Gom trẻ em vào ‘trại mồ côi’ để trục lợi

Gom trẻ em vào ‘trại mồ côi’ để trục lợi
Với mục đích trục lợi, một số tổ chức, cá nhân đã “đội lốt” tôn giáo lừa gạt nhiều gia đình ở miền núi, vùng sâu vùng xa để đưa con em họ vào TPHCM hay lên Tây Nguyên với viễn cảnh “học tập thành người tài”, nhưng sau đó đẩy các em vào “trại mồ côi” tự lập nên để bóc lột sức lao động.

Gom trẻ em vào ‘trại mồ côi’ để trục lợi

Với mục đích trục lợi, một số tổ chức, cá nhân đã “đội lốt” tôn giáo lừa gạt nhiều gia đình ở miền núi, vùng sâu vùng xa để đưa con em họ vào TPHCM hay lên Tây Nguyên với viễn cảnh “học tập thành người tài”, nhưng sau đó đẩy các em vào “trại mồ côi” tự lập nên để bóc lột sức lao động.

Bức ảnh các cháu tại “trại mồ côi” ở TPHCM; ông Quáo và hai con kể lại quá trình trở về từ “trại mồ côi”
Bức ảnh các cháu tại “trại mồ côi” ở TPHCM; ông Quáo và hai con kể lại quá trình trở về từ “trại mồ côi”.
 

Sau một thời gian vào cuộc điều tra, Phòng An ninh xã hội (ANXH) CA tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng CA các địa phương đã vạch trần thủ đoạn của các đối tượng và vận động người dân đưa các em về với gia đình.

Bố mẹ còn sống, con vẫn mồ côi

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của ông Đinh Quáo (47 tuổi, trú thôn Đèo Rơm, xã Sơn Hạ, H. Sơn Hà, Quảng Ngãi) để tìm hiểu về quá trình hai con nhỏ của ông là Đinh Hồng Dư (8 tuổi, học lớp 2) và Đinh Da (13 tuổi, học lớp 5) trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu. Gặp chúng tôi, ông Quáo vô cùng bức xúc khi kể về việc hai con trai của mình bị lừa vào “trại mồ côi”. Năm 2011, ông Đinh Nhít (trú thôn Hà Bắc, xã Sơn Hạ) với “chức” Giáo hạt trưởng miền Trung - Tây Nguyên của Tin lành giám lý liên hiệp Việt Nam đã kêu gọi nhiều gia đình đưa con em vào TPHCM để đào tạo thành người tài. Tin là thật, ông Quáo cùng nhiều gia đình khác đã gửi con, em mình cho ông Nhít đưa vào nhà ông Phan Đức Nghĩa (ở TPHCM).

“Sau một thời gian dài không thấy hai con hồi âm, tôi đón xe đò vào TPHCM để thăm con, xem tình hình chúng ăn học thế nào. Tại đây tôi bàng hoàng khi con cho biết cả hai đứa bị gán lý lịch là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sao họ lại làm cái điều quái ác thế khi vợ chồng tôi sống sờ sờ đây mà bảo rằng đã chết!”. Không chấp nhận, ông Quáo đề nghị “trại mồ côi” cho ông đưa hai con về quê. Tuy nhiên, phải mất 3 lần ra vào TPHCM, người quản lý “trại mồ côi” mới cho ông Quáo dẫn con về, nhưng hồ sơ học bạ thì bị giữ lại. Vừa qua, cháu Đinh Hồng Dư được địa phương và nhà trường tạo điều kiện cho vào học lớp 3. Riêng cháu Đinh Da, đến nay vẫn chưa được đi học vì một thời gian dài chuyện học ở trong “trại mồ côi” bị dở dang. Hơn nữa, khi em được về Quảng Ngãi thì hồ sơ học bạ bị giữ lại, gặp khó khăn trong thủ tục nhập học theo quy định. Ngày ngày nhìn các bạn cùng trang lứa đi học ngang qua nhà í ới gọi nhau, Đinh Da chỉ biết lén nhìn qua song cửa ước ao. “Bây giờ trở về nhà không được đi học, em buồn lắm!” - Da nói trong nước mắt

Theo thông tin chúng tôi nắm được, có hàng chục em nhỏ ở H. Sơn Hà bị lừa đưa vào học tập, sinh hoạt tại “trại mồ côi” của ông Nghĩa. Trước khi đưa các em vào đây, Đinh Nhít dặn dò, nếu ai hỏi thì tất cả các em phải nói là trẻ mồ côi. Vào “trại mồ côi” tại nhà ông Nghĩa, nhiều người ở đây biết các em không phải mồ côi nhưng cũng dặn dò, nếu có khách nước ngoài thăm, tặng quà thì bảo rằng bị mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Tại “trại mồ côi”, ngoài thời gian học bổ túc văn hóa ban đêm, ban ngày các em phải tự lo nấu ăn, lau nhà, chăm sóc em nhỏ và làm hoa giấy, thêu tranh... để bán cho khách nước ngoài đến thăm “trại mồ côi”. Bởi hầu hết khách đến thăm, nghe các em đều mồ côi cha mẹ nên sẵn sàng tặng quà, hỗ trợ mua sản phẩm do các em “mồ côi” làm. Các em luôn bị quản lý chặt, không được tự do vui chơi như những trẻ em khác. Các em còn cho biết, thường xuyên bị ông Nghĩa dùng cây sắt đánh vì không thực hiện đúng các nội quy của “trại mồ côi”.

Trước tình hình trên, CAH Sơn Hà đã kịp thời vận động các gia đình đưa con em về lại quê. Đồng thời tuyên truyền, vạch trần thủ đoạn dụ dỗ con em miền núi để trục lợi cá nhân mà các đối tượng đã thực hiện trong thời gian qua. Thượng tá Ngô Văn Đãi - Trưởng CAH Sơn Hà cho biết: “Thực chất, các đối tượng lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đưa các em vào “trại mồ côi” để hưởng lợi khi khách nước ngoài đến thăm, hỗ trợ, tặng quà cho các em ”.

Chiêu bài bóc lột trẻ em

Cách đây không lâu, lực lượng ANXH CA tỉnh Quảng Ngãi và CAH Sơn Hà đã vạch trần bộ mặt thật đội lốt tôn giáo của tổ chức phản động Nguyễn Công Chính với chiêu bài đưa con em miền núi lên Tây Nguyên học, nhưng thực chất lừa gạt bóc lột sức lao động các em. Nguyễn Công Chính (quê Quảng Nam), tham gia tổ chức chính trị phản động đội lốt tôn giáo có tên gọi là “Tin lành đấng Christ Việt Nam”, hay còn gọi là “Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam - Hoa Kỳ”. Trước ngày bị bắt, Chính đã tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. “Chân rết” của Nguyễn Công Chính ở Quảng Ngãi đã lừa nhiều thanh thiếu niên lên Gia Lai với lời hứa sẽ được giáo dục thành tài và có việc làm ổn định. Tuy nhiên, tại Gia Lai, các em không được học hành mà bị bóc lột sức lao động. CBCS Phòng ANXH và CAH Sơn Hà đã kịp thời phối hợp với các ngành chức năng lên Gia Lai đưa các em về lại Quảng Ngãi an toàn.

Đại tá Dương Hồng Sơn - Trưởng phòng ANXH CA tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Lợi dụng nhận thức hạn chế và thiếu hiểu biết của người dân tộc thiểu số ở miền núi, không ít tổ chức, đối tượng xấu đã đội lốt các tổ chức tôn giáo rồi dựng lên các “trại mồ côi”, “mái ấm tình thương” đưa các trẻ em vào với mục đích trục lợi. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp CA các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng thôn, bản, hộ gia đình để người dân nâng cao nhận thức, không nghe lời kẻ xấu”.

Theo T.Sự
Công An Đà Nẵng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.