Loạt phiên bản 'Anh không đòi quà' tiếp tục bị 'ném đá'

Loạt phiên bản 'Anh không đòi quà' tiếp tục bị 'ném đá'
Một nhóm tác giả bị chỉ trích vì lôi kéo em nhỏ đóng video, cùng nhiều phiên bản phản cảm khác của cơn sốt 'Anh không đòi quà'.

Sau loạt video chế lại từ MV của Only C và Karik, trào lưu làm video Anh không đòi quà tiếp tục được nở rộ khi nhiều nhóm bạn trẻ đua nhau thực hiện các phiên bản ấn tượng với diễn xuất hài hước, tếu táo. Kèm theo đó, không ít “dị bản” Anh không đòi quà gây phẫn nộ với các ý tưởng nhí nhố và cách dàn dựng kệch cỡm. Mới đây, phiên bản video được quay tại Buôn Mê Thuột với sự tham gia của hai nam thanh niên và một bé gái nhận phải nhiều sự chỉ trích gay gắt.

Trong video, cũng với mô tip một chàng trai vừa đi vừa hát, chàng kia nhặt đồ, và một cô gái vừa đi vừa cởi quần áo, song điều gây bức xúc là việc nhóm tác giả lựa chọn nhân vật nữ chính là một cô bé 4, 5 tuổi. Ban đầu, bé gái xuất hiện trong trang phục váy hoa xinh xắn, tay ôm một chú gấu bông.

Càng về cuối video, người xem càng phát hoảng với những màn tháo bỏ trang phục một cách tự tin của bé. Hai chàng trai đi bên cạnh cũng phụ họa bằng những động tác hoan hô, tán thưởng khiến video thêm phần phản cảm.

Những hình ảnh hậu trường sau đó cũng cho thấy bé gái hoàn toàn được hướng dẫn diễn xuất từ nhóm bạn trẻ. Chỉ sau vài ngày đăng tải, video nhận được hàng trăm nghìn lượt truy cập, song đa số phản ứng của người xem là những lời “ném đá”, cho rằng nhóm tác giả quá liều lĩnh khi sử dụng diễn viên nhí trong một video đóng mác 18+ như trên.

Loạt phiên bản chế phản cảm gây bức xúc của 'Anh không đòi quà'. Ảnh chụp màn hình
Loạt phiên bản chế phản cảm gây bức xúc của 'Anh không đòi quà'. Ảnh chụp màn hình.

Đông đảo bạn trẻ bình luận, nhóm tác giả đã chỉ nghĩ tới việc câu view, gây ấn tượng với người xem mà vô tình lôi kéo bé gái vào một màn kịch lố lăng. Thậm chí, nếu video được thực hiện mà chưa có sự cho phép từ phụ huynh của cô bé, nhóm bạn trẻ có thể phải đối mặt với việc bị tố cáo trước pháp luật.

“Bài hát Anh không đòi quà của Karik có giai điệu bắt tai, ca từ cũng không quá phản cảm. Nhưng càng ngày càng thấy vụ làm video ăn theo trở nên nhàm chán, lố bịch. Đến video này lại lôi cả con nít vào thì thật chẳng ra làm sao”, nick Thu Rubik lên tiếng.

Trước đó, hàng loạt video nhái theo MV Anh không đòi quà cũng khiến cơn sốt “chế” lây lan ở giới trẻ của nhiều tỉnh thành, từ Vũng Tàu đến Nha Trang, Gia Lai, Vĩnh Phúc hay mới đây là Nam Định. Dù “chế” lại khá nhiều, song ý tưởng đa phần các video này đều không khác gì so với bản gốc: những màn vừa đi vừa cởi đồ bên cạnh một chàng ca sĩ, còn một chàng rapper đi phía sau nhặt đồ.

Nhiều cô gái không ngại cởi đồ mặc người xung quanh dòm ngó. Ảnh chụp màn hình
Nhiều cô gái không ngại cởi đồ mặc người xung quanh dòm ngó. Ảnh chụp màn hình.

Những màn tháo bỏ quần áo tại trận của các cô gái trong video, bất chấp sự dòm ngó của người dân đi đường cốt để khoe thân phản cảm khiến không ít người xem phải chau mày. Những cô gái đồng thời là thành viên tham gia thực hiện video còn lồng tên, địa chỉ trang cá nhân vào thông tin đính kèm như một cách để tự tin khoe ngoại hình và quảng bá tên tuổi. Dưới mỗi video như thế là những lượt bình phẩm, khen chê ngoại hình, biến trào lưu chế video thành những màn catwalk tênh hênh ngoài đường phố để dân tình “chấm điểm”.

Mới đây, sự việc nhóm quay video Anh không đòi quà tại Cần Thơ bị Công an phường Hưng Phú, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) lập hồ sơ xử lý nhận được nhiều đồng tình của dư luận. Trước đó, 7 bạn trẻ trong nhóm đã tổ chức quay hoạt cảnh cho bài hát "Anh không đòi quà" ở khu dân cư Hưng Phú 1. Nhân vật chính là cô gái đội nón đỏ, tóc nhuộm vàng bị 2 thanh niên bám theo.

Gần cuối đường, cô gái lột hết quần áo vứt xuống đường, chỉ còn mặc mỗi bộ đồ lót, và trèo lên xe đạp để chàng trai chở đi. Mặc dù thừa nhận sai sót vì hành vi quá lố, song sau khi được thả, nhóm này vẫn tiếp tục đăng video lên mạng.

Ekip quay ở Cần Thơ bị công an xử lý. Ảnh chụp màn hình
Ekip quay ở Cần Thơ bị công an xử lý. Ảnh chụp màn hình.

Trào lưu thực hiện parody (video nhái) khá thịnh hành ở nước ngoài, và hầu hết các sản phẩm khi được tung lên Internet đều phải trải qua quá trình biên tập công phu, với kịch bản sáng tạo, hài hước để tránh rập khuôn với phiên bản gốc. Tuy nhiên, phong trào làm parody của một bộ phận giới trẻ Việt đang bị cho là chạy theo trào lưu, cốt để gây chú ý với những sản phẩm ăn liền và ít thể hiện chất xám đầu tư ý tưởng.

Việc ra đời liên tiếp những video kém chất lượng khiến các nhóm tác giả nhanh chóng bị chỉ trích, hoặc rơi vào quên lãng vì không đọng lại nhiều ấn tượng ngoài sự phản cảm, lố bịch.

Theo Ione

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG