Làm 'Robinson khờ' trên đất Mỹ

Làm 'Robinson khờ' trên đất Mỹ
“Ngày ở Việt Nam, kinh nghiệm về cuộc sống của tôi chỉ là con số 0, bởi từ khi đi học cho đến khi đi làm tôi chưa bao giờ phải tự lo cho bản thân. Và một ngày, tôi quyết định đến một nơi xa lạ, như một Robinson ở nước Mỹ hiện đại…”

> Làm thế nào để chuyển tiếp đại học ở nước ngoài?

> 'Chào bán' bản thân để giành học bổng

Xuống sân bay, sau khi lấy hành lý, tôi dáo dác tìm người “thân” (người từ nhà trường sẽ đến đón tôi), và sau một hồi lâu, người đó xuất hiện. Người thân của tôi rất cao, trông thật hiền từ và cầm bảng tên tôi quá đỗi ngộ nghĩnh. Ngày ấy, tiếng Anh của tôi còn rất tệ, nên dù rất vui mừng và muốn hỏi han nói chuyện, tôi cũng chỉ biết lẽo đẽo theo chân chú ấy lên xe. Ngồi trên xe, ngắm những khối nhà cao tầng và dòng xe bất tận trên đường cao tốc làm tôi choáng ngợp. Tôi tưởng tượng về một thế giới thần tiên….

Sau 40 phút, chiếc xe dừng lại, người tài xế nói “Đã tới trường rồi đó, cháu vào đi”. Với hành lý nặng trĩu và đôi giày đã bị rách toác, tôi bước vội vào bên trong. “Cảnh vật xa lạ quá!” tôi ngắm nhìn một lúc. Rồi tôi chợt nhận ra lúc đó đã 12 giờ đêm. Không ai xung quanh tôi, ngoại trừ một cảnh sát đang tuần tra.

Lần đầu tiên tôi được đến nơi có kiến trúc hiện đại như Boston
Lần đầu tiên tôi được đến nơi có kiến trúc hiện đại như Boston .

Sau một hồi loay hoay và hỏi han bất cứ ai gặp được; cuối cùng tôi cũng đến được văn phòng quản lý ký túc xá sinh viên để làm thủ tục. Tôi được đưa tới tầng ba một tòa nhà với hai chiếc chìa khóa, một cây đèn, một ấm đun nước, bốn chai nước khoáng và một lời nhắn “bạn đã đến sớm một tuần nên căng-tin chưa mở cửa, xe buýt của trường cũng chưa hoạt động,…có gì thì bạn cứ liên lạc với văn phòng chúng tôi”.

Mệt nhoài nên không muốn nghĩ gì khác, tôi quăng đồ đạc sang một góc và leo lên giường ngủ. Sau chuyến đi hơn 30 tiếng, tôi chìm vào giấc ngủ rất ngon lành mặc cho đó là nơi xa lạ. Đang say giấc với hình ảnh về không khí tưng bừng của trường đại học, chợt từng đợt gió lạnh của mùa thu ùa qua cánh cửa sổ đang mở.

Tôi co ro tìm cách ngủ tiếp, nhưng dường như cái lạnh ấy muốn bắt tôi nhận ra rằng mình không có chăn và gối. Bật dậy và mở tung hành lý ra, tôi đành phải tự tìm cách giữ ấm cho mình. Mặc áo len, chân đeo tất, tay đeo găng, gối bằng các loại quần áo, phần còn lại tôi dùng làm chăn và gối ôm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi cảm giác được sự lạnh lẽo, sự cô đơn lẫn tủi thân khi sống xa nhà …Tôi nghĩ vẩn vơ về những tháng ngày nơi tôi có gia đình bên cạnh. Thế rồi, tôi lại thiếp đi vì mệt mỏi.

Những tia nắng nhẹ khẽ xuyên qua những tán lá báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Tôi tỉnh dậy, tay bó gối, nhìn về phía xa bên ngoài cửa sổ. Cảnh vật thật nhẹ nhàng với những chiếc lá vàng bay phất phơ và những chú sóc con đang nhảy từ cành cây này sang cành cây khác trông thật hồn nhiên. Tôi thả hồn theo buổi sáng bình yên. Chợt nhớ ra cần liên lạc với gia đình, tôi lấy từ trong cặp chiếc máy tính và háo hức truy cập internet.

Thế nhưng tất cả hệ thống đều cần mật khẩu, kể cả chiếc máy phát sóng không dây trong góc phòng cũng không thể truy nhập. Tôi chạy ù ra khỏi nhà, đảo hết tất cả các phòng hòng tìm được ai đó để nhờ sự giúp đỡ. Tuy nhiên, có lẽ vì tôi đã đến quá sớm nên tòa nhà không một bóng người. Nhớ ra văn phòng quản lý sinh viên ở gần ,tôi bước ra khỏi tòa nhà, nhìn quanh hòng lần lại trí nhớ. Thế nhưng tôi không thể nhớ ra gì cả. Ngồi bệt xuống bậc thềm, tôi buồn bã ngóng ra xa và chờ ai đó đi ngang qua giúp đỡ. Sau ba giờ đồng hồ mà không có một bóng người qua lại, tôi thất vọng quay trở vào phòng khi bụng đã bắt đầu đánh trống.

Boston (17/9/2011) – tôi đã đi khám phá với vài người bạn
Boston (17/9/2011) – tôi đã đi khám phá với vài người bạn.

Lần ra từ chiếc vali là năm gói mì tôm, tôi ngồi nhẩm tính “chỉ được hai ngày thôi, làm sao đây?”. Tôi cần liên lạc với gia đình và cần nhất là tìm được siêu thị. “Tất cả chỉ cần mật khẩu truy cập internet mà thôi, phải kiếm bằng được” tôi nhủ thầm. Sau khi dằn bụng bằng hai gói mì, tôi tiếp tục hành trình tìm kiếm.

Tôi lang thang khắp nơi ngoài khu nhà nhưng luôn mang trong mình nỗi sợ về lạc đường và những mẩu chuyện về nước Mỹ mà tôi từng được nghe từ báo đài khi còn ở Việt Nam. Một ngày của tôi đã trôi qua chán nản. Tôi hạ quyết tâm tìm kiếm từ sáng sớm hôm sau, và lại vùi vào núi quần áo của mình!

Bước sang ngày thứ hai… Khung cảnh bên ngoài cửa sổ dường như bắt đầu trở nên thân quen với tôi. Với tinh thần lạc quan, tôi nhủ thầm “Hy vọng hôm nay sẽ gặp được ai đó”. Lần này tôi chọn cho mình một vị trí thật tốt để quan sát. Nhưng thật lạ, buổi sáng trôi qua mà không có hi vọng; tôi chán nản và đói bụng nên lại quay về phòng. Nhìn hai gói mì tôm, tôi nghĩ “không lẽ mình chết đói sao trời!”, và quyết định pha thật nhiều nước với nửa gói mì!!!

Sau khi lót dạ, tôi lăn ra ngủ vì mệt nhưng giấc mơ ban ngày ,về một Robinson đang lênh đênh trên chiếc thuyền nhưng không biết đi đâu về đâu, làm tôi thảng thốt giật mình. Tôi bước vội ra khỏi phòng, lại tiếp tục chờ đợi một ai đó. Thời gian trôi qua thật nặng nề, trong đầu tôi xuất hiện vô vàn câu hỏi mà không biết tìm ai giải đáp “Tôi đang ở cái vùng nào thế này? Mọi người đâu hết rồi? Đây là cuộc sống ở Mỹ sao? Tôi sẽ ở cái nơi không có hơi người thế này à? Làm sao đây…?”.

Khi còn đang lùng bùng với đống câu hỏi đó thì bầu trời đã chuyển tối; vẫn không có gì tiến triển, tôi lại buồn bã quay về nhà. Bước chân nặng trĩu qua cánh cửa và những bậc thang đáng ghét, tôi hướng lên tầng ba với hình ảnh một gói rưỡi mì tôm đang chờ mình. Thế nhưng, có gì đó thôi thúc tôi quay đầu lại, nhìn ra cánh cửa kính với chút hy vọng. Thật bất ngờ, chữ “password”(mật khẩu) xuất hiện tuy mờ mờ nhưng như ngọn đuốc bừng sáng trong tôi, tôi chạy ù xuống và vui mừng khôn xiết. Đó là mật khẩu truy xuất mạng internet của tòa nhà mà ai đó vừa dán vào hoặc đã dán từ lâu mà tôi không để ý.

Mọi thứ như mở ra phía trước mắt làm tôi như muốn khóc vì vui sướng. Lúc đó khoảng ba giờ sáng ở Việt Nam nên tôi chỉ nhắn lại cho mẹ tôi qua Yahoo rằng tôi ổn và dặn mọi người ở nhà yên tâm. Sau đó, tôi dùng chức năng bản đồ của Google để vẽ ra đường đi đến siêu thị gần nhất. Tối hôm đó, tôi đã tự thưởng cho mình gói rưỡi mì tôm còn lại và ngủ thật sớm để có sức cho chặng đường dài của ngày hôm sau.

Trời sáng hôm sau đó thật đẹp, vẫn là những chú sóc con vui vẻ đang đùa giỡn với chiếc lá vàng. Bên trong cánh cửa sổ, tôi cũng đang sửa soạn đồ với tâm trạng đầy phấn khởi. Lần đầu tiên dũng cảm hướng ra xa ngoài khu nhà, tôi rảo bước đi theo sự chỉ dẫn của tấm bản đồ mà chính tôi đã tốn công vẽ ra từ đêm hôm trước. Chặng đường đi khá xa và mò mẫm định hướng theo bản đồ vẽ tay cũng là một thử thách đáng kể; đôi khi, tôi cảm thấy nản và sợ vì đường dài và vắng.

Sau một tiếng thì tôi cũng tới được nơi mong muốn, tôi háo hức mua thật nhiều thứ từ thức ăn cho đến các dụng cụ làm bếp. Chỉ có điều, tôi quên mất rằng mình còn phải xách bộ từ đó về nhà. Vì thế, con đường về nhà xa và mệt hơn, đôi tay quá mỏi và hằn lên những vết đau từ những bịch ni-lông đựng đồ.

Mặc dù phải nghỉ lại nhiều lần và có khi nằm lên bãi cỏ dọc đường để thở, tôi vẫn vui vì đã có thể “sống” được đến lúc trường mở cửa! Ngày hôm đó, lần đầu tiên tôi tự làm mọi thứ mà không có sự giúp đỡ của người thân. Tôi chỉ mới biết làm điều đó khi đã hai mươi lăm tuổi. Tôi như một đứa trẻ trong cái thân đã lớn!

Những ngày sau tôi đã tập đi xa hơn, đã mạnh dạn đi ra ngoài để khám phá thế giới xung quanh.Tất nhiên, tôi luôn chuẩn bị thật kĩ tấm bản đồ được vẽ bằng tay! Tôi cũng đã tập cách dùng xe buýt để đi lại thuận tiện hơn. Tôi đã mất đến hơn một ngày trên xe buýt để biết cách khiến cho xe dừng lại ở một địa điểm nào đó mình muốn – điều thú vị mà có thể chỉ có ở Lowell. Rồi tôi đi đến Boston và xa hơn là New York.

Tôi đã đúc rút ra một thứ rằng, mọi thứ mình không biết hay cần thì nên mở lời hỏi người khác, ai cũng sẽ sẵn lòng giúp mình. Tôi như kẻ khờ đã lớn lên rất nhiều khi tự mình bước đi.

Theo Dân trí

* Bài viết đoạt giải cuộc thi “Hành trình 13000 cây số” của bạn Lê Minh Đức – du học sinh Việt Nam tại Boston. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.