sự quan tâm của các bạn là hạn hẹp, và đây là điều đáng tiếc.

Đây là độ tuổi học cách quan tâm, đóng góp ý kiến, từ các vấn đề chung rồi đến các vấn đề của việt Nam. Có quan tâm đến thế giới rồi mới có ngày thế giới quan tâm đến chúng ta.

Đây còn là nghĩa vụ công dân. Nhưng thanh niên Việt Nam thiếu sự rèn luyện nghĩa vụ công dân của mình. Đây là thiếu sót về mặt tính cách.

Nhưng môn học giáo dục công dân có từ bậc tiểu học cho tới hết 12 năm phổ thông. Ông nghĩ sao về hệ quả này?

Đó là do giáo dục còn phiến diện, hời hợt, không chạm được vào bản chất vấn đề.

Ở những nước tiên tiến, không phải người dân sinh ra là có ý thức công dân ngay. Nhưng trẻ em được giáo dục để tôn trọng tự do cá nhân, sự khác biệt, các em được phản biện, nói lên ý kiến riêng.

Từ nhỏ trẻ em đã có thói quen độc lập, tự chủ, không dựa dẫm, không đi theo, và học cách tôn trọng ý kiến của người khác.

Việt Nam không có được sự giáo dục đó. Bên cạnh đó, thanh niên Việt Nam chờ đợi quá nhiều. Có thể họ kêu ca, nhưng vẫn chờ đợi sự thay đổi từ người lớn.

Còn ở nước ngoài, hội sinh viên ở các trường có tiếng nói rât lớn trong việc quản lý nhà trường. Sinh viên có thể lên tiếng, thậm chí là biểu tình về việc tăng học phí, thay đổi giáo viên...

Một thầy giáo bị buộc nghỉ việc, sinh viên có thể đòi hỏi nhà trường phải giải trình lý do, chứ nhà trường không thể lẳng lặng mà làm. Không ai ngăn cấm những việc này, và cũng không có vấn đề chính trị hay tư tưởng gì ở đây hết.

Không phải khi nào những yêu cầu của thanh niên cũng hợp lý, nên được chấp nhận, nhưng quá trình đưa ý kiến, thương thảo, chính là quá trình để các bạn trưởng thành.

Ông Đặng Hoàng Giang:
Ông Đặng Hoàng Giang: "Những năm vừa rồi môi trường xã hội không biến chuyển, thậm chí là tệ hơn. Điều này ảnh hưởng tới lòng tin của các bạn trẻ, khiến các bạn thực dụng hơn, dễ dàng thỏa hiệp hơn".

Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam đóng góp của thanh niên cũng chưa được coi trọng. Lấy ví dụ ngay như dự thảo đề án Đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay, nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến được tổ chức với các giáo sư, nhà khoa học, cán bộ quản lý… nhưng chưa có hội thảo nào dành riêng cho đối tượng học sinh sinh viên – những người chịu tác động trực tiếp khi đề án được triển khai.

Đây thì lại là nét văn hóa của Việt Nam – xã hội coi trọng tiếng nói, uy tín của người lớn hơn người trẻ tuổi.

Tiếng nói của người lớn tất nhiên là có giá trị, nhưng nếu không đồng thời có tiếng nói từ lớp người trẻ tuổi sẽ dẫn đến việc cản trở sự sáng tạo, thay đổi trong xã hội. Giới trẻ không lên tiếng, không cọ xát, tranh đấu thì không thúc đẩy xã hội tiến lên được.

Vậy thì thanh niên cần làm gì? Và người lớn cần làm gì để thúc đẩy thanh niên?

Ai cũng có thể lên tiếng. Các bạn trẻ hãy nêu ý kiến của mình, với sự tôn kính người lớn tuổi. Và hãy tìm đến những người có suy nghĩ giống mình, các bạn sẽ thấy vững vàng hơn.

Nhìn vào mảng hoạt động từ thiện, môi trường thì hiện nay các bạn sinh viên đang làm rất tốt, vì họ được làm và có không gian để làm. Vậy hãy để các bạn trẻ đi vào các lĩnh vực vận động chính sách khác, họ sẽ tạo thay đổi.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đặng Hoàng Giang có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa và kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch, khía cạnh văn hóa xã hội của công nghệ và mạng xã hội.

Từ năm 2008, ông là Phó Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), tổ chức đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, nâng cao tiếng nói và sự gắn kết giữa xã hội dân sự và Nhà nước.

Tốt nghiệp Thạc sĩ Công nghệ thông tin ở trường Đại học Kỹ thuật llmenau, Đức và sau này nhận bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực Kinh tế Phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo.

Theo Chi Mai
VietNamNet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG