Học kỳ quân đội 2013: Teen trưởng thành hơn

Học kỳ quân đội 2013: Teen trưởng thành hơn
TP - Các đơn vị tổ chức Học kỳ quân đội (HKQĐ) trực thuộc T.Ư Đoàn năm nay chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, nâng chất lượng rèn luyện để giúp các em thay đổi bản thân, nhận thức đúng các giá trị tình cảm gia đình.

Giảm số lượng, học phí

Được coi là cái nôi của chương trình HKQĐ, với nhiều nội dung học độc đáo, năm nào Trung tâm (TTN) Thanh thiếu niên miền Nam cũng rơi vào tình trạng quá tải, phụ huynh phải đăng ký trước cả năm.

Nhưng năm nay tình hình ngược lại. Bà Trần Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm TTN miền Nam cho hay, đến thời điểm này số người đăng ký sụt giảm hơn rất nhiều so với mọi năm, phụ huynh chủ yếu đến để tham khảo thông tin và rất kén chọn các chương trình học.

Nếu như hè năm 2011, Trung tâm mở 15 lớp với 60 chương trình học kỹ năng sống thì năm nay Trung tâm chỉ quyết định mở 9 lớp với 20 chương trình học. Học phí giảm 1-2 triệu đồng/em/khóa học. Đối tượng được miễn giảm học phí cũng tăng lên. Con em cán bộ Đoàn, học sinh nghèo học giỏi, con em gia đình có công với cách mạng… đều được miễn giảm học phí.

Theo bà Liên sở dĩ có sự thay đổi như thế là vì thời gian qua có sự bùng nổ về các lớp học kỹ năng sống. “Giờ phụ huynh cẩn thận hơn trong việc lựa chọn các địa chỉ tin cậy, với các chương trình học thiết thực, chi phí tiết kiệm để gửi gắm con em mình chứ không đăng ký học ào ào như mọi năm”, bà Liên nói.

Trung tâm TTN miền Trung hè này cũng dự kiến chiêu sinh 70 em bằng năm 2012 tham gia lớp HKQĐ. Tương tự, Trung tâm TTN T.Ư cũng đang phối hợp với Trung đoàn 228, thuộc Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không Không quân chiêu sinh 100 em (lứa tuổi 11-15 tuổi) cho lớp HKQĐ 2013, bằng với năm ngoái.

Rèn bản lĩnh, gắn kết gia đình

Trung tâm TTN miền Nam luôn có cuốn nhật ký khuyến khích phụ huynh góp ý và chia sẻ mong muốn để hoạt động của Trung tâm cải thiện tốt hơn. Nhiều phụ huynh thẳng thắn bày tỏ, HKQĐ phải làm các em thay đổi bản thân, không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện thể chất.

“Rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là những gia đình có điều kiện đề xuất chương trình HKQĐ chú trọng hơn đến vấn đề giáo dục tâm lý, tình cảm. Xuất phát từ đó, hè này Trung tâm quyết định thay đổi nhiều nội dung giáo dục hướng đến tâm sinh lý các em hơn là giáo dục thể chất”, bà Liên nói.

Lao động giúp các em biết quý trọng đồng tiền
Lao động giúp các em biết quý trọng đồng tiền.

Trung tâm TTN miền Nam xây dựng hệ thống các lớp HKQĐ từ cơ bản đến nâng cao, mỗi lớp có nội dung hoàn toàn khác nhau, phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi từ 9 đến 18 tuổi. Trong đó có những lớp đặc biệt như lớp HKQĐ Côn Đảo dành cho 60 em.

Các em được ra Côn Đảo trong 7 ngày để trui rèn bản lĩnh với các hoạt động vượt cầu phao, đánh trận giả; hành quân đêm, tìm hiểu lịch sử đấu tranh bất khuất của cha anh trên đảo; tham gia các hoạt động đêm trước biển, đêm trước mộ chị Sáu nhằm bồi đắp thêm các bài học về sự mạnh mẽ, yêu Tổ quốc, biển đảo quê hương.

Ngoài ra, Trung tâm mở một lớp học hoàn toàn mới có tên “3 giờ khác biệt”. Chỉ học trong 3 giờ với kinh phí 200 nghìn đồng/em, các em sẽ có sự chuyển biến rõ rệt về tâm lý, suy nghĩ.

Theo bà Liên đây là phương pháp giáo dục đặc biệt, thông qua trò chuyện các chuyên gia tâm lý sẽ đi sâu tác động vào tâm lý lứa tuổi các em giúp các em biết vượt lên chính mình, tự tin với bản thân, biết yêu quý tình cảm gia đình.

“Giáo dục tình cảm gia đình đóng vai trò quan trọng. Làm sao để các em sau khi tham gia HKQĐ các em sẽ trưởng thành hơn, bắt đầu từ những việc nhỏ như biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết tự chăm sóc bản thân và giúp bố mẹ làm việc nhà. Trong nhiều gia đình, bố mẹ bận rộn, không quan tâm chu đáo trong thời gian dài khiến các em có cái nhìn lệch lạc về gia đình; có những em sống trong điều kiện gia đình khá giả, được chăm sóc quá kỹ nên không biết làm bất cứ việc gì, không biết quý trọng đồng tiền”, bà Liên nói.

Ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm TTNT.Ư cho hay, HKQĐ của Trung tâm TTN T.Ư sẽ dành 40% tổng thời gian cho giáo dục quốc phòng, rèn luyện thể chất; 60% thời gian còn lại dành cho giáo dục kỹ năng và các hoạt động bổ trợ khác.

Đặc biệt các em sẽ có chuyến hành quân dã ngoại về chiến trường xưa ở Bắc Giang, được trải nghiệm tâm thế của người chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, các em được học các điệu dân vũ Việt Nam và quốc tế, đồng thời tham gia hoạt động kỹ năng vui nhộn và đầy tính tập thể với tên gọi “Tiến lên cùng bè bạn”.

Ngoài Học kỳ quân đội, các trung tâm còn có nhiều chương trình giáo dục kỹ năng khác. Trung tâm TTN miền Trung có chương trình trại hè “Lãnh đạo trẻ tương lai, dành cho cán bộ chỉ huy Đội, kỳ học thiên nhiên và trải nghiệm về Gia Lai, Đắk Lắk; Trung tâm TTN T.Ư có trải nghiệm thiên nhiên ở làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, học bơi, các lớp luyện thanh, CLB ghi-ta nghệ thuật; Trung tâm hoạt động và giao lưu thanh niên có chương trình: Giao lưu thanh niên Việt – Hàn, Trại hè tiếng Anh, Trại hè Thiếu nhi châu Âu “Khám phá châu Âu với thiếu nhi thế giới”…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.