'Gõ cửa' lo việc cho thanh niên

'Gõ cửa' lo việc cho thanh niên
TP - Hàng chục ĐVTN trên địa bàn được Bí thư Đoàn phường Thanh Hà (Hội An - Quảng Nam) Nguyễn Văn Nhật gõ cửa từng doanh nghiệp, xin hồ sơ tuyển dụng. Anh Nhật thành lập CLB giúp thanh niên khởi nghiệp.

> Khát vọng thanh niên vươn ra biển lớn
> Sau Tết, công nhân lại lo giảm lương, mất việc

Lập CLB giúp thanh niên khởi nghiệp

Tốt nghiệp Học viện thanh thiếu niên Việt Nam, hơn chục năm nay, Nhật gắn bó với công tác đoàn phường. Phường có gần 150 ĐVTN nhưng theo Nhật việc khó khăn nhất là tập hợp họ vào tổ chức đoàn, gắn bó với đoàn.

Với vai trò phó bí thư, sau đó là bí thư đoàn phường, Nhật tranh thủ chắt lọc danh sách, tiếp xúc, vận động và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của ĐVTN. “Biết các bạn bức bách về công việc, nên đoàn phường lúc đó xác định nhiệm vụ chính là hỗ trợ tìm việc làm, lập các mô hình sản xuất kinh tế cho ĐVTN”, anh Nhật nói.

Năm 2003, anh Nhật hình thành mô hình làm vườn của thanh niên trong phường với sự tham gia của 4-5 ĐVTN khối Bàu Đưng, Bàu Súng. Khó khăn, thiếu vốn, anh Nhật gõ cửa các ngân hàng chính sách, chương trình hỗ trợ để huy động vốn.

Chỉ với số vốn ban đầu 70 triệu đồng, anh Nhật hướng dẫn bạn trẻ mua gốc quất, mai, hoa Tết về chăm sóc, tạo cảnh. Vụ Tết đầu, CLB làm vườn “thắng lớn”, bán lời vài chục triệu đồng. Thấy mô hình hiệu quả, nhiều ĐVTN đăng ký tham gia. Hiện, con số thành viên CLB lên gần 30 ĐVTN.

Anh Nguyễn Quốc Hùng (24 tuổi), bí thư chi đoàn khối Bàu Súng, người từng nhận giải Lương Định Của năm 2009 (Giải thưởng dành cho nhà nông trẻ xuất sắc do T.Ư Đoàn trao tặng), nổi tiếng là “triệu phú” trẻ CLB bảo: trung bình mỗi Tết, anh em trong CLB mỗi người “lãi ròng” 70-100 triệu đồng.

Trước đó, anh Hùng theo gia đình đi kinh tế mới ở Đắc Lắc, năm 2008 anh về quê trong tình cảnh thất nghiệp. Lập gia đình sớm, gia cảnh anh Hùng càng khó khăn hơn. Trở lại phường, anh Hùng xin gia nhập CLB để khởi nghiệp.

Đến nay, chỉ riêng vườn cây của anh có gần 300 chậu kiểng quất phục vụ dịp Tết cùng 500-600 hoa cảnh các loại. “May nhờ bí thư Nhật và các thành viên trong CLB hỗ trợ, giúp nhau. Vừa tạo công ăn việc làm vừa mở ra không khí sinh hoạt đoàn thật bổ ích”, anh Hùng nói.

Không riêng anh Hùng, các thành viên trong CLB nhờ mô hình làm vườn phát triển kinh tế bản thân, gia đình. Anh Nhật cho hay, ngoài hỗ trợ vốn vay, mỗi năm đoàn phường tổ chức các lớp tập huấn, trồng chăm sóc cây. Hiện phường có quy hoạch 60ha trồng hoa, cây cảnh giúp ĐVTN.

Nhật “chạy việc”

Nhắc anh bí thư đoàn trẻ tuổi, đa tài, nhiều người trìu mến gọi anh bằng danh hiệu Nhật “chạy việc”. Gặp Nhật tại cơ quan khi đang tất bật với chục hồ sơ xin việc của các bạn trẻ trong phường. Nhật cho biết, những bạn trẻ không có “sở trường” tạo cây cảnh, được đoàn gõ cửa các doanh nghiệp trên địa bàn, nắm bắt thông tin tuyển dụng, trực tiếp xin từng bộ hồ sơ về phổ biến, hướng dẫn đăng ký tìm việc.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương, 25 tuổi ở khối Bàu Bưng từng làm công nhân ở Sài Gòn về quê, thất nghiệp, vừa được anh Nhật kết nối xin việc Cty may mặc tại KCN Điện Nam, Điện Ngọc (Quảng Nam). “Thật vui khi được làm việc gần nhà chi phí ăn ở ít, thu nhập ổn định”, chị Hương nói.

Theo anh Nhật, mỗi năm có hơn chục hồ sơ được đoàn phường kết nối cho thanh niên. Hơn 3 năm triển khai các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, đến nay đã có gần 60 thanh niên vào làm tại các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà hàng.

Qua đó, đoàn dễ tập hợp, sinh hoạt, giao lưu và hỗ trợ ĐVTN. Có việc, nhiều thanh niên chậm tiến đổi đời. Từng một thời là dân chơi “số má” trên địa bàn, Nguyễn Hữu A. (26 tuổi) đua đòi theo chúng bạn sa ngã vào thuốc lắc.

Anh Nhật đi tìm hiểu, lập đội “Thắp sáng niềm tin” từ năm 2010, rà soát các thành phần thanh thiếu niên chậm tiến để có biệp pháp chấn chỉnh. Sau nhiều lần động viên, thuyết phục, tạo việc làm, dần dà A. bỏ con đường xấu, chuyên tâm lập nghiệp, có gia đình và ổn định đời sống.

Để tạo sân chơi lành mạnh cho ĐVTN, anh bí thư đoàn năng động thành lập CLB bóng đá Nam và CLB khiêu vũ hoạt động đều đặn vào tối thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, với gần 50 thành viên.

Bí thư Đoàn phường Nguyễn Văn Nhật sáng kiến tăng thu nhập cho ĐVTN bằng cách nhận các công trình, phần việc thanh niên như làm đường bê tông nông thôn, đổ đất nền nhà…

Tiền công được ĐVTN tự nguyện trích một phần cho các hoạt động chung của đoàn. Nhiều năm nay, Nhật được tặng thưởng bằng khen cấp thành phố, tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở. Anh là một trong 82 bí thư đoàn cơ sở xuất sắc nhận giải thưởng 26-3 năm 2013 do T.Ư Đoàn trao tặng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.