Ký ức Tết: Những người xa khuất

Ký ức Tết: Những người xa khuất
…Đi giữa Giao thừa quanh xóm, tôi như đang đi trong một giấc mơ Đào nguyên, mà xác pháo như những cánh hoa đào, con đường nhỏ quanh co trong xóm như con suối nguồn và những cái đèn chớp tắt trên các bàn thờ như trăng sao lấp lánh…

Tết này không thấy Công về chơi .Mấy năm trước, lần nào về thăm xóm, nó cũng ghé nhà tôi, thăm ba má tôi. Xong ra ngồi ngoài quán, nó nói: “Tao về xóm cũ, lúc nào cũng muốn đến thăm hai bác. Ba má tao mất hết rồi, người già trong xóm cũng không còn ai. Giờ chỉ còn hai bác còn sống, tao nhìn hai bác ngồi ăn cơm, đứng thắp nhang trước bàn thờ mà nhớ hồi tụi mình còn nhỏ, ăn Tết với gia đình quá!”. Năm nay, Công về thì điều mà nó mong muốn đó cũng không còn vì ba má tôi đã lần lượt ra đi. Và cũng không còn nhiều điều khác ở trong cái xóm nhỏ này…

Những đêm Giao thừa cũ, khi nhà tôi còn cái hàng rào sắt bao quanh cái sân rộng rộng, khi hẻm chưa buộc phải mở, má sai tôi khiêng cái bàn ra giữa sân cúng Giao thừa. Tôi nhìn ra đoạn ngõ phía ngoài, dì Ba bán cá, má thằng Công đã bận áo dài lúi húi chuẩn bị đồ cúng. Nhà nó không có hàng rào nên phải để bàn cúng nhô ra ngoài một chút, để khói nhang còn bay thẳng lên trời lúc giao hòa giữa trời và đất, lúc chuyển sang năm mới.

Tôi dang tay rộng, ý khoe tràng pháo dài cả nửa mét đang có trong nhà. Nó dang ra cả hai tay, ý là pháo nhà nó còn dài hơn. Hai thằng le lưỡi nhái nhau qua lại một lát thì bị đuổi vô nhà, kẻo cúng xong mới vào thì bể kế hoạch mời người tuổi tốt vào xông đất đầu năm. Đến lúc pháo nổ ran, má tôi thắp nhang xong thì liền chụp ngay cái khăn có vắt chanh mà chị tôi làm sẵn để chống ngạt khói, còn ông anh tôi leo lên gác, kê đầu ra cửa sổ hít khí trời, hy vọng không lên cơn suyễn. Lúc đó, má chỉ mơ ước phải chi nhà mình là nhà lầu, lên sân thượng chắc đỡ khói hơn. Nhìn chung quanh, có nhà nào có lầu đúc đâu, giỏi lắm là cái gác suốt giả lầu, mái có bức tường nhỏ dựng lên che mái tôn là sang lắm rồi.

Hết đợt pháo, có một bác hàng xóm sang xông nhà. Thừa dịp ba má tôi tiếp ông, vừa nhấm nháp trà hột sen, vừa chuyện trò rất trịnh trọng, tôi lẻn ra ngoài. Nhìn vào từng nhà trong xóm đêm Giao thừa là thú vui tuyệt vời nhất thuở nhỏ mà tôi còn nhớ. Nhà nào lúc đó cũng mở lòng mở cửa, cho thiên hạ ngó vào nhà mình. Mỗi nhà đều đặt bàn thờ ngó ra ngoài, bộ lư đồng sáng choang bắt ánh sáng cái đèn đỏ trên bàn thờ Phật. Mâm ngũ quả cao nghệu, trái dưa dán giấy điều chữ Phước lộn đầu. Có nhà giữ được cái đèn kéo quân cổ, ngày Tết đem ra lau bụi, thắp sáng bên trong bằng bóng điện cho bóng các nhân vật chạy lòng vòng. Mai cành chưng phía bên phải bàn thờ trong cái bình vỏ đạn, được đánh bóng lộn, phản chiếu ánh đèn càng rực rỡ. Mấy bà cụ thường ngày hay la rầy con nít, lúc đó, thấy tôi lại thường cười tươi khiến tôi ngỡ ngàng, lại còn cho nhúm mứt bí vừa cúng xong.

Đi giữa Giao thừa quanh xóm, tôi như đang đi trong một giấc mơ Đào nguyên, mà xác pháo như những cánh hoa đào, con đường nhỏ quanh co trong xóm như con suối nguồn và những cái đèn chớp tắt trên các bàn thờ như trăng sao lấp lánh. Đêm sâu thăm thẳm, mát lạnh, lại nghe tiếng chuông chùa, tiếng pháo đì đẹt xa xa. Bên tai tôi còn nghe tiếng hát văng vẳng trong radio:

Mùa Xuân ơi, biết tôi yêu đời Mùa Xuân ơi, nói sao nên lời…

Những lúc đó, tuy còn nhỏ, tôi biết mình đang hưởng những giờ phút tuyệt đẹp của cuộc đời. Nhưng rồi cũng phải vội vã quay về nhà kẻo bị la thì xui cả năm. Đêm Xuân mới thật là đêm, tròn giấc ngủ trong hương thơm của trầm, của hoa mai tỏa nhè nhẹ trong đêm lạnh. Không có những giấc mơ nào trong những đêm Giao thừa, lạ như vậy, đêm cuối năm luôn là một giấc dịu dàng. Cái xóm cũ khi Công về chắc càng ngỡ ngàng hơn chuyến về mấy năm trước. Những hàng rào rộng có trồng cây kiểng được dỡ bỏ. Hẻm được mở ra thành một con đường tráng nhựa thẳng băng và đẹp. Thèm cây cỏ hoa lá, dân trong xóm mua chậu về để dọc tường nhà thay cho góc vườn nhỏ trong vòng rào xưa kia. Mùa Xuân đến, trong nắng vàng, cả con hẻm xanh mướt hoa lá xôn xao. Dân cư vui vì bước ra khỏi hẻm đã thấy đầy ắp nhà hàng sang trọng, quán cà phê cao cấp, siêu thị thay cho chợ búa. Những người nghèo trong xóm chợt tỉnh ra, thấy không với tới nổi cuộc sống đã đắt đỏ lên so với vùng ven và căn nhà họ ở trở nên có giá gấp đôi miệt Nhà Bè, Gò Vấp. Từ những toan tính hợp lý, bảng treo bán nhà mọc lên liên tiếp, những căn nhà cũ cửa sổ lá sách, mái tôn dần biến mất, nhường chỗ cho nhà lầu cao tầng, trang trí đẹp từ trong ra ngoài. Cửa sổ kéo rèm, cửa cổng lưới kín mít. Những tiếng cãi vã của cư dân cố cựu không còn nữa. Người mới đến không có nhu cầu giao tiếp với hàng xóm, trẻ con đi học về chỉ chơi trong nhà không quen với con nít sát vách nhà mình. Ngày lễ vắng đến nao lòng khu hẻm nhỏ, không có ai ngồi trên mấy cái ghế đá dọc những bức tường. Trước khi mất, ba má tôi thắc mắc với nhau: “Những nhà mới đến, Tết thường hay đi du lịch nước ngoài, vậy ai cúng chư thiên ngày 25, rước ông bà trưa Giao thừa và cúng cơm nữa chứ, lạnh lẽo quá!”. Rồi má chép miệng tự trả lời: “Chắc ông bà họ cũng quen rồi, con cái thời này khác hồi xưa!”.

Buổi trưa ngày 25, tôi hạ lư đồng xuống giao thợ đến nhận về đánh bóng. Đứa con trai nhỏ thỏ thẻ: “Ba ơi, tối Giao thừa, ba cho con thắp nhang cúng nha, con không để phỏng tay như năm ngoái nữa đâu!”. Tôi giao con miếng vải để lau mấy cái ghế, cái bàn, cùng nó dán giấy đỏ quanh mấy chậu hoa mới mua về và cả cái chậu cũ trồng cây mai tứ quý già cỗi mà hai cha con cùng nhặt lá hôm rằm tháng Chạp. Những việc đó chẳng là gì cả nhưng đó chính là Tết. Khi con lớn lên, con sẽ nhớ Tết trong những ngày ấu thơ êm đềm, chuẩn bị Tết bên cha mẹ. Dọn dẹp xong, tôi ngồi viết cái thư cho Công. Nhớ hồi nhỏ, Công thường khen tôi viết chữ đẹp. Bây giờ, mỗi dòng chữ của tôi đều theo kiểu Times New Roman như rất nhiều người. Chữ của nó xưa như gà bới, giờ cũng một kiểu, chỉ khác là không có dấu. Và thằng bạn đẹp trai, có lọn tóc quăn trước trán ngày nào khiến đám nhóc gọi nó là siêu nhân, đã là một trung niên đầu hói, ngực lép kẹp vì hút thuốc và khảnh ăn bên cái xứ lạnh lẽo Bắc Âu…

Tôi viết cho nó về những thay đổi của cuộc sống bên này, của con hẻm nhỏ, của những gì người quý mến nay cũng không còn… Chỉ còn lại đây, trong sâu thẳm, cái tình làng nghĩa xóm tuy rất mơ hồ nhưng đậm đà mà tôi chôn thật chặt trong lòng, với những người xa khuất đã sống cùng với tôi một thời tuổi nhỏ cho đến nay.

Theo Sinh viên Việt Nam
MỚI - NÓNG