Hé mở thế giới truyện tranh không dành cho trẻ em

Hé mở thế giới truyện tranh không dành cho trẻ em
TP - Triển lãm Truyện tranh, Manga & Co diễn ra từ 9/5-2/6 tại Viện Goethe – 56 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) trưng bày 55 truyện tranh của 13 tác giả tiêu biểu từ Đức mang đến cho công chúng sự ngỡ ngàng trước những tác phẩm truyện tranh dành cho người lớn. Đây là một lĩnh vực gần như hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Cánh cửa rộng từ Đức

Chỉ 13 nghệ sỹ được tuyển chọn cũng có thể giúp hình dung sự đa dạng về kỹ thuật và nội dung của truyện tranh Đức. Các chủ đề chính trị, lịch sử hay đời sống thanh niên... được thể hiện trên máy tính cho đến vẽ tay bằng chì hoặc than khẳng định nỗ lực làm mới câu chuyện bằng hình ảnh.

Isabel Kreitz, (nữ họa sĩ 46 tuổi sống tại Hamburg) là một trong những người đi sâu nhất vào chủ đề chính trị ở Đức. Điển hình là cuốn truyện tranh 258 trang “Trường hợp điệp viên Sorge”. Tác phẩm nói về TS. Richard Sorge, một điệp viên Liên Xô cũ được bao phủ bởi các huyền thoại.

Ngoài ra còn có tác phẩm “Sự phát hiện xúc xích curry” được xây dựng trên tiểu thuyết của Uwe Tim. Trong đó, tác giả kết nối chủ nghĩa Quốc xã hiện tại ở nước Đức và mổ xẻ công cuộc vượt thoát quá khứ của người Đức trong những bức tranh đen – trắng đầy tương phản.

Flix, (35 tuổi, sống tại Berlin) thì đặt chủ đề chính trị vào giữa hiện thực và hư cấu khiến câu chuyện như trò chơi trí tuệ trong tác phẩm chuyển thể từ vở kịch “Faust” của Goethe. Những khoảnh khắc siêu thực được đan xen cùng các bình luận sâu sắc, kết hợp với ngôn ngữ từ văn hóa pop (nghệ thuật bình dân). Tác giả đặc biệt quan tâm đến những kẻ ngoài lề xã hội.

Tranh trong truyện của Isabel Kreitz
Tranh trong truyện của Isabel Kreitz.

Tập truyện “Floralia” của Ulf K. (44 tuổi sống tại Düsseldorf) thì kể về mối tình bi kịch giữa một chú hề với một bông hoa. Tuyển tập “Hireonymus B” xoay quanh nhân vật chính cùng tên cũng của Ulf K. Để thoát khỏi đời sống công sở tù túng kiểu Kafka, gã công chức Hireonymus B chìm đắm vào giấc mộng trong những thế giới siêu thực, nơi những cuốn sách biết bay và những bức tranh sống dậy.

Jens Harder (43 tuổi, sống tại Berlin) thì “giữ im lặng” trong tác phẩm “Levithan” với những bức vẽ không lời nhưng choáng ngợp bởi hình ảnh. Tập truyện “Alpha” được coi là độc đáo với sự dày đặc của chi tiết cũng như qui mô đề tài. Harder miêu tả câu chuyện tiến hóa 14 tỉ năm trên 352 trang sách với 2.000 hình vẽ.

Chon câu chuyện kể về chính mình, Line Hoven (36 tuổi, làm việc tại Hamburg) đã tạo nên một tác phẩm truyện tranh khác thường. Trong “Cứ ngoảnh mặt đi” chị kể câu chuyện về ba thế hệ gia đình mình.

Hoven chia sẻ: “Bố tôi từng là nhạc sĩ. Ông đã cùng ban nhạc của mình lưu diễn khắp nước Mỹ. Mẹ tôi nói ông mất khi tôi còn nhỏ. Nhưng điều đó không đúng. Tôi nghĩ, ông đã bỏ nhà ra đi, đi khuất khỏi mẹ tôi để làm âm nhạc. Để làm điều mình mơ ước. Tôi cũng muốn làm y hệt như ông”.

Tại Việt Nam - 5 năm nữa?

Có thể đặt câu hỏi, truyện tranh Việt khi nào sẽ thoát khỏi sự mặc định “truyện tranh là của trẻ con”? Trong khi, truyện tranh cho người lớn bắt đầu là một nhu cầu có thật.

 Lạc quan mà nói, 5 năm nữa truyện tranh dành cho người lớn mới có chỗ đứng. Một thế hệ bạn đọc 8x, 9x (sinh năm 1980-1999) đang trưởng thành, chúng ta mong rằng họ vẫn tiếp tục mang trong mình tình yêu với tranh truyện, họ sẽ là thế hệ độc giả người lớn đầu tiên.

Ông Tô Chiêm - Nhà xuất bản Kim Đồng

Ông Nguyễn Phúc, 64 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội khi xem triển lãm nêu cảm nghĩ, truyện tranh dành cho người lớn rất có ý nghĩa trong xã hội phát triển. Khi vẽ truyện tranh cho người lớn cần có đề tài sâu rộng về mọi mặt đời sống xã hội từ kinh tế, ngoại giao hay sức khỏe… Loại hình này ra đời sẽ giúp người lớn tuổi tiếp nhận tri thức nhanh và dễ hơn những cuốn sách dày.

Họa sĩ Thành Phong - người thể hiện hai tập “thành ngữ đương đại bằng tranh” cho rằng, sáng tác và xuất bản truyện tranh dành cho người lớn ở nước ta là một hướng đi mới mẻ nhưng cũng đầy mạo hiểm.

“Hiện tại tôi vẫn đang sáng tác loại hình truyện tranh này. Truyện tranh cho người lớn phải khác về hình thức và nội dung. Người nghệ sĩ phải có một câu chuyện hấp dẫn với đề tài thuộc phạm vi được nhiều người quan tâm, về các vấn đề diễn ra hàng ngày, thời sự. Đồng thời, phải chọn phong cách thể hiện độc đáo thu hút” - Thành Phong nói.

Họa sĩ Tô Chiêm - Nhà xuất bản Kim Đồng cho hay các họa sỹ trẻ hiện nay đã chủ động cập nhật công nghệ mới, chất lượng tranh được nâng cao. Các bộ sách mới hiện nay của Nhà xuất bản Kim Đồng chủ yếu do các họa sỹ trẻ sáng tác như: Thành Phong, Bùi Hải Nam, nhóm Tạ Lan Hạnh… Họ làm việc chuyên nghiệp và có bản sắc riêng.

Ông Chiêm nhận định, hiện nay vẫn thiếu vắng các tác phẩm dành cho người lớn nguyên nhân do chưa có sự chuẩn bị từ người viết, người vẽ. Bên cạnh đó, họa sĩ vẽ truyện tranh hiện nay chưa thể sống được bằng nghề.

“Nhuận bút, tính trung bình, cao nhất chỉ là 500 ngàn đồng/trang. Một cuốn truyện với 30 trang thì mất đến vài tháng để tìm tư liệu, bối cảnh, nghiên cứu trang phục, văn hóa… rồi mới bắt tay miệt mài vẽ mới xong. Như vậy là thấp!” - Ông Chiêm cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khởi tố vụ cán bộ CSGT tông chết người ở Gia Lai
Khởi tố vụ cán bộ CSGT tông chết người ở Gia Lai
TPO - Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Phong (41 tuổi, cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an huyện Chư Prông) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.