Lớp học ‘quay lưng’

Lớp học ‘quay lưng’
Cô giáo Đỗ Thị Hà, chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học điểm ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú (Bình Phước) cho tôi biết: “Đây là điểm 1, thế anh đã vào điểm 2 với 61 hộ dân chưa? Thầy Thanh và cô Hiếu đang dạy học ở trong đó.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu hướng dẫn cho các cháu mầm non vẽ hình
Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu hướng dẫn cho các cháu mầm non vẽ hình.

Từ ngã ba Thạch Màng, anh chạy vào chừng 6 cây số sẽ tới khu tái định cư 61 hộ dân. Học sinh 100% các cháu đều là người dân tộc thiểu số. Nhà báo vào đó sẽ có khối cái để viết”. Tôi vội vã cảm ơn cô giáo Hà, hẹn 9 giờ sáng mai sẽ quay lại Thạch Màng...

Học trong nhà dân

Điểm dạy học của các thầy, cô giáo tại khu dân cư 61 hộ dân chỉ là cái nhà đậu xe của một người chủ miền Tây lên đây lập nghiệp. Mặt ngoài lớp học được căng bạt để tránh mưa, nắng hắt vào. Số bàn ghế, bảng đen đều do tập thể giáo viên chuyển từ ngoài điểm chính (Trường Tiểu học Tân Lợi) đem vào đây phải mất hai ngày trời.

Thầy Võ Chí Thanh (35 tuổi), quê Hà Tĩnh, nhà ở xã Tân Lợi có vợ cũng giáo viên đang dạy ngoài điểm chính hai buổi đi, về trên 50 cây số. Có những ngày mưa to cầu bị ngập, nhìn dòng suối nước chảy xiết, thầy Thanh tìm mọi cách để qua cầu vẫn không được đành phải quay lại đi vòng từ hướng thị xã Đồng Xoài vào đến điểm dạy thì đã 9 giờ.

Thấy các em học sinh vẫn ngồi nãy giờ chờ trông thầy vào, thầy Thanh bồi hồi không cầm được nước mắt. Các em học sinh người dân tộc là vậy, tuy vốn hiểu biết có phần kém hơn so với các em học sinh người Kinh, nhưng tình cảm yêu mến của các em đối với thầy cô là rất thật. Đơn giản các em thấy hàng ngày, dù mưa gió gì thầy cô vẫn đều đặn vào lớp với các em, với vùng đất nghèo.

Khi gặp chúng tôi, thầy Thanh đang cho 8 em học sinh trong lớp làm Toán và học Tiếng Việt. Thầy cho biết, thầy dạy lớp ghép hai trình độ: Lớp 4 có 4 em và lớp 5 có 4 em. Thầy giải thích, với hình thức dạy lớp ghép, ví dụ một lớp học Tiếng Việt thì lớp còn lại “quay lưng” làm bài tập Toán.

Học sinh ở đây chỉ có một em người dân tộc Ê Đê, còn lại đều dân tộc S’Tiêng. Gia đình các em đều nghèo, khó khăn. Ngoài đất được cấp sản xuất, được xây nhà ở, họ cũng phải đi làm mướn thêm mới đủ sống. Ở đây các thầy cô giáo vừa dạy học vừa làm công tác dân vận.

Cụ thể như đi vận động từng nhà số con em đủ tuổi đến trường. Nhiều phụ huynh không quan tâm mấy đến việc học hành của con em mình. Có người còn trả lời “Mình không có tiền cho chúng nó đi học.

Mà học để làm gì, như mình có học được chữ nào đâu vẫn biết làm rẫy, biết chạy xe, biết đi làm mướn…”. Công tác phối hợp với từng phụ huynh gặp không ít khó khăn. Các em tự đi học và tự về. Có em nhà cách xa điểm học từ 5 - 6 cây số, gặp mưa gió, thầy cô cũng phải đưa các em về. Có em cha mẹ đi làm sớm, tối mịt mới về đến nhà.

Ấm áp tình thương

Cái nhà để xe được gọi là “trường học”, chính giữa ngăn tấm bạt phân làm hai. Từ ngoài vào lớp mầm non của cô giáo Nguyễn Thị Hiếu (27 tuổi), cô chưa có gia đình. Nhà cô Hiếu ở mãi tận thị trấn Tân Phú (Đồng Phú). Đối với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hiếu còn có nhiều nét đặc biệt hơn.

Thầy Võ Chí Thanh đang cho 4 em lớp 4 làm bài tập toán và 4 em lớp 5 học tiếng Việt
Thầy Võ Chí Thanh đang cho 4 em lớp 4 làm bài tập toán và 4 em lớp 5 học tiếng Việt.

Lớp mầm non của cô gồm có ba độ tuổi. Tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm ra, cô Hiếu tình nguyện đến với vùng sâu, vùng xa. Những ngày đầu vào đây cô phải đi từng nhà năn nỉ, giải thích từng phụ huynh mới đồng ý cho các cháu đến lớp. Khi các cháu đi học rồi, việc sắm sửa sách vở, bảng đen, phấn trắng… thậm chí cả áo quần mang đi học, cô Hiếu cũng phải tự lo liệu lấy. Khó khăn ở đây không thể kể hết thành lời.

Thương các em, thầy cô giáo ở đây chấp nhận tất cả. “Những ngày không thấy các cháu đến học, em phải vào nhà phụ huynh để chở các cháu ra. Nhiều lần trở về không, em buồn lắm! Cha mẹ mang các em theo lên nương rẫy. Rồi những lúc hay tin các cháu bị ốm, em lại mua quà, chạy đi mua thuốc cho các cháu uống.

Cứ mỗi lần về nhà ở thị trấn Tân Phú hay lên mấy đứa bạn ở thị xã Đồng Xoài chơi, em lại xin áo quần, sách vở, đồ chơi, dụng cụ học tập mang vào cho các cháu mầm non ở đây. Các cháu có áo quần mặc, có sách vở, đồ chơi là các em rất mừng. Có điều các cháu không biết tiếng Kinh nhiều, đến lớp các cháu trò chuyện bằng tiếng dân tộc”, cô Hiếu tâm sự.

Chị Thị Ry (25 tuổi) người dân tộc S’Tiêng nhà gần bên cho biết: “Mình có con gái học mầm non ở lớp cô Hiếu. Thầy cô giáo ở đây tốt lắm, hiền lắm! Các thầy cô coi học sinh như con cháu của mình. Những ngày mưa gió thầy cô từ xa vẫn lặn lội vào đây dạy cho các em biết từng cái chữ. Dân ở đây thương các thầy cô như người nhà”.

Thầy Thanh mở yên xe hon đa lấy ra một bọc áo quần chừng 10 bộ, còn tương đối mới. Thầy “khoe” với tôi: “Chủ nhật vừa rồi em đi xin gia đình mấy người bạn được số áo quần vào cho phụ huynh các cháu mặc đi làm…”.

Ngoài thầy giáo Thanh và cô Hiếu ra còn có cô giáo Nguyễn Thị Mai Thương, cô giáo Nguyễn Thị Huyền Phương. Các cô đều ở thị trấn Tân Phú, bao năm gắn bó với các em học sinh ở điểm 61 hộ dân.

Cũng như thầy Thanh và cô Hiếu, cô Thương và cô Phương cũng có nhiều kỷ niệm khó quên khi mùa mưa qua con suối nước chảy xiết phải quay vòng trở lại đường Thị xã Đồng Xoài. Cốt sao để vào được với các em, không thì các em ngồi chờ đến khi nào gặp được thầy cô giáo mới thôi.

Theo Giáo dục thời đại

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG