Lớp ca trù toàn ả đào 9X

Lớp ca trù toàn ả đào 9X
Chiều chủ nhật hàng tuần, tiếng phách, trống, đàn cùng tiếng hát của các cô đầu ở độ tuổi 10-19 tuổi lại vang lên trong ngôi nhà ngói của danh ca Nguyễn Thị Chúc (83 tuổi) ở thôn Ngãi Cầu, Hoài Đức, Hà Nội.

Lớp ca trù toàn ả đào 9X

> Tân Nhàn yếm đào xuống phố
> Nghệ nhân chờ nghị định?

Chiều chủ nhật hàng tuần, tiếng phách, trống, đàn cùng tiếng hát của các cô đầu ở độ tuổi 10-19 tuổi lại vang lên trong ngôi nhà ngói của danh ca Nguyễn Thị Chúc (83 tuổi) ở thôn Ngãi Cầu, Hoài Đức, Hà Nội.

Con cháu cụ Chúc quây quần bên cụ học hát vào chiều chủ nhật hàng tuần. Các ca nương say sưa luyện tập suốt 4 tiếng đồng hồ. Ảnh: Bình Minh
Con cháu cụ Chúc quây quần bên cụ học hát vào chiều chủ nhật hàng tuần. Các ca nương say sưa luyện tập suốt 4 tiếng đồng hồ. Ảnh: Bình Minh.

Suốt 7 năm qua, lớp học đặc biệt của cụ Chúc diễn ra đều đặn trong ngôi nhà nhỏ này chỉ với 2-3 học trò. Quây quần bên ấm trà nóng, đĩa bánh nướng trên chiếu hát giữa nhà, 4 ca nương trẻ thay nhau cất giọng. Trên tay họ, 3 thẻ phách gõ lách cách xuống một thanh tre đặc tạo nên thanh âm vui tai. Vây quanh các ả đào là đám em nhỏ 9-10 tuổi ngồi nghe say sưa và thỉnh thoảng lẩm nhẩm theo lời bài hát. Ở mỗi câu hát hay, cụ Chúc gõ một tiếng "chát" bên hông chiếc trống nhỏ như để khen ngợi, hưởng ứng. Vừa gõ trống, cụ vừa chỉnh sửa, uốn nắn từng câu hát cho các ca nương rồi cùng hòa giọng cho đỡ nhớ nghề.

Ở tuổi ngoại bát thập, danh ca từng làm say đắm bao tao nhân mặc khách một thời vẫn giữ được chất giọng trong, nguyên chất ca trù. Cặp kính lão to bản của bà gật gù tâm đắc mỗi lần thưởng thức một làn điệu do học trò của mình thể hiện. Trong số 4 ca nương đến lớp học hôm nay, một nửa là con cháu của cụ Chúc.

Cháu chắt nội của cụ Chúc, Đặng Thị Hường (19 tuổi) và Nguyễn Nhung (17 tuổi) đã theo học ca trù được 7 năm nay. Hiện Nhung học văn hóa ở trường THPT Hoài Đức B và hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, còn Hường là sinh viên năm nhất của ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Hàng tuần, cả hai vẫn đều đặn biểu diễn ca trù phục vụ khách ở căn nhà cổ trên phố Mã Mây, Hà Nội.

Bài học đầu tiên các ả đào được dạy là gõ 5 khổ phách. Ảnh: Bình Minh
Bài học đầu tiên các ả đào được dạy là gõ 5 khổ phách. Ảnh: Bình Minh.

10 tuổi, hai cô bé bắt đầu học hát. Một lần được xem cụ biểu diễn ở hội làng, Nhung và Hường bị hút hồn bởi tiếng phách chắc, nảy cùng tiếng hát trong vắt. Ngay hôm sau, Nhung và dì Hường dắt nhau tới nhà cụ "tầm sư học đạo". Trong ký ức của mình, Nhung còn nhớ như in buổi học đầu tiên. Bên ánh đèn dầu leo lét lúc xẩm tối, hai dì cháu ngồi đối diện với cụ Chúc. Là con cháu trong nhà nhưng trước khi chính thức được nhận, cả Nhung và Hường đều phải qua vòng thử giọng. Cụ hát mẫu trước một câu rồi yêu cầu các cháu dùng giọng thật, không hát giọng gió, cả hai hát theo, thấy giọng ổn mới gật đầu.

Hai ả đào trẻ chia sẻ, lúc học, cụ Chúc thường kể cho cháu gái nghe, ngày xưa cụ hay đi hát ở phố Khâm Thiên. Các nhà trò mời cô đào, kép đàn đến còn quan viên là khách nhưng bây giờ quan viên là người trong nhóm hát. Khách nghe thấy hay sẽ ném thẻ gọi là trù xuống chậu vì thế mà gọi là ca trù hay hát thẻ. Trên thẻ trù có ghi mệnh giá tiền. Hết buổi, ca nương sẽ đem thẻ đi đổi tiền. Ca nương nào được càng nhiều thẻ thì nhận nhiều tiền và chứng tỏ hát hay.

Nhắc đến những ngày đầu mới làm quen với ca trù, hai cô đầu nhăn nhó kêu "khó lắm". Nhung tâm sự, đã rất nhiều lần muốn bỏ cuộc nhưng sau đó được cụ và mẹ động viên, cô lại tiếp tục cố gắng.

"Mới đầu, em không nghe được đàn nên hát bị chênh. Nhiều lần như thế, em bực mình phát khóc. Sau đó, năm lớp 8 em thi vào nhạc viện, hiểu nhạc lý nên mới khắc phục được điểm yếu này", Nhung nói.

Bài học đầu tiên cụ Chúc dạy cho các cháu là gõ 5 khổ phách. Hai cô bé được yêu cầu phải gõ đủ, đúng vào câu hát trong bài. Khó nhất ở bài học này là nẩy phách bởi lúc đầu tập, Nhung và Hường cầm phách gượng gạo, chỉ gõ được tiếng đơn mà chưa gõ được tiếng kép. Để tập luyện, hai dì cháu mua tre về chẻ ra làm phách học gõ ở nhà. 3 buổi tối trong tuần, cả hai lại chạy sang nhà cụ học phách, học hát rồi mới ghép phách.

Nhung đến với ca trù không chỉ bởi gia đình có nghề mà còn muốn gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống. Ảnh: Bình Minh
Nhung đến với ca trù không chỉ bởi gia đình có nghề mà còn muốn gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống. Ảnh: Bình Minh.

Theo Nhung, cụ Chúc hát kiểu nhẹ nhàng, sâu lắng, không gân guốc nhưng khó bắt chước được cụ. Câu hát vắt xuống hay vắt lên phải đúng như cụ, hát sai sẽ bị cụ chỉnh. Ngày mới học, cả hai bị chỉnh từng câu, từng chữ nhưng giờ, chỉ chỗ nào quên, hai cô mới phải hỏi lại cụ. Nhiều lần nghe cụ hát, Nhung và Hường cũng có thể đoán được câu trước vắt lên hay vắt xuống.

Hai ca nương cho hay cụ ghi lời bài hát ra giấy cho các cháu học. Lời bài hát khó hiểu, khó đọc nên Nhung và Hường thường cố thuộc mà chẳng hiểu nghĩa, chỉ hát theo bản năng. Hát xong cụ nói ý nghĩa bài hát, hai cô mới vỡ ra.

"Cụ bảo có cô đào nhỏ được ông này thích nhưng lúc lớn lên, cô ấy lại chê ông đó già. Cụ nói qua như thế để mình cảm thụ và hát có hồn hơn. Bây giờ chúng em chỉ cần một tuần là hát được nhưng khi ấy phải mất 2-3 tháng", Nhung nhớ lại.

Ca nương 17 tuổi tâm sự, không phải ả đào nào cũng chơi được cả phách, trống và đàn. Trên chiếu hát, ca nương là tâm điểm thu hút sự chú ý của người nghe nhưng thực tế họ chỉ là học trò của kép đàn. Với Nhung, cô học thêm đàn tỳ bà ở Học viện Âm nhạc, còn trống học lỏm mỗi lần ngồi nghe cụ gõ. Để khỏi quên, sau mỗi buổi học, cô mang đàn, phách về nhà cùng ngồi hát với mẹ. Hiện tại, Nhung và Hường đã có thể hát được vài chục làn điệu như hát nói, bắc phản, tỳ bà, xẩm… Mỗi làn điệu có nét đặc trưng và độ khó khác nhau, trong đó khó nhất là cung bắc, tỳ bà.

Khi đã biết hát, Nhung và Hường hay được cụ dẫn theo cùng trong mỗi lần được mời biểu diễn. Ngày còn nhỏ, bạn bè của Nhung và Hường hay trêu hai cô "dở hơi" đi học hát "ỉ a ỉ ơi, chẳng ra thế nào". Lý giải cho điều này, Nhung chia sẻ, mỗi người có sở thích riêng và cô yêu thích ca trù không chỉ bởi gia đình có nghề mà còn muốn gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống này.

Hương (ngoài cùng bên trái) và Hường (ngoài cùng bên phải) biểu diễn ca trù tại ngôi nhà cổ trên phố Mã Mây, Hà Nội. Ảnh: Facebook câu lạc bộ ca trù Thăng Long
Hương (ngoài cùng bên trái) và Hường (ngoài cùng bên phải) biểu diễn ca trù tại ngôi nhà cổ trên phố Mã Mây, Hà Nội. Ảnh: Facebook câu lạc bộ ca trù Thăng Long.

Cô gái trẻ thừa nhận, "biết hát ca trù rất lợi thế khi đi thi ở trường". Trong các cuộc thi tài năng, Nhung thường giành được giải đặc biệt. Đến giờ, thầy cô và bạn bè trong trường đều ủng hộ Nhung mỗi lần cô xuất hiện trên sân khấu. Hôm nào không xuống học cụ, cô nàng lại cảm thấy nhớ tiếng "i, ư".

Khác với Nhung và Hường, Đặng Linh Hương (17 tuổi) tuy không phải con nhà nòi nhưng cuối tuần vẫn vượt vài chục cây số cùng bố xuống nhà cụ Chúc học đàn, hát. Chị của Hương, ca nương Đặng Thị Huệ, vốn là đệ tử chân truyền của cụ Chúc. Ngày còn nhỏ, Hương được bố mẹ đưa đi học hát, múa ở cung văn hóa cho vui. Sau, gia đình muốn con học một môn nghệ thuật nào đó, lại sẵn có chị gái theo đuổi ca trù, Hương đến với môn hát thẻ này từ đó. Lúc mới nghe thấy "buồn cười", lạ lẫm nhưng càng học, những làn điệu ca trù ngấm dần khiến cô gái gốc Nam Định càng thêm gắn bó.

"Ca trù tĩnh, sâu sắc, ngấm rồi mới thấy hay. Không gian hát mang đậm hồn Việt nên lúc hát, em thấy tâm hồn thư thái", Hương nói.

Ban đầu, Hương học chị gái nhưng sau vì bận học văn hóa nên không hát được thường xuyên. Sau này, cô đầu ấy được gửi xuống nhà cụ Chúc sinh hoạt trong lớp gồm các bạn cùng lứa. Hương thừa nhận, giọng mình không thuộc dạng xuất sắc nên phải thường luyện tập kỹ thuật lấy hơi. Ở nhà, ả đào này có bài tập là cúi đầu lúc ngồi hát để âm khỏe và dầy.

Hương cho biết, lúc hát, không lấy hơi từ cổ họng mà từ dưới bụng lên mới sâu. Lúc trước quen hát nhạc mới, giờ chuyển sang kiểu cổ nên bản thân Hương thấy rất khó. Ngoài luyện lấy hơi, ca nương trên còn phải tập nẩy và ém hơi. Mỗi lần nghe băng cụ Chúc hát, Hương đều "choáng" vì nghệ nhân nẩy và ngân nga rất nhiều.

Thích ca trù nhưng Linh Hương tâm sự sau này chỉ xem công việc biểu diễn như một nghề phụ bởi theo cô, ca trù không nhiều đất diễn và bấp bênh. Năm tới, cô dự định sẽ thi vào trường mỹ thuật theo nghề vẽ của bố.

Ca trù là môn nghệ thuật lâu đời, sang trọng, tao nhã và kén người nghe. Trước đây, ca trù vốn chỉ được truyền cho những người trong dòng tộc nhưng nay, để bảo tồn văn hóa truyền thống, các danh ca như cụ Nguyễn Thị Chúc đã cởi mở dạy cho người ngoài, miễn học trò ấy phải có tài và tâm.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống ca trù, nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc học hát từ năm lên 9 tuổi. Thời ông bà, cha mẹ cụ thường được mời tới hát cho các quan nghe. Năm 12 tuổi, cụ bắt đầu cùng cha mẹ biểu diễn ở đình. Đi hát từ nhỏ lại được rèn luyện thường xuyên nên cô đào Nguyễn Thị Chúc ngày nào sớm lĩnh hội được những kỹ thuật khó của ca trù.

Theo cụ Chúc, cụ bắt đầu lớp học ca trù này từ năm 2006. Các ca nương chủ yếu là con cháu trong nhà. Ca nương già tâm sự, nhiều người ngoài thích học nhưng do nóng vôị nên chỉ theo được vài buổi. Chỉ vào Nhung và Hường đang ca, cụ Chúc chia sẻ: "Hai đứa ấy học đã 7-8 năm nay mà giờ mới ca được thế này, mười phần mới chỉ được chín rưỡi".

Theo cụ, xét về khuôn khổ, mẫu mực, các cô đầu trẻ ấy hát khiến người trong nghề "không chê được", tuy nhiên để hay, cần thời gian và sự trải nghiệm. Cụ Chúc cho biết thêm, nghe ca trù phải hiểu lời bài hát, nếu không sẽ không thích.

"Lời bài hát của các cụ ngày xưa cao siêu, sâu xa, nghe hay lắm. Vậy nên bây giờ mà bỏ thì tiếc", danh ca tâm sự.

Video biểu diễn của các ả đào 9x, 10x:

Theo Bình Minh
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG