‘Kỹ sư vũ khí số 1’ Đỗ Văn Hùng

‘Kỹ sư vũ khí số 1’ Đỗ Văn Hùng
Sáu năm trước, khi mới 25 tuổi, thượng úy - kỹ sư Đỗ Văn Hùng đã đảm nhận vị trí tổ trưởng tổ cơ khí - vũ khí tàu quân sự ở Công ty đóng tàu Hồng Hà (Bộ Quốc phòng).

>Những tỉ phú chân đất

>Nữ sinh báo chí hiến kế cho Đại hội Đoàn X

Công ty đóng tàu Hồng Hà là một công ty tầm cỡ trong đóng tàu xuất khẩu và cả tàu chiến của Việt Nam.

“Về lắp đặt vũ khí, thượng úy Hùng là số một ở đây” - đại úy - kỹ sư Lê Văn Chung - phó bí thư Đoàn cơ sở Công ty đóng tàu Hồng Hà - khẳng định.

Thách thức mang tên “tàu chiến”

Đầu năm 2010, khi Công ty Hồng Hà đang hoàn thiện dần tàu chiến TT400TP - tàu chiến đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, thượng úy Hùng được giao nhiệm vụ lắp ráp toàn bộ phần vũ khí trên tàu.

“Đây là một trong những tổ hợp rất quan trọng đối với một tàu chiến. Lẽ ra phải mua bản vẽ công nghệ rồi thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn. Nhưng để giảm chi phí đầu tư, các kỹ sư trẻ của tổ vũ khí Công ty Hồng Hà - mà chịu trách nhiệm cao nhất là thượng úy Đỗ Văn Hùng - đã đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này” - đại tá Nguyễn Văn Đắc, chính ủy Công ty Hồng Hà, cho biết. Toàn bộ phần tích hợp vũ khí trị giá hàng trăm ngàn đôla đều nằm trong quyền kiểm soát của chàng kỹ sư sinh năm 1981.

Khó khăn đã thấy rõ trước mắt: chỉ có một số vũ khí quan trọng có bản vẽ nhưng lại là bản vẽ kỹ thuật. Nhiệm vụ của các kỹ sư tổ vũ khí là nghiên cứu thiết kế bản vẽ công nghệ thi công. Kỹ sư Hùng phải tự thiết kế bản vẽ thi công hệ thống thông tin liên lạc, giàn tên lửa Igla... Tất cả bắt buộc phải hoàn thành trong ba tháng.

“Đây là nhiệm vụ rất mới, nhiều khó khăn. Tài liệu thiết kế không đầy đủ, thiếu rất nhiều. Đây lại là tàu pháo đầu tiên đóng ở Việt Nam nên chúng tôi không có cơ hội tham khảo kiến thức thực tế ở những nhà máy khác” - kỹ sư Hùng cho hay.

Sau những chuyến khảo sát và nghiên cứu tiêu chuẩn, quy phạm của những tàu thuyền quân sự; tham quan một số tàu mẫu mua của Nga rồi dựa trên bản vẽ kỹ thuật của tàu pháo TT400TP mua từ nước ngoài, những ngày sau đó thế giới của Hùng là chiếc máy vi tính, là những giờ mày mò, tính toán, vẽ lại bản vẽ 2D, điền kích thước... để tự thiết kế bản vẽ công nghệ “made in Việt Nam” cho toàn bộ hệ thống vũ khí khí tài trên tàu pháo TT400TP.

Kỹ sư Đỗ Văn Hùng kiểm tra lại một giá đỡ dự trữ pháo đã hoàn thành
Kỹ sư Đỗ Văn Hùng kiểm tra lại một giá đỡ dự trữ pháo đã hoàn thành.

Cuối cùng bản vẽ công nghệ thi công dày gần 700 trang A4 đã hoàn thành, kịp để các kỹ sư và công nhân thi công đúng tiến độ.

“Tôi từng thấy Hùng gặm bánh mì, thức trắng ba đêm liên tục cùng công nhân làm việc. Sáng chỉ nghỉ một chút rồi lại vào làm tiếp”, đại úy Lê Văn Chung kể. Đó là khi công nhân thi công một số chi tiết rất khó tại tàu. Kỹ sư Hùng cũng là người đã có nhiều sáng kiến trong việc thiết kế, chế tạo một số bệ thiết bị hệ vũ khí khí tài không có bản vẽ thiết kế trên tàu pháo TT400TP.

Một trong những hạng mục khó nhất là chế tạo bệ cơ sở đỡ pháo. Dù không có chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, kỹ sư Hùng cùng các đồng nghiệp vẫn chế tạo thành công.

“Bệ cơ sở đỡ pháo rất quan trọng. Pháo bắn chuẩn hay không phụ thuộc vào bệ này. Bệ thiết bị lắp pháo và radar cũng đạt được các thông số kỹ thuật. Khi đưa tàu pháo TT400TP đi bắn thử nghiệm, các chuyên gia nước ngoài rất ngạc nhiên. Ở VN không được chuyên gia hướng dẫn nhưng khi bắn thử đã trúng rất nhiều mục tiêu ngay từ lần đầu” - đại tá Nguyễn Văn Đắc cho biết.

Sáng kiến trị giá hàng trăm ngàn đôla

Tháng 11-2012, khi chúng tôi trở lại Công ty Hồng Hà, kỹ sư Đỗ Văn Hùng lại có một sáng kiến đang được triển khai cho lớp tàu pháo TT400TP tiếp theo: làm giá đạn dự trữ pháo lắp trên tàu!

“Khi đóng chiếc tàu pháo đầu tiên, do chưa nắm được công nghệ gia công nên chúng tôi chưa tự sản xuất được giá đạn dự trữ pháo mà phải mua ở nước ngoài với chi phí rất lớn”, chính ủy Công ty Hồng Hà cho biết. Sau khi đóng thành công tàu pháo số 1, tháng 3-2012 kỹ sư Hùng lại được tin tưởng giao trọng trách: tự thiết kế, làm giá đạn cho những tàu pháo sau này.

Đó thật sự là khoảng thời gian “ăn không ngon, ngủ không yên” với người kỹ sư trẻ này. Giá đạn chứa pháo nhìn có vẻ đơn giản nhưng chi tiết khá phức tạp.

“Áp lực, vất vả nhất là thời gian nghiên cứu để thiết kế bản vẽ công nghệ cho giá đỡ” - kỹ sư Hùng kể.

Anh lên mạng, vào những trang web tiếng Nga để mong có chút hi vọng nào đó liên quan đến giá đỡ pháo. Nhưng thế giới mạng đầy rẫy thông tin kia cũng trở nên bế tắc. Ngay cả Nga, nơi sản xuất giá đỡ này cũng không có tài liệu vì họ muốn giữ bản quyền. Những thông tin ít ỏi có được rất mơ hồ.

“Chỉ còn cách dựa vào giá đỡ nhập của nước ngoài đã lắp trên tàu pháo đầu tiên mà tự mày mò, nghiên cứu. Bất cứ lúc nào nghĩ ra cái gì, kể cả lúc chuẩn bị đi ngủ, tôi cũng viết vội ra sổ tay rồi bật máy, thiết kế ngay. Đưa ra rất nhiều phương án nhưng không ưng ý, đang nằm trên giường hay cả khi chợp mắt chập chờn trong giấc ngủ tôi vẫn nghĩ đến nó”, kỹ sư Hùng nói.

Dựa vào cơ số đạn dự trữ trên tàu, việc biết giá đỡ phải có bao nhiêu quả đạn không khó. Cái khó là phải đưa ra được những thông số kỹ thuật để thiết kế giá đạn. Thiết kế hình dáng giá sao cho gọn để buồng đạn dự trữ phải hài hòa trong tổng thể chung của con tàu. Khoảng cách giữa các vành khuyên (viền bao đỡ quả đạn) phải tính toán như thế nào để nó là nhỏ nhất nhưng phải bền, an toàn... Những câu hỏi cứ xoắn lấy tâm trí Hùng. Đó là những thách thức bắt buộc phải có lời giải.

Chàng kỹ sư 8X phải chạy đua với thời gian từng ngày, từng giờ. Bởi khi thực hiện nhiệm vụ này, Hùng vẫn phải hoàn thành công việc hằng ngày chỉ huy phân xưởng giao như trước đó. Thế nên những ngày ấy, phòng làm việc của Hùng ở đơn vị gần 8g tối vẫn sáng đèn. Những hình thù thiết kế, những con số, những thông số kỹ thuật đầy phức tạp dần ra dáng hình trên màn hình máy tính.

Khi đã giải mã được những câu hỏi hóc búa ấy, chuyển bản vẽ công nghệ cho công nhân thi công thì mới hay việc gia công công nghệ không dễ dàng. Như khi dập những chi tiết vành khuyên rất khó dù nhìn rất đơn giản vì độ cong của nó phải tương thích với độ cong của quả đạn, ôm chắc quả đạn để khi tàu di chuyển, rung lắc không bị trôi ra.

Kỹ sư Lê Văn Chung - người nghiệm thu giá đỡ dự trữ đạn pháo - cho biết: “Sau khi kiểm tra các thông số thấy tương đương mẫu nhập, giá đỡ dự trữ đạn pháo do Hùng thiết kế đủ điều kiện lắp lên tàu, chúng tôi rất mừng. Điều đặc biệt là giá đỡ này có khóa tổng thể để lỡ cụm khóa con có vấn đề, viên đạn không trôi ra gây mất an toàn.

Đây là điều mà các giá đỡ nhập từ nước ngoài không có. Với giá đạn tự chế tạo này, chi phí đã giảm tới 1/5 so với nhập khẩu. Điều quan trọng là chúng tôi đã chủ động được trong công nghệ”. Hiện giá đỡ đạn pháo đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.

“Khi nhận những nhiệm vụ khó, lúc đầu tôi thấy áp lực nhưng sau đó mới nhận ra thử thách lớn sẽ là cơ hội lớn. Đó là cơ hội để rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ và có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế. Những nhiệm vụ càng thử thách càng có sức hút lớn với tôi”, chàng kỹ sư trẻ người Hà Nội chia sẻ.

MY LĂNG
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG