Lên Sapa ngắm tuyết, nhiều người trẻ bị cho là vô cảm?

Lên Sapa ngắm tuyết, nhiều người trẻ bị cho là vô cảm?
Nhiều bạn trẻ có thật sự vô tâm khi thích ngắm tuyết rơi ở Sapa, hay một bộ phận người Việt đang 'thương vay khóc mướn'?

Những ngày qua, khi thông tin, hình ảnh về Sapa đang ngập tràn trong tuyết thu hút đông đảo giới trẻ xuýt xoa trên mạng xã hội, nhiều nhóm đã bạn kéo nhau về Sapa để tận hưởng tiết trời hiếm có trong mùa đông xứ nhiệt đới.

Trong khi giới trẻ đang say sưa bàn tán, nhiều cuộc tranh luận nổ ra, xoay quanh việc, liệu nhiều teen có đang hồn nhiên đến mức vô tâm khi thích thú trước thời tiết rét buốt dưới 0 độ C, và quên mất rằng đông đảo bà con nông dân đang run rẩy, nhiều đàn gia súc, ruộng vườn đang chết mòn trong những ngày lạnh giá khắc nghiệt?

"Trong lúc những em nhỏ ở Sapa rét căm vì tuyết thì có một cơ số đứa cứ trưng hình tuyết rơi loạn hết cả new feed Facebook. Thật vô cảm hết sức!", nick Tink Ng nói.

Những màn tranh cãi được đẩy lên cao trào khi trên Facebook lan truyền một lá thư gửi mẹ của đứa con quê Sapa, hiện đang trọ học xa nhà ở Hà Nội. Trong thư, cậu bạn bày tỏ nỗi nhớ về những mùa đông rét cắt da cắt thịt ở quê mình, và hơn cả là sự mất mát, khổ sở của những gia đình làm nông khi nuốt nước mắt nhìn đàn gia súc của mình đang chết dần bởi cái lạnh khủng khiếp.

Tác giả bức thư đau đớn khi nhớ lại “cảnh các em bé co ro bên những bếp lửa, những đôi môi thâm tím khóc oe oe vì lạnh”, và nhất là hình ảnh đôi mắt mẹ “dại đi vì lạnh”, vì những tài sản quý giá trong nhà đang có nguy cơ mất trắng do thiệt hại của tuyết rơi.

Rồi bức thư xót xa nhắc đến một cảnh tưởng đối lập hoàn toàn: giới trẻ lũ lượt kéo nhau lên Sapa để tận hưởng khung trời mơ mộng của tuyết rơi, để mường tượng không gian hạnh phúc của những bộ phim lãng mạn. Những đoàn phượt cười nói rôm rả, ngắm nhìn các mái nhà ọp ẹp đang trĩu nặng vì tuyết tích tụ, và ước ao Sapa quanh năm có tuyết để họ thoải mái dạo chơi, chụp ảnh.

Cuối thư, tác giả nhức nhối nhìn nhận lại bài học “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, và gay gắt chỉ trích những bạn trẻ chỉ biết hưởng thụ bằng câu kết: “Mẹ ơi, hãy chú ý đàn bò, họ còn cầu tuyết rơi nhiều nữa đấy!”.

Tác giả bức thư cho rằng, giới trẻ còn quá vô cảm với những người dân và đàn gia súc đang chịu cái rét căm căm. Ảnh: Ngôi Sao
Tác giả bức thư cho rằng, giới trẻ còn quá vô cảm với những người dân và đàn gia súc đang chịu cái rét căm căm. Ảnh: Ngôi Sao.

Bức thư được chia sẻ khá nhiều trên các trang mạng khi đề tài Sapa mùa tuyết rơi vẫn còn nóng hổi và gây nhiều tranh cãi. Lá thư khiến nhiều người đọc băn khoăn suy nghĩ: một số bạn trẻ vui mừng trước cảnh tuyết rơi ở Sapa đáng bị lên án gay gắt, hay thực tế là một bộ phận người Việt đang dần tỏ ra phán xét, chỉ trích trước những cảm xúc bình thường, nhất thời của con người?

Nhiều bạn trẻ cho rằng, không ít người Việt đang rơi vào hội chứng “thương vay, khóc mướn” và sa đà vào việc phán xét người khác, ngay cả trong những chuyện nhỏ nhặt như bày tỏ cảm xúc trước một cảnh đẹp hiếm có.

“Chuyện một số bạn trẻ thích được ngắm tuyết rơi và mong muốn lên Sapa để ngắm tuyết, dạo chơi là chuyện dễ hiểu. Ở Việt Nam, tuyết rơi chỉ 1, 2 lần trong năm và không phải ở đâu cũng có tuyết, nên việc giới trẻ thích thú không có gì đáng phải chê trách. Thay vào đó, tại sao không kêu gọi cộng đồng quyên góp cho trẻ em, người dân Sapa, mà lại ngồi gõ bàn phím bày tỏ thương xót”, Hồng Quyên, ĐH Ngoại thương TP HCM bức xúc.

Trẻ con ở Sapa cười toe quanh các con đường phủ tuyết. Ảnh: Tạp chí Guu.vn
Trẻ con ở Sapa cười toe quanh các con đường phủ tuyết. Ảnh: Tạp chí Guu.vn.

Nhiều người cũng nhìn nhận sự việc ở khía cạnh: tuyết rơi là hiện tượng thiên nhiên, là điều có muốn hoặc không cũng chẳng đừng được, nên mọi chuyện chỉ trích hay ủng hộ xoay quanh việc lên Sapa ngắm tuyết rơi đều là vô nghĩa, và mọi chuyện luôn có hai mặt của nó.

Một số ý kiến phân tích mặt tích cực ở khía cạnh du lịch, cho rằng việc đông đảo khách du lịch kéo nhau lên Sapa mùa này càng giúp người dân có thêm công việc làm ăn, tạo nguồn thu. “Thực tế là người dân Sapa đang giàu lên nhờ du lịch, vì vậy đừng chỉ trích những người có thể gián tiếp giúp người khác mưu sinh. Việc giới trẻ thích ngắm tuyết rơi và những người dân đang co ro vì lạnh là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Từ lúc nào, chúng ta đang bị trói buộc bởi căn bệnh “đạo đức giả” vậy?”, Hoàng Thiên, ĐH Bách khoa bình luận.

Một bạn đọc chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tuyết rơi dày ở Sapa, trẻ con Sapa được lăn trong tuyết và nặn người tuyết. Các em bé thích lắm đó chứ! Đâu phải cứ khen tuyết đẹp là vô tâm với các em?"

Nhiều bạn trẻ cho rằng, việc lên án những bạn trẻ thích lên Sapa ngắm tuyết chỉ cho thấy khả năng nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện của một bộ phận người Việt. “Ở một lúc nào khác, người ta đang chuyên chở những thùng mỳ tôm cho các đồng bào bị lũ lụt, hay quyên góp cho các em bé Tây Bắc đói rách. Một người thích thú vỗ tay tán thưởng khi tuyết rơi, thì cũng có thể rơi nước mắt trước một em bé Sapa ốm đói, chân trần lắm chứ? Vậy, tại sao lại quy chụp người ta là vô cảm, khi cảm xúc con người là muôn hình vạn trạng”, Trang Leo lên tiếng.

Sapa mùa tuyết rơi lại khiến giới trẻ Việt gây nên những tranh cãi không đáng. Ảnh: VnExpress
Sapa mùa tuyết rơi lại khiến giới trẻ Việt gây nên những tranh cãi không đáng. Ảnh: VnExpress.

Lên án hội chứng thích phán xét, quy chụp vấn đề của một bộ phận giới trẻ, nhiều bạn trẻ cũng đề cập đến chuyện bắn pháo hoa hằng năm. Trước đây từng có ý kiến đề xuất bỏ bắn pháo hoa vì phí phạm và nên dùng số tiền đó để cứu giúp người nghèo. Ý kiến này từng tạo nên những tranh luận dữ dội.

“Người nghèo cũng có nhu cầu được giải trí, vui chơi, nên việc xót thương không đúng chỗ chỉ khiến tất cả mọi người đều khổ sở như nhau mà thôi. Đừng lấy những quy chuẩn về đạo đức ra để cướp lấy những hạnh phúc nhỏ nhặt của người khác, khi niềm vui của người này không khiến người khác buồn bã hơn”, Hoàng Linh, ĐH KHXH&NV bày tỏ.

Bác Thanh, 60 tuổi, một công nhân in sách đã về hưu, nhà ở xóm lao động nghèo quận 4 bộc bạch: "Tui nghèo thì nghèo thiệt nhưng Tết đến tui cũng muốn dẫn vợ con đi ngắm pháo hoa. Tui cũng thích đường phố chỗ này chỗ nọ treo đèn xanh đỏ đẹp đẽ. Nghe Sapa có tuyết rơi, con tui nó cuồng lên, khóc lóc đòi đi xem cho bằng được. Vợ tui cũng muốn được ngó tuyết một lần trong đời cho biết. Bà con có thể thương người nghèo như chúng tui nhưng làm ơn đừng thương hại!".

Theo Ione/Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG