‘Kế hoạch’ của những nàng dâu sinh viên

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Có những cô bạn đã quyết định kết hôn trước Tết và đảm nhận cùng lúc ba vai trò: Là dâu, là vợ, là sinh viên. Ngày Tết của họ, ngoài trách nhiệm với gia đình, còn có thêm phần bài tập dang dở của giảng đường đại học.

Quyết định “chống lầy” khi đang là sinh viên

Bận rộn ôn thi kết thúc kỳ học, tất bật chăm sóc và vun vén gia đình, những nàng dâu sinh viên dường như có sức khỏe phi thường và thái độ lạc quan với vai trò “ba trong một”: Là sinh viên, là con dâu, là vợ. Nhưng khi nói chuyện Tết nhà chồng, họ đều chung những nỗi lo lắng. Đỗ Phương Dung đang là sinh viên năm thứ tư, khoa Công trình, trường ĐH Thủy lợi. Dung và bạn trai yêu nhau khi Phương Dung vừa bắt đầu là sinh viên năm thứ hai, yêu nhau được gần 3 năm thì người yêu có ý muốn kết hôn và gia đình người yêu hoàn toàn đồng ý.

Cô sinh viên năm thứ tư cảm thấy khá “choáng” với ý định của người yêu khi mình mới chỉ 21 tuổi và còn đang đi học. Phương Dung chia sẻ: “Lúc nghe người yêu ngỏ lời cầu hôn và dẫn về ra mắt gia đình, mình lo lắng lắm bởi vì vẫn đang đi học, việc làm chưa có và chưa thể tự nuôi mình, hơn nữa, hai chúng mình là người tỉnh lẻ, nhà vẫn còn phải đi thuê trọ”.

Ngay sau khi nhận lời cầu hôn và để tự trang bị cho chính mình khi ở vai trò mới – làm vợ, làm dâu, Phương Dung đã phải gồng mình học hỏi rất nhiều. Cô cho biết: “Mình học ở chính những người trong gia đình như bà nội, mẹ mình, rồi lại tham khảo các chị em đã có gia đình. Mình phải học từ cách ứng xử, học sắp xếp công việc gia đình với việc học, học giao tiếp với mẹ chồng, rồi học thêm về chuyện bếp núc… Trước kia, chỉ phải chăm sóc bản thân nên thường bỏ qua những điều này nhưng khi lấy chồng thì phải học hết. Tuy nhiên, may mà mọi việc đều ổn”.

‘Kế hoạch’ của những nàng dâu sinh viên ảnh 1

Phương Dung tất bật chuẩn bị cơm sau mỗi giờ đi học về.

Với Nguyễn Như Quỳnh (năm thứ ba, trường ĐH Văn hóa Hà Nội), kết hôn khi còn đang là sinh viên không hề khiến Quỳnh cảm thấy bối rối, bởi Quỳnh là người quyết định tiến đến hôn nhân, mặc dù người yêu chưa hề đả động.

Quỳnh chia sẻ: “Người yêu hơn mình 8 tuổi và anh ấy là con một, trong khi bố mẹ đều đã nghỉ hưu. Nghĩ tới những điều đó thì mình xác định chuyện tình cảm nghiêm túc với anh ấy và đưa ra quyết định kết hôn ngay khi cảm thấy đã đủ chững chạc”. Để chuẩn bị cho đám cưới, Như Quỳnh đã tự mình lên kế hoạch toàn bộ và thể hiện vai trò mới làm vợ, làm dâu ngay từ những quyết định mang tính đời người như vậy.

Như Quỳnh cảm thấy khá thoải mái trong vai trò làm vợ, làm dâu khi còn đang là sinh viên. Quỳnh cho biết: “Nhiều bạn bè bảo mình tính toán khi chủ động đưa ra quyết định lấy chồng nhưng mình không nghĩ như vậy”. Một điều ở Như Quỳnh giống với Phương Dung là đều cần học hỏi kinh nghiệm từ bà, mẹ và những bạn bè đã lấy chồng.

Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng

Khác với những nàng dâu đã đi làm, những nàng dâu sinh viên thường được nghỉ Tết sớm và dài ngày (thường là nghỉ từ rằm tháng Chạp đến rằm tháng Giêng Âm lịch), như vậy thì quãng thời gian chuẩn bị trước và sau Tết sẽ dài “bất thường”. Chuẩn bị lên giây cót tinh thần để đón cái Tết đầu tiên trong vai trò của nàng dâu mới, Phương Dung tâm sự: “Tết năm nay, thay vì ở nhà đi chơi với bạn hay quấn chăn ngủ nướng thì mình sẽ phải dậy sớm, lo nấu ăn cùng mẹ chồng, rồi cùng chồng đi thăm họ hàng nội ngoại hai bên. Mình không chắc có đủ sức để làm bài tập sau Tết không nữa”.

Còn đối với Như Quỳnh, cô bạn không hề đả động đến chuyện phải dừng các cuộc chơi. Quỳnh tâm sự: “Mình cần phải có một kế hoạch chi tiết cho ngày Tết vì nếu chuẩn bị không ra sao thì thật là mất mặt. Tết năm nay, mình sẽ trổ tài gói bánh chưng cho cả nhà, vì nhà chồng mình không ai biết gói, thường đặt ở mua ở ngoài. Nhà chồng mình toàn con trai, nên khi có con dâu về, mẹ chồng mình vui lắm, hai mẹ con khá hợp nhau. Còn gần một tháng nữa mới đến Tết nhưng hai mẹ con đã chuẩn bị lên danh sách món ăn, những thứ cần mua, cần làm rồi. Thật là hào hứng!”.

Kế hoạch của Như Quỳnh chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn một, 15 ngày trước Tết, Như Quỳnh sẽ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ để tham khảo giá cả ngày Tết và đặc biệt là đi học gói bánh chưng. Giai đoạn hai là những ngày Tết, Như Quỳnh đã lên một danh sách hai bên họ nội, ngoại để chúc Tết và đặc biệt là học cúng gia tiên vào đêm Giao thừa.

Giai đoạn ba là hậu Tết với phương án “thanh lý” tủ lạnh đầy ắp đồ ăn và hoàn thành bài vở trên lớp đã được giao từ trước Tết. Như Quỳnh thêm vào một câu đùa: “Nan giải là bánh chưng tự gói thì chắc mình phải là người ăn nhiều nhất, bánh chưng lấp đầy đầu, khó mà học bài được!”…

Theo Sinh viên Việt Nam
MỚI - NÓNG