Hơn 7.000 cử nhân thất nghiệp ở Nghệ An

Hơn 7.000 cử nhân thất nghiệp ở Nghệ An
TP - Muốn con em mình đi học để ra trường có công ăn, việc làm ổn định, nhiều gia đình phải “cắm” cả sổ đỏ để vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, chưa bao giờ ở Nghệ An số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng lại thất nghiệp nhiều như hiện nay.

> Thiếu kỹ năng, giải tỏa ức chế
> Đi số lùi - hiện tượng khác biệt?

Nghệ An tạm dừng thu hút SV tốt nghiệp loại giỏi (ảnh minh họa)
Nghệ An tạm dừng thu hút SV tốt nghiệp loại giỏi (ảnh minh họa).

“Cắm” nhà cho con đi học

Chị Nguyễn Thị Ngọc, quê ở Quỳnh Lưu tâm sự: Ngày cậu con trai đầu lòng thi đậu đại học, cả nhà vừa mừng lại vừa lo. Vì gia đình nghèo túng, con trai chị nhất quyết không chịu ra Hà Nội nhập học, mà chỉ xin bố mẹ vác ba lô vào miền Nam làm thuê kiếm tiền.

Thấy vậy, vợ chồng chị Ngọc đành “cắm” sổ đỏ và nhà cửa, vay tiền cho cậu con trai đi học với mong muốn sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có công ăn việc làm, rồi trả lại số nợ đã vay.

Con trai chị tốt nghiệp, cầm tấm bằng loại khá của trường ĐHKT Quốc dân về quê xin việc, song ở đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Không muốn ngồi nhìn cha mẹ ngày đêm phải còng lưng trả tiền lãi ngân hàng, tết xong cậu đã vào Vinh làm thủ tục xuất nhập cảnh sang Lào lao động tạm một thời gian.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Trung (quê Hợp Thành, Yên Thành) cũng cắm nhà, sổ đỏ vay vốn ngân hàng cho hai cô con gái vào học trường ĐH Thương mại (Hà Nội) để rồi ra trường ôm cục nợ ngân hàng. Cả hai hiện vẫn chưa có việc làm.

Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành tâm sự: Hiện nay, địa phương này có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường (nhất là tốt nghiệp các ngành xã hội), do không có việc gì làm nên tìm đến làm nghề báo.

Hầu hết ngồi ở quê nhưng cộng tác với nhiều tờ báo trung ương và địa phương khác nhau, đa số cộng tác làm quảng cáo.

Thực hiện Quyết định 157/CP của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho học sinh sinh viên (HSSV), tại Nghệ An sau 5 năm, chương trình này đã giúp hàng ngàn hộ nghèo có con đi học và đã tạo điều kiện cho hàng ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học.

Từ năm 2008 đến năm 2012, doanh số cho vay HSSV ở Nghệ An đạt 3.001 tỷ đồng (trong đó doanh số cho vay năm học 2011-2012 đạt 723 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 30-9-2012 đạt 2.736 tỷ đồng).

Hơn 159.000 học sinh, sinh viên của 122.000 hộ gia đình được vay vốn học tập, trong đó có gần ngàn SV tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm và chưa có tiền trả nợ.

Cử nhân thất nghiệp

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An vừa thực hiện khảo sát tình hình việc làm của SV sau khi tốt nghiệp.

Kết quả đến đầu năm 2013 cho thấy, có 12.191 SV đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên nhưng chưa có việc làm (trong đó có 1 thạc sĩ, 3.047 ĐH, 4.042 CĐ).

Các địa phương có nhiều người tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm như: TP Vinh (506 trung cấp, 464 CĐ); Thanh Chương (507 CĐ, 401 ĐH); Tân Kỳ (387 CĐ, 314 ĐH). Riêng 5 huyện miền núi như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông và Quỳ Châu có tới 802 người chưa có việc làm, trong đó có 435 người tốt nghiệp CĐ, 367 tốt nghiệp ĐH và 1 người có trình độ thạc sỹ.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ Nghệ An, đợt thi tuyển công chức năm nay chỉ tiêu chỉ có 120 người nhưng đến thời điểm này đã nhận được 1.856 hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Riêng ngành Thuế Nghệ An thi tuyển công chức chỉ lấy 53 chỉ tiêu, nhưng có tới 2.500 SV đủ điều kiện dự thi (trong đó có hơn 200 trường hợp tốt nghiệp loại giỏi - hệ chính quy).

Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh Nghệ An còn có hơn 3.600 giáo viên dôi dư thuộc 3 cấp tiểu học, THCS và THPT. Để trả lương cho trên 3.600 giáo viên kể trên, mỗi năm tỉnh Nghệ An phải chi khoảng trên 80 tỷ đồng từ nguồn kinh phí được cấp hằng năm cho ngành giáo dục.

Riêng năm nay, ngành giáo dục chỉ tuyển dụng 74 suất biên chế nhưng hiện đã có tới 500 hồ sơ dự tuyển. Mặc dù đang dư thừa giáo viên, nhưng hằng năm tỉnh Nghệ An vẫn có hàng ngàn người tốt nghiệp ngành sư phạm.

Tạm dừng thu hút nhân tài

Ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An nói: "Số SV ra trường, thất nghiệp mà Sở GD&ĐT vừa công bố đúng là như vậy. Một thực trạng đã báo động. Theo tôi, nguyên nhân là thời gian qua đào tạo tràn lan, không sát với thị trường, trong khi nhu cầu sử dụng lao động hạn chế. Trước thực trạng đó, ngày 26-12-2012, tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi Sở Nội vụ; các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị về việc tạm dừng thực hiện chính sách thu hút nhân tài (SV tốt nghiệp loại khá, giỏi trở lên)".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.