Không chấm điểm lớp 1 và chuyện 'chạy trường'

Không chấm điểm lớp 1 và chuyện 'chạy trường'
Việc chấm điểm học sinh lớp 1 sẽ không thể chính xác, công bằng vì hiện có quá nhiều phụ huynh cho con học trước.

Bố thủ khoa sống trong ống cống kiếm tiền nuôi con

Không chấm điểm lớp 1 và chuyện 'chạy trường' ảnh 1

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục Tiểu học năm học 2013 - 2014 gửi các Sở GD-ĐT. Trong đó, có một nội dung quan trọng đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là các trường Tiểu học sẽ không được chấm điểm học sinh lớp 1.

Đứng ở góc độc quản lý cấp Tiểu học, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) đã đưa ra những ý kiến về Hướng dẫn mới trên.

Hệ lụy từ vấn nạn “chạy trường”

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để xảy ra tình trạng phụ huynh sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD để chạy trường cho con là hiện nay, tại các thành phố lớn có sự chênh lệch, khác biệt về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy ở các trường Tiểu học công lập. Tuy nhiên, mức học phí ở các trường lại như nhau nên dẫn đến tình trạng nhiều phụ huynh đổ xô chạy cho con vào trường tốt hơn.

Quy định của Sở GD-ĐT đưa ra đối với mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp Tiểu học là các trường phải xét tuyển đúng tuyến trước. Khi trường không đủ chỉ tiêu đúng tuyến thì mới xét đến trái tuyến.

Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp hành chính nên không ngăn chặn được tình trạng “chạy trường, chạy lớp”. Vì người dân có thể “chạy” đăng ký hộ khẩu để con em được học ở những trường tốt hoặc các trường có tên tuổi “lách” quy định trái tuyến bằng cách “xin” cơ quan quản lý giáo dục cấp cao hơn hoặc chính quyền địa phương cho thêm chỉ tiêu tuyển sinh trái tuyến đầu cấp. Điều này giải thích vì sao phụ huynh muốn có được 1 suất cho con học trường công lập danh tiếng có khi phải mất tới hàng nghìn USD.

Việc “chạy trường, chạy lớp” cũng dẫn đến tình trạng, có trường Tiểu học quá đông học sinh hoặc có trường không tuyển đủ số lượng chỉ tiêu được giao. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến một số trường có nguy cơ đóng cửa trong tương lai. Còn những trường mà tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì sẽ không đảm bảo chất lượng dạy học. Thực tế, nhiều trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, mỗi lớp học có khi từ 59-60 học sinh, một giáo viên không thể quản lý, giảng dạy kỹ càng với số lượng học sinh đông như vậy.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia thì mỗi lớp học không được vượt quá 35 học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường mang danh hiệu đạt chuẩn quốc gia vẫn vượt qua “giới hạn đỏ” và tuyển sinh gần gấp đôi so với quy định.

Bất cập trên là do công tác điều tra số trẻ ở từng độ tuổi chưa chính xác, việc phân tuyến tuyển sinh và giao chỉ tiêu tuyển sinh chưa hợp lý. Ngoài ra, còn phải kể đến yếu tố tiêu cực trong tuyển sinh, vấn nạn “xin”, “chạy” chỉ tiêu từ cấp dưới lên cấp trên; quỹ đất, hệ thống trường học ở trong nội đô thành phố Hà Nội còn thiếu thốn, chật hẹp.

Muốn trường tốt, phải chấp nhận đóng học phí cao hơn

Vấn nạn “chạy trường, chạy lớp” được phản ánh rõ nét từ nhiều năm nay và hiện vẫn đang là chủ đề “nóng” cho mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, giải pháp để hạn chế, khắc phục thực trạng này không phải chỉ trong một sớm một chiều là có kết quả ngay. Bởi vì, vấn đề này còn liên quan đến những yếu tố về quản lý, phân tuyến tuyển sinh; sự đầu tư của địa phương đối với các trường...

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp thì khâu quan trọng nhất là phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng số trẻ đến độ tuổi vào lớp 1, kể những trẻ có hộ khẩu KT3. Khi đã có con số chính xác thì việc phân tuyến tuyển sinh mới đảm bảo hợp lý. Trong quá trình phân tuyến phải đảm bảo công khai, minh bạch để người dân được biết. Từ việc phân tuyến này sẽ xác định chỉ tiêu và giao cho từng trường.

GS.TSKH Đào Trọng Thi cho rằng, để khắc phục tình trạng “chạy trường, chạy lớp” thì nên phân ra làm 2 hệ thống trường công lập. Đó là hệ thống các trường Tiểu học công lập đại trà và trường Tiểu học công lập chất lượng cao.

Theo đó, trường Tiểu học đại trà sẽ phổ cập dành cho những người dân có mức sống bình thường và họ phải trả học phí cho con theo quy định chung của Nhà nước. Còn những phụ huynh nào có nhu cầu muốn cho con học ở trường Tiểu học công lập chất lượng cao với cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy tốt hơn thì phải đóng học phí cao hơn những trường công lập đại trà.

Theo tính toán của ông Đào Trọng Thi, những trường Tiểu học công lập với chất lượng đại trà sẽ chiếm đa số người dân có mức sống trung bình. Còn số lượng phụ huynh sẵn sàng đóng tiền học cao để cho con vào học ở trường công lập chất lượng cao chỉ là một bộ phận nhỏ dân cư có điều kiện kinh tế.

Nếu các thành phố lớn áp dụng theo phương thức phân trường như trên thì chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều vấn nạn chạy trường, chạy lớp và phụ huynh sẽ không cảm thấy ấm ức, thua thiệt khi mà trường chất lượng cao, trường đại trà đều thu học phí lại như nhau.

Chất lượng tương đương nhau sẽ hạn chế “chạy trường”

Giáo sư Văn Như Cương- một người có tâm huyết đối với sự phát triển ngành Giáo dục lại có quan điểm khác là, cách thức đưa ra một số trường Tiểu học công lập chất lượng cao được thu học phí cao hơn những trường công lập khác cần phải tính toán kỹ lưỡng. Tiêu chí đánh giá trường Tiểu học công lập chất lượng cao sẽ như thế nào? Dạy theo chương trình sách giáo khoa nào? Còn nếu dạy theo chương trình sách giáo khoa đã được Nhà xuất bản Giáo dục ban hành thì không thể là trường Tiểu học công lập chất lượng cao.

Theo Giáo sư Văn Như Cương, chúng ta đang phổ cập giáo dục Tiểu học, tất cả các em đến tuổi đi học đều được đến trường và hưởng một nền giáo dục tốt. Vì thế, không nên để các trường Tiểu học công lập có sự chênh lệch về chất lượng. Nếu có sự chênh lệch về cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy giữa các trường công lập tức là có sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa các trường ở ngay trong cùng một thành phố.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra ý kiến, nếu như địa phương nào cũng chú trọng đến đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục để tất cả các trường Tiểu học đều có chất lượng tốt như nhau thì chắc chắn phụ huynh sẽ đưa con đi học ở gần nhà, đúng tuyến chứ không việc gì phải lo chạy đôn, chạy đáo tìm trường trái tuyến làm gì.

Bộ GD-ĐT đang tiến tới chuẩn bị thực hiện đề án “Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam". Theo đó, Bộ cần xác định đổi mới từ cách thức quản lý các trường học, chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy của giáo viên.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu có sự phân loại các trường thì phải áp dụng cho tốt thì mới đạt được kết quả cao.

Ông Đào Xuân Nhĩ đưa ra mô hình giảng dạy của một số nước châu Á như Singapore là phân loại các trường Tiểu học theo thứ tự từ 1-10. Trước khi vào học đầu cấp 1, Bộ GD-ĐT của Singapore sẽ tổ chức kiểm tra kiến thức của học sinh một cách nghiêm ngặt và khách quan như một kỳ thi đại học.

Nếu học sinh nào có tư duy tốt và nhanh nhẹn thì sẽ được học trường tốp đầu. Còn những em nào có tư duy kém hơn thì học ở trường tốp dưới. Qua sự kiểm tra này, phụ huynh sẽ biết trình độ của con tới đâu để cho học ở những trường phù hợp, chứ không phải đôn đáo, mất tiền lo tìm trường cho con.

Ngoài ra, hàng năm, Singapore cũng có những kỳ kiểm tra, đánh giá và xếp hạng lại các trường Tiểu học. Nếu trường nào đang từ tốp dưới mà có sự cải tiến về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo thì sẽ được tăng bậc xếp hạng. Còn trường nào không có sự đổi mới về chất lượng, chất lượng giảm sút thì sẽ bị tụt hạng xếp loại. Cách làm như vậy sẽ thúc đẩy các trường cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy chất lượng giáo dục và hạn chế được chuyện “chạy trường, chạy lớp”.

Hiện nay, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đang có những ý kiến khác nhau nhằm khắc phục vấn nạn “chạy trường, chạy lớp”. Tuy nhiên, mô hình nào là phù hợp với Việt Nam để đạt hiệu quả cao nhất lại là vấn đề khó khăn. Với tư cách là người dân và độc giả đọc báo, ý kiến của bạn về vấn đề trên như thế nào? Báo Điện tử VOV online rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các bạn./.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG