Lạm thu ở trường học: Phụ huynh 'qua sông lụy đò'

Lạm thu ở trường học: Phụ huynh 'qua sông lụy đò'
Mặc dù biết nhiều khoản thu không hợp lý nhưng vì sợ ảnh hưởng đến con, nhiều phụ huynh vẫn phải nhắm mắt làm ngơ...

Lạm thu ở trường học: Phụ huynh 'qua sông lụy đò'

> 'Bảo vệ phụ huynh tố giác trường học lạm thu'
> Ngăn chặn dạy thêm và lạm thu

Mặc dù biết nhiều khoản thu không hợp lý nhưng vì sợ ảnh hưởng đến con, nhiều phụ huynh vẫn phải nhắm mắt làm ngơ...

Nhiều trường học đưa ra các khoản thu sai quy định với lý do là nâng cấp cơ sở phòng học và giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy (Ảnh minh họa)
Nhiều trường học đưa ra các khoản thu sai quy định với lý do là nâng cấp cơ sở phòng học và giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy (Ảnh minh họa).

Để chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, nhiều phụ huynh đã tất bật thu xếp thời gian, tiền bạc để mua sắm đồ dùng học tập, sách giáo khoa, đồng phục cho con. Khi con vào học chính thức, họ lại phải đóng học phí, tiền ăn bán trú 2 buổi/ngày.

Tưởng như thế là đã xong nhưng khi vào năm học, được nhà trường thông báo đóng thêm tiền xây dựng, sửa chữa trường lớp, bổ sung đèn chiếu sáng, mua sắm điều hòa, bảng chống lóa, máy tính cho giáo viên..., nhiều phụ huynh với đồng lương eo hẹp, dù biết chắc các khoản thu đó là không bắt buộc nhưng họ không dám phản đối mà âm thầm cố gắng phải xoay sở để lo đóng góp.

Tự nguyện “ngậm bồ hòn làm ngọt”

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) với nội dung là Ban đại diện cha mẹ HS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, ủng hộ phục vụ trực tiếp cho hoạt động của nhà trường. Thế nhưng trên thực tế, dưới phong trào xã hội hóa giáo dục và hình thức tự nguyện, một số phụ huynh có điều kiện kinh tế đã sẵn sàng ủng hộ nhà trường một khoản kinh phí tương đối lớn, mua tặng lớp học máy điều hòa loại “sịn”. Những phụ huynh này thường nằm trong Ban đại diện cha mẹ HS.

Trong lớp học có một nhóm phụ huynh như trên nên việc đóng góp các khoản đầu tư cho trường, lớp học thường do họ kêu gọi. Do vậy, nhiều gia đình dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng xoay sở để đóng góp cho được. Mặc dù trong lòng không thực sự hài lòng với những lời kêu gọi đóng góp của Ban đại diện cha mẹ HS nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải đóng vì sợ con mình không nhận được sự quan tâm của giáo viên cũng như sẽ bị “ảnh hưởng”. Tuy nhiên, khi đóng xong thì họ lại cảm thấy “ấm ức” trong lòng.

Phụ huynh Đặng Chính Long, phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có con năm nay học lớp 2 không đồng ý với khoản thu 1,2 triệu đồng/năm/người để mua sắm điều hòa và nộp tiền điện.

Anh Long nghĩ rằng, năm ngoái, gia đình anh cũng phải đóng khoản tiền như vậy mà năm nay cũng đóng thì là không hợp lý, bởi điều hòa của HS lớp 2 cũ vẫn còn. Hơn thế nữa, con anh hay bị viêm họng và ốm vì ngồi học và nằm ngủ khi có điều hòa nên anh chẳng thích đóng khoản tiền này chút nào. Trong lớp cũng có một số phụ huynh không muốn đóng khoản tiền này nhưng vì thấy phụ huynh khác đóng mà mình không thì sẽ bị Hội phụ huynh lớp “góp ý” nên họ cũng đành bấm bụng cho qua.

Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường thực hiện nghiêm công tác thu-chi năm học mới 2013-2014
Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường thực hiện nghiêm công tác thu-chi năm học mới 2013-2014.

Tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên VOV online, anh Đặng Chính Long cho biết, trên thực tế, các khoản đóng góp của trường, lớp đều đã được Bộ GD-ĐT quy định rất rõ và các trường học đều biết. Thế nhưng, trong các khoản xây dựng trường, lớp, nhà trường hay giáo viên chủ nhiệm không trực tiếp kêu gọi đóng góp mà giao trách nhiệm này cho Ban đại diện cha mẹ HS của trường, lớp. Và thực tế, Ban đại diện cha mẹ HS chính là cánh tay kéo dài của nhà trường và giáo viên viên chủ nhiệm.

Dù trong cuộc họp lớp có thông báo là đóng góp theo tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc thì đúng hơn. Vì nếu phụ huynh nào không đóng thì Ban phụ huynh “góp ý” nên họ phải làm theo và hơn nữa họ sợ con mình sẽ bị “ảnh hưởng”.

Chị Phạm Thu Hương, ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, lớp của con chị là lớp chất lượng cao (cơ sở phòng học được đầu tư nhiều hơn các lớp khác) nhưng Ban đại diện cha mẹ HS nêu ý kiến là mua bảng chống lóa, máy chiếu chữ và mỗi khi họp lớp có nêu các khoản thu ra nhưng như đặt phụ huynh khác vào tình thế “đã rồi” nên hầu hết các phụ huynh đều phải đóng góp.

Theo chị Thu Hương, học ở những lớp chất lượng cao, có bảng chống lóa thì cô giáo chỉ soi vào máy chiếu, không chịu viết lên bảng nên sẽ không có chất lượng như các lớp cô giáo viết trực tiếp lên bảng và nắn nót từng chữ cho HS. Tuy nhiên, vì nhiều phụ huynh thấy có máy thì cô giáo có thể chiếu video kể chuyện hoặc những phim hoạt hình cho các cháu mỗi lúc giải lao nên nhiều phụ huynh đã phải đồng ý đóng tiền mua.

Ngoài các khoản đóng góp cải tạo trường và mua sắm trang thiết bị lớp học, phụ huynh còn đóng thêm tiền tổ chức văn nghệ, liên hoan hay đi dã ngoại cho con. Trong lớp, chẳng có ai là không đóng quỹ lớp.

Để con yên tâm tới trường, phụ huynh có biết bao lo toan! (Ảnh minh họa)
Để con yên tâm tới trường, phụ huynh có biết bao lo toan! (Ảnh minh họa).

Đa dạng các khoản thu, mỗi lớp làm một kiểu

Khác với những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả, vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Hân, ở Gia Lâm, Hà Nội chỉ là công nhân viên chức với mức lương không cao, chưa đến 8 triệu đồng mà có hai con đang học lớp 3 và lớp 9 nên cũng không thể xông xênh trong việc đóng góp các khoản thu của trường và lớp học cho 2 con.

Chị Hân tâm sự, với mức lương eo hẹp không đủ bù khi giá cả sinh hoạt luôn có sự biến động, với những người thu nhập trung bình hoặc thấp thì việc đóng góp cho trường, lớp cũng khó khăn nhưng cũng khó có thể từ chối không đóng góp vì cả lớp có 50 người, trong đó 45 người đóng góp hết mà mình không đóng thì cũng thấy ái ngại, sợ mọi người dị nghị nên chị vẫn cố gắng xoay sở để đóng góp cho con.

Nhà chị có 2 con đều đang độ tuổi ăn, học nên mọi chi tiêu, sinh hoạt đều phải tiết kiệm đến mức tối đa thì mới lo cho được cho các cháu.

Chị Hân cho biết, ở trường của hai con chị đã chia làm 2 loại: Lớp chất lượng cao và lớp bình thường. Lớp tương tác là lớp dành cho con em phụ huynh có điều kiện kinh tế sẵn sàng đóng góp mọi khoản thu để xây dựng trường, mua sắm trang thiết bị. HS học lớp này thì được ngồi học trong điều hòa. Còn lớp bình thường thì HS chỉ được ngồi quạt trần nhưng phụ huynh vẫn phải đóng tiền xây dựng, sửa chữa, quét vôi, mua rèm cửa lớp học và các khoản phụ thu khác như tiền nước uống, xà phòng rửa tay, quét dọn vệ sinh...

Ngoài khoản thu xây dựng, sửa chữa trường đầu năm là 1,5 triệu đồng thì mỗi kỳ, chị phải nộp quỹ lớp cho các con là 5 triệu đồng.

Cũng giống như chị Hân, chị Trần Thu Trang, có con đang học ở trường Tiểu học KL, quận Đống Đa, Hà Nội thuộc diện HS đúng tuyến. Nhà trường cũng chia thành 2 nhóm lớp chất lượng cao và bình thường. Thế nhưng trên thực tế, các khoản thu quỹ trường, lớp, phụ huynh đều phải đóng hết.

Nhiều khoản thu để trang bị cho cả năm học như: món quà cảm ơn giáo viên nhân dịp 20/10, 20/11, ngày Tết, ngày 8/3, sinh nhật thầy cô… mặc dù chỉ là gói quà, bó hoa thôi nhưng giờ quà và hoa đều đắt nên phụ huynh “quy ra thóc” cho tiện để gửi tới thầy cô. Bên cạnh đó, còn có các khoản nữa như ủng hộ lũ lụt, đóng góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, thưởng học sinh giỏi, ủng hộ học sinh nghèo, mua báo cho con, đưa các cháu đi dã ngoại...

Những khoản thu này, Ban đại diện cha mẹ HS thu luôn trong đầu năm nên dồn lại thì tương đối nhiều. Mỗi lớp thu một kiểu, lớp thu ít, lớp thu nhiều dẫn đến đua chen nhau về các khoản thu. Nhiều phụ huynh rất bức xúc trong các khoản thu như này nhưng đành ngậm ngùi chấp nhận vì sợ nếu lên tiếng thì con họ sẽ không được giáo viên chủ nhiệm quan tâm hoặc bị “trù ú”.

Hiện nay, tình trạng lạm thu đang còn tồn tại dưới hình thức nhà trường cử Ban đại diện cha mẹ HS kêu gọi phụ huynh trong lớp mua đồng phục mùa Hè và mùa Đông cho HS. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhà trường bán đồng phục cho HS là có “lợi ích nhóm” giữa nhà trường với một doanh nghiệp may mặc nào đó.

Những câu chuyện về lạm thu trong trường học trên đều do phóng viên VOV online ghi nhận được tại TP Hà Nội. Được biết, ở TP HCM, năm nay, mức học phí sẽ tăng từ 2-6 lần, chưa kể các khoản phụ thu khác nên chắc chắn sẽ gây thêm áp lực cho nhiều phụ huynh.

Cứ đến năm học mới là câu chuyện về lạm thu trong trường học lại rộ lên. Tuy nhiên, tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm nay khiến nhiều dư luận xã hội bức xúc. Phụ huynh hay độc giả có ý kiến nào đóng góp về vấn đề này, các bạn hãy gửi thư phản hồi lại cho báo Điện tử VOV.

Trong phần tiếp theo của bài viết này, báo Điện tử VOV xin gửi tới quý độc giả ý kiến đóng góp cho chính phụ huynh xung quanh vấn đề này.

Bài 2: Lạm thu ở trường học: Như hùn tiền “đưa hối lộ”.

Theo Chu Miên
VOV

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG