Muốn chém gió cũng phải nghĩ

Muốn chém gió cũng phải nghĩ
TP - Nói mà không làm, nói sáo rỗng, nói quá sự thật - giới trẻ bây giờ gọi là "chém gió"!

> Ảo - thực, hai cực chém gió
> Các thủ lĩnh Đoàn nói gì về vấn đề thần tượng?

Chị Nguyễn Thị Quý Phương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Báo chí và Truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói tại hội nghị ban chấp hành T.Ư Đoàn mới đây rằng, cần đổi mới ngôn ngữ diễn đạt trong từng chương trình, phong trào của Đoàn theo hướng đời sống, gần gũi với người trẻ, không nên sử dụng ngôn ngữ văn bản chỉ những người trong hệ thống mới hiểu!

Bên lề hội nghị, một số đại biểu là bí thư các tỉnh, thành Đoàn cũng cho rằng, cán bộ Đoàn cần thay đổi cách nói, cách viết.

Giờ giải lao hội nghị, một nữ bí thư tỉnh Đoàn kể lại một chuyện cười ra nước mắt!

Một lần chị dự hội nghị cấp huyện. Trong khi chị phát biểu triển khai một số nhiệm vụ đối với huyện Đoàn thì ở ghế chủ tọa, bí thư huyện Đoàn như con loăng quăng, chạy đến rỉ tai người này chỉ đạo, đứng dậy chỉ tay về phía người kia ra lệnh lên trao đổi, rồi vắt chân cầm điện thoại nhắn tin.?

Chị vừa phát biểu vừa quan sát. Bài phát biểu của chị là do văn phòng huyện Đoàn soạn trước. Tuy nhiên, chị không nói theo "giáo án". Kết thúc phần phát biểu của chị, bí thư huyện Đoàn trịnh trọng bước lên bục "tiếp thu ý kiến của cấp trên".

Anh ta cúi đầu đọc văn bản liền một mạch với những câu chữ xa lạ. Ở dưới hội trường mọi người cười nghiêng ngả. "Mình phát biểu cần nhân rộng mô hình CLB giúp những người lầm lỡ, thì bí thư huyện Đoàn "nghiêm túc tiếp thu và sẽ triển khai sâu rộng mô hình nuôi rắn". Không đỡ được", nữ bí thư tỉnh Đoàn nói.

Một chuyện khác. Sếp gặp nhân viên hỏi: "Quê ở đâu?". Nhân viên trả lời: "Quê em ở tỉnh X.". Sếp nói: "Tỉnh X à? Tốt". Lại hỏi: "Bố mẹ khỏe không?". Nhân viên: "Bố em mất rồi ạ".

Sếp cúi đầu đọc văn bản trên bàn làm việc và tiếp tục: "Ừ, tốt, tốt. Mất là tốt". Chuyện có thể có hoặc không trên thực tế, nhưng dư luận vẫn truyền miệng với nhiều dị bản để phê phán cái sự quan cách, vô cảm: Hỏi một chiều, trả lời một chiều, giao tiếp một chiều...

Cũng như một số người, cứ phát biểu là "tăng cường", "đẩy mạnh", "phối kết hợp", "thanh kiểm tra"... Nói cho sướng, nói cho xong, nói cho giống cán bộ, quan chức vậy, chứ chả quan tâm "tăng cường đến đâu", "đẩy mạnh thế nào"!

Nói có cảm xúc khác với nói vô hồn; nói có trách nhiệm khác với nói lấp liếm; nói thẳng thắn khác với vòng quanh; nói để triển khai công việc khác với nói để trình diễn "nhả ngọc, phun châu" ...

Thay đổi cách diễn đạt là thay đổi cách tiếp cận. Thay đổi cách tiếp cận là thay đổi kết quả trên thực tế. Cuộc sống ngoài cánh cửa hội nghị đang hầm hập thay đổi từng giờ, nếu cán bộ Đoàn cứ nói những điều "muôn năm cũ" liệu có thu hẹp được khoảng cách và trở thành bạn đồng hành của thanh niên không?

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trong phần kết luận hội nghị ban chấp hành T.Ư Đoàn lần 2 với nhiều nội dung quan trọng, cũng đã nhấn mạnh, cán bộ Đoàn cần nêu cao tính hành động, nói ít làm nhiều; nói ngắn, giảm bớt kiểu nói hô hào, khẩu hiệu. Nói mà không làm thì chẳng có gì thay đổi cả...

Thông điệp hành động của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X đã được cụ thể bằng những chương trình và sẽ triển khai sâu, rộng trên thực tế. Tới đây, ai muốn chém gió chắc cũng phải nghĩ!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG