Kiếm hàng trăm triệu từ... rác

Kiếm hàng trăm triệu từ... rác
Những thứ rác thải như vải vụn, mùn cưa, trấu... lại giúp các bạn trẻ này giàu lên nhanh chóng.

> Mốt chơi xe cũ của giới trẻ Sài Gòn

> “Sống khỏe” nhờ chùm việc thời vụ

Rất nhiều bạn trẻ dám dấn thân thử nghiệm kinh doanh những mặt hàng không giống ai. Và họ đã biến những phế liệu bỏ đi đó thành sản phẩm có doanh thu không ngờ.

Nghị bên những bao củi trấu.
Nghị bên những bao củi trấu..

Kiếm 100 triệu đồng/tháng từ vỏ trấu bỏ đi

Mặc dù đã cầm được tấm bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Địa lý, ĐH KHXH&NV TP.HCM nhưng Nguyễn Văn Nghị (sinh năm 1984) khiến người khác phải ngỡ ngàng khi chọn cho mình cách kinh doanh từ... vỏ trấu.

Vỏ trấu vốn là thứ dùng làm chất ủ nóng rất tốt nhưng không thực sự thông dụng trong cuộc sống. Nhiều cơ sở xay xát thóc gạo thường vứt bỏ chất này làm ô nhiễm môi trường sống. Thấy được hoàn cảnh đó ở quê nhà Phú Yên, Nghị đã quyết định kinh doanh vỏ trấu.

Cuối cùng, chàng trai này đã tìm ra cách tái chế trấu thành những thanh củi đốt rất hữu ích và tiện lợi. Giá thành sản phẩm chỉ khoảng 2.000 đồng/thanh với năng lượng sản sinh bằng 1 kg than đá có giá 4.000 đồng. Chính vì lợi ích kinh tế tiết kiệm đến 50% giá thành ấy nên rất nhiều người tìm đến với sản phẩm độc đáo của Nghị.

Từ một cơ sở sản xuất 5 tấn/ngày, đến nay Nghị đã mở rộng sản xuất thêm hai cơ sở nâng lên 20 tấn/ngày. Sau gần 5 năm, cơ sở củi trấu của Nguyễn Văn Nghị đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 40 lao động địa phương, mức lương bình quân từ 3,6-5 triệu đồng/người/tháng. Riêng Nghị, hàng tháng tổng thu nhập cũng gần 100 triệu đồng.

Sọ dừa và những hợp đồng bạc tỷ

Những chiếc xe đầy sáng tạo của Đỉnh.
Những chiếc xe đầy sáng tạo của Đỉnh..

Chàng trai 23 tuổi Trần Văn Đỉnh tên thường gọi là Điền đã khẳng định được tên tuổi của mình với các sản phẩm từ những lát gỗ, sọ dừa bỏ đi. Đỉnh được biết đến với những phát minh "không đụng hàng" là những chiếc xe hình đầu trâu bằng gỗ có động cơ, xe vespa "sơn" bằng sọ dừa chẻ nhỏ, vỏ điện thoại di động bằng gỗ và da cá đuối...

Đỉnh mày mò sang tận Campuchia để tìm mua keo đặc biệt về dán những thứ rác thải lên các vật dụng sang trọng. Sau ba tháng, sản phẩm đầu tiên hoàn chỉnh và được rất nhiều người săn lùng mua. Từ đó cậu mở rộng mô hình làm ăn "có một không hai" này.

Một chiếc xe của đỉnh có giá chừng 2.000 USD và đơn đặt hàng vẫn gửi về tới tấp. Vậy là những vật liệu tưởng chừng bỏ đi như sọ dừa, gỗ vụn lại cho Đỉnh khoản thu nhập khủng hàng trăm triệu mỗi tháng.

Làm giàu từ xoài non bỏ đi

Sinh ra tại vùng đất Trà Vinh với bạt ngàn xoài, Đặng Diệp Yến Hương (1983), đã làm giàu từ chính những quả xoài non vứt đi. Đối với các miệt vườn xoài thì mỗi ngày họ bỏ đi hàng trăm cân quả xoài non để tập trung vào nuôi những quả to, chất lượng nhất. Hương nhận thấy việc làm này vừa phí hoài những quả xoài non vừa gây ô nhiễm môi trường nên Hương quyết định làm giàu từ món xoài non ngâm.

Yến Hương - cô gái dám làm giàu từ xoài bỏ đi.
Yến Hương - cô gái dám làm giàu từ xoài bỏ đi..

Yến Hương đã tự mình tạo ra những miếng xoài ngâm ngon mà đảm bảo vệ sinh, từ đó mở cơ sở sản xuất Xoài non chua ngọt Nam Phương ra đời. Chưa đầy ba năm, xoài ngâm Nam Phương đã trở thành mặt hàng thực phẩm quen thuộc trong các siêu thị lớn ở TP.HCM. Mỗi tháng doanh thu của Hương từ 100 đến 200 triệu đồng.

Tác phẩm hội họa từ vỏ trứng, bẹ dừa

Anh chàng Nguyễn Đình Quân (sinh năm 1986) là một trong những họa sĩ đặc biệt ở đất Hà thành. Cậu sáng tạo ra những bức tranh không phải từ màu vẽ mà từ những vật liệu tưởng chừng bỏ đi như bẹ dừa, đá sỏi, mùn cưa, lá cây, vỏ trứng...

Quân và hai cô bạn cùng nhóm.
Quân và hai cô bạn cùng nhóm..

Vốn học ngành đồ họa ra nên Quân có những cách phối màu, định hình tranh rất rõ ràng. Tính thân thiện của bức tranh với môi trường đã tạo ra sức hút đặc biệt cho dòng tranh làm từ chất liệu thiên nhiên này của Quân. Ý tưởng tranh từ phế thải này đã giúp Quân giành giải nhất Festival khởi nghiệp toàn quốc năm 2010.

Chủ đề, kích thước của tranh rất đa dạng phù hợp cho nhiều không gian sống khác nhau. Chất liệu làm hoàn toàn từ tự nhiên đã thu hút được rất nhiều khách hàng cả trong và ngoài nước, giúp Quân thu về số tiền hàng trăm triệu đồng.

Khởi nghiệp từ vải vụn

Lê Thị Thắm (sinh năm 1990) là một trong những cô nàng dám từ bỏ tấm bằng đỏ chuyên ngành Văn học ĐH KH XH& NV để làm giàu từ đống vải vụn bỏ đi.

Yêu thích đồ handmade từ lâu, Thắm luôn ấp ủ những dự định sáng tạo ra những sản phẩm handmade đẹp, ấn tượng nhất. Những sản phẩm đầu tay từ vải vụn, đá như móc điện thoại, vòng tay… của Thắm được bạn bè đón nhận nhiệt tình chính vì thế cô bạn đã đầu tư mở rộng cửa hàng đồ handmade mang tên Bamboo’s corner.

Cô bạn Thắm chủ cửa hàng làm đồ handmade từ vải vụn.
Cô bạn Thắm chủ cửa hàng làm đồ handmade từ vải vụn..

Các sản phẩm của Bamboo’s corner khá đa dạng, giá cả phải chăng nên rất được lòng các bạn trẻ. Sản phẩm của Thắm vô cùng độc đáo, không đụng hàng, lạ mắt, thể hiện được tâm huyết tình cảm của người làm ra nó. Ngoài ra, sản phẩm cũng thể hiện được cá tính, cái tôi khác biệt của người sở hữu món đồ, chính vì vậy đồ handmade trở nên cực kỳ ăn khách. Công việc làm ăn của Thắm ngày càng phát triển từ những đống vải vụn bỏ đi.

Bạn thấy đấy, chỉ cần có ước mơ thì không chuyện gì không thể làm được. Những gương mặt trẻ dám nghĩ dám làm ở trên đã chứng minh một điều, chúng ta hoàn toàn có thể thành công từ sự nỗ lực, từ sự đầu tư đúng cách cho những ý tưởng kinh doanh độc đáo của mình.

Theo Đất Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.