Khi sinh viên biến thành ma men

Khi sinh viên biến thành ma men
TPO - Hiện nay, cảnh sinh viên “chìm” trong nhậu diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các trường đại học, đặc biệt sinh viên học ngành kĩ thuật.

Dù vui hay buồn, thất tình hay không thất tình, hay không có chuyện gì cả, họ cũng tìm đến rượu như một cái “thú” vui của mỗi cuộc chơi.

 
Khi sinh viên biến thành ma men ảnh 1

Từ “Ăn tới nơi, nhậu tới bến”

Khoảng thời gian đầu tháng 5 được coi là mùa thi của nhiều trường đại học. Thế nhưng những hình ảnh sinh viên ăn uống, tụ tập, nhậu nhẹt tại các quán ăn, quán nhậu vỉa hè không vơi đi phần nào. Trên các trang cá nhân ở các trang mạng xã hội của nhiều sinh viên, hình ảnh của các cuộc ăn nhậu tại quán hay tại chính phòng trọ cũng được cập nhật một cách liên tục.

Đi một vòng qua các quán nhậu khu Chùa Láng, không còn xa lạ khi bắt gặp hình ảnh những cô cậu sinh viên cũng keng keng bắt đầu cuộc vui bằng những câu hát rất hài hước nhưng không kém độ “chơi” :

                         “Anh em mình là một gia đình

                           Một gia đình là chơi hết mình

                           Chơi hết mình là lên thiên đình

                           Lên thiên đình rồi nhảy sập sềnh”

Nào, 1,2,3 zô. Trăm phần trăm. Rượu vào lời ra. Không khí cuộc nhậu tưng bừng không gì sánh bằng

Thậm chí ngay trên giảng đường, hình ảnh của sinh viên với hơi thở nồng nặc, say sỉn, ăn nói linh tinh, ngủ vật vạ trên bàn không còn hiếm gặp.

Lí giải cho những cuộc ăn nhậu như thế, Huy (sinh viên năm 3 - ĐH Giao Thông) chia sẻ: “Học ngành kĩ thuật như bọn mình, chủ yếu là con trai, ngoài thời gian học, chơi game, đá bóng thì thời gian còn lại dành cho nhậu là điều hết sức bình thường”.

Huy cười hài hước cho biết thêm: “Bản thân mình học ngành công trình, sau này ra trường cũng phải theo công trình suốt, môi trường đó mà không biết uống rượu cũng hơi mệt đấy. Nên phải “luyện công” từ bây giờ”.

Do điều kiện môi trường, xa gia đình, thời gian học khá “nhàn”, nhiều nhà trọ quản lí  lỏng lẻo cho sinh viên ra vào tự do, đồ nhậu trong các quán ăn hợp túi tiền sinh viên… Điều đó khiến cơ hội sinh viên tụ tập ăn nhậu càng dễ dàng hơn. Luân – một sâu rượu có tiếng của ĐH Hàng Hải cho biết: “Cứ khi nào rủng rỉnh tiền thì cả hội lại tổ chức ăn nhậu. Mỗi lần ăn nhậu là ai cũng phải hết mình. Nhậu xong thì phải có tăng hai, tăng ba nữa mới đã. Đọ tửu để thể hiện đẳng cấp”

Với cánh tay thoăn thoắt, bà chủ một quán bia có gần trường ĐH Xây dựng vừa chuẩn bị đồ nhậu vừa cho biết: “Số lượng khách của quán rất đông đa phần đều là sinh viên. Thời gian đông khách nhất là tầm 18h đến 24h, phải đến tận tối khuya muộn mới ngớt khách”

Đến “tử” vì rượu

Sau nhiều năm chìm trong hũ rượu, Phạm Văn Viết từ một sinh viên được gia đình đặt nhiều kỳ  vọng giờ đã trở thành người không có tương lai khi cậu chính thức bị đuổi học vì nợ quá nhiều môn mà nguyên nhân sâu xa chính là vì rượu. Vừa mới phát hiện bị mắc bệnh chảy máu dạ dày, Viết vừa ôm bụng vừa thở than: “Hồi đó, vì quá ham vui, uống quá nhiều rượu bia, học hành bê tha nên mới dẫn đến hậu quả như hiện giờ. Giờ thì phải cạch rượu đến già, một giọt cũng không được uống không thì bệnh sẽ biến chứng”

 
Khi sinh viên biến thành ma men ảnh 2

Thường xuyên ăn nhậu dẫn đến vô số những tác hại như ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả học tập, lãng phí thời gian, tiền bạc… dẫn đến những hành vi tiêu cực khác. Bạn Tú, sinh viên năm 3 – ĐH Phương Đông cho biết: “Mỗi lần ăn uống trung bình rẻ cũng 200k - 300k mỗi người, hôm nào rủng rỉnh cũng tới tiền triệu, mỗi tuần 2, 3 lần như thế thì đối với sinh viên cũng tốn khá nhiều so với tiền bố mẹ chu cấp hàng tháng”.

Nhiều bạn sinh viên, gia đình cũng không khá giả gì nhưng vẫn muốn “đú” theo bạn bè. Chạy theo những cuộc vui như thế, không muốn thua kém bạn bè nên Phúc (SV năm 2 ĐH Bách Khoa) một lúc đã cắm thẻ sinh viên, cắm giấy tờ xe, cắm máy tính lãi mẹ đẻ lãi con không thể trả được. Phúc bây giờ biến thành con nợ, lẩn trốn khắp nơi, chưa dám về nhà vì chủ nợ đang truy lung ráo riết.

Như dân gian ta có  câu: “Rượu vào lời ra”. Đằng sau mỗi cuộc ăn nhậu là một sự hỗn chiến. Nhiều trường hợp, nhậu xong tăng 4, tăng 5 lên xe máy không đội mũ bảo hiểm chạy nẹp bô, bốc đầu gây mất trật tự an ninh, gây tai nạn thương tâm cho những người vô can.

Theo số liệu thống kê của PC 67 TP.HCM cho thấy, qua thực tế thì có đến 70% tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn xuất phát từ người tham gia điều khiển phương tiện có uống các loại bia rượu

Ngồi bần thần nhớ lại những trận ẩu đả đã qua vì rượu, Mạnh Dũng (Sinh viên năm 3, Ngành Dầu Khí, Đại học Mỏ) chỉ vào vết khâu trên cánh tay bị gẫy và những vết xây xước trên mặt ngậm ngùi chia sẻ: “Rượu bia khiến những con sâu rượu như mình không làm chủ được bản thân. Rượu vào lời ra. Chỉ vì thấy bực vì câu nói đá đểu của đứa bạn, thế là đánh nhau. Khi tỉnh dạy thì thấy đang trong bệnh viện với cái đầu ong ong và thương tích của cuộc ẩu đả để lại”

Hay như mới đây, sáng 26/2, bị cáo Nguyễn Hải Đăng (trú tại Tô Hiệu, Cầu Giấy, HN) bị tuyên án 10 năm tù vì tội mượn rượu chém người. Theo lời bác bảo vệ phường Cầu Giấy bùi ngùi kể lại: “Theo như được biết, Đăng bị bạn rượu cùng mâm đòi vật dụng đã mượn. Không kìm chế được, hai người ẩu đả. Chưa dừng lại, Đăng đã về nhà cầm một cây rựa chém vào đầu bạn cho hả giận rồi đi tự thú.”

Trước đó, chưa khỏi rùng mình khi kể lại vụ sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải mất mạng  vào đầu năm 2007 vì nhậu quá đà, Hoàng Việt – em họ nạn nhân xót xa kể lại: “Vừa về quê ăn tết lên, nhóm của bạn của anh Bùi Đình T đến chúc tết bạn ở Học viện Tài chính và tổ chức uống rượu mừng tân niên. Cuối bữa, chủ khách đều chếnh choáng hơi men, nhưng anh T. và nhóm bạn ở Học viện Tài chính vẫn thách nhau uống hết một chai Voldka to. T ngửa cổ tu cạn chai Voldka loại bự trước con mắt kính nể của bạn bè. Rời chiếu nhậu đầu năm, T được đưa thẳng vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã chết vào sáng hôm sau đó”

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý học Trần Thu Hương, Trường ĐH Quốc Gia Hà Nội cũng tỏ ra lo ngại: “Lứa tuổi 8x, 9x, tâm sinh lí của các bạn trẻ có sự thay đổi đáng kể, luôn muốn thể hiện cái tôi của mình. Nhậu nhẹt như một cách thể hiện cái tôi của mình, như một cách thể hiện đẳng cấp. Đây là một thực trạng buồn  đáng báo động cho giới trẻ khi những hậu quả của thứ ma men này để lại ngày càng nhiều”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG