Năm 2013: Học sinh Việt Nam tỏa sáng khắp thế giới

Năm 2013: Học sinh Việt Nam tỏa sáng khắp thế giới
Năm 2013, niềm vui ngành giáo dục đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế đoạt giải cao, kết quả xếp hạng PISA học sinh VN đứng thứ 17 thế giới, gương sáng thủ khoa nghèo vượt khó...

Tại kỳ thi Olympic Toán học năm nay, cả 6 thí sinh của Việt Nam đều xuất sắc đoạt giải, trong đó có 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và xếp thứ 7/79 đoàn tham gia, tăng 2 bậc so với năm 2012.

Đôi thi toán quốc tế đạt thành tích cao
Đôi thi toán quốc tế đạt thành tích cao.

Cụ thể, 3 Huy chương Vàng thuộc về các em: Võ Anh Đức (học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), Phạm Tuấn Huy (học sinh lớp 11, Trường PHPT Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP HCM), Cấn Trần Thành Trung (học sinh lớp 12, Trường THPT Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP HCM).

Huy chương Bạc thuộc về các em: Đinh Lê Công (học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên, thuộc Trường ĐH Vinh); Trần Đăng Phúc (học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và em Hoàng Đỗ Kiên (học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc).

7 học sinh giành huy chương vàng Olympic Quốc tế Toán, Vật lý và Tin học châu Á được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen.

Thành tích của đội tuyển đoàn Việt Nam đoạt giải cao ở kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm nay, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của tuổi trẻ Việt Nam, cũng như sự phát triển của nền Toán học nước nhà; sự kết tinh của quá trình phấn đầu không mệt mỏi của các em, đặc biệt là sự dẫn dắt cũng như tài năng của các thầy cô giáo.

Kết quả xếp hạng PISA cao

Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế (OECD), Việt Nam xếp hạng 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết quả ở từng môn cho thấy, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), xếp thứ 17 về môn Toán (511 điểm) và xếp thứ 19 về môn Đọc hiểu (508 điểm). Lần đầu tiên Việt Nam tham gia chương trình đánh giá này vào năm 2012. Chúng ta là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 65 nước nhưng chất lượng gây bất ngờ cho cả thế giới.

Trong quá trình chuẩn bị về số liệu học sinh, danh sách các trường, các loại hình trường công lập, ngoài công lập, trường nghề, OECD-PV nắm thông tin và chọn mẫu. Kết quả họ chọn 59 tỉnh thành được tham gia.

Mặc dù chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao nhưng con số này cũng làm nức lòng không ít người dân Việt Nam.

Các trường tự chủ trong tuyển sinh riêng

Sau một thời gian thực hiện thi 3 chung (chung đợt, chung đề, chung kết quả), trong kỳ tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2014 tới sẽ thực hiện theo hình thức 3 riêng, tức là các trường sẽ tự ra đề, tự tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên, điều này đang khiến dư luận, đặc biệt là phụ huynh và học sinh chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh năm 2014 không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Năm 2014, Bộ GD&ĐT có nhiều thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ
Năm 2014, Bộ GD&ĐT có nhiều thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thi riêng, một số trường sẽ chọn hình thức thi phỏng vấn, học sinh nào giỏi môn nào thì đăng ký trường cho phù hợp, do đó không bỏ sót thí sinh có năng lực và thí sinh giỏi 1 - 2 môn cũng sẽ có khả năng phát huy được năng lực của mình.

Hơn nữa, các trường tuyển sinh riêng được tự chọn môn thi và cách đánh giá thí sinh, Bộ không quy định khối thi và môn thi. Các trường có thể ra đề thi theo hướng chọn được những thí sinh có sở trường về một lĩnh vực nào đó. Đây cũng là ưu điểm của việc tổ chức thi riêng lần này. Khác với cách thi trong quá khứ.

Hàng loạt các chính sách ưu tiên trong kỳ tuyển sinh 2014 thay đổi, theo đó những thay đổi này sẽ mang tới sự công bằng cho thí sinh các vùng miền. Chính sách ưu tiên sẽ bao gồm 7 nhóm ưu tiên. Theo đó, nhóm ưu tiên 01 gồm các đối tượng công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mới thuộc ưu tiên.

Thủ khoa Đại học Y có “bố ở ống cống” là gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu

Đó là em Nguyễn Hữu Tiến, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội. Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, Tiến trở thành thủ khoa được nhiều người quan tâm nhất không hẳn vì kết quả thi đạt 29,5 điểm, mà vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đặc biệt với người bố “sống ở ống cống”, người mẹ chịu thương chịu khó vất vả mưu sinh nuôi 4 người con ăn học.

Thủ khoa Tiến (bên trái) vượt nghèo học giỏi
Thủ khoa Tiến (bên trái) vượt nghèo học giỏi.

Ông Nguyễn Hữu Định, bố của Tiến, đã có 10 năm phiêu bạt khắp thủ đô kiếm tiền nuôi các con ăn học. Câu chuyện gây chú ý trong xã hội về tình cha - con và sự bền bỉ của gia đình nghèo hiếu học. Sau khi hoàn cảnh gia đình Tiến được đưa lên báo, rất nhiều nhà hảo tâm đã đề nghị được giúp đỡ.

Hai vợ chồng ông Định, người vặt vịt thuê cả đêm ở quê, người kiếm dăm ba chục ở thành phố nói có “làm đến lúc chết” cũng chỉ mong con đỗ đạt, có tấm bằng đại học, có công ăn việc làm để thoát nghèo. Mẹ Tiến một mình cấy hái 9 sào ruộng, đi vặt lông vịt thuê ở gần nhà từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng với thù lao 2.500 đồng/con.

Nhưng đằng sau niềm vui, hạnh phúc ấy là nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, niềm trăn trở mưu sinh của người cha nghèo nuôi mẹ già 93 tuổi và 4 người con học đại học trên thành phố.

Tin vui đến cuối năm 2013, khi Tiến có trong danh sách 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu 2013 ở lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học.

Nam sinh lớp 9 lao xuống sông cứu 5 em nhỏ

Chiều 17/6/2013, đi chăn trâu cạnh bờ sông, Lê Văn Được - học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Ngọc (xã Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An) nghe tiếng kêu cứu vọng lên từ dòng nước, đã không ngần ngại lao xuống và lần lượt đưa được 5 em nhỏ lên bờ an toàn.

Một mình em Được cứu sống 5 em nhỏ khác khỏi đuối nước
Một mình em Được cứu sống 5 em nhỏ khác khỏi đuối nước.

5 em được cứu gồm: Trịnh Thị Hậu (13 tuổi), Nguyễn Thị Uyển Nhi (12 tuổi), Nguyễn Thị Phương (13 tuổi), Nguyễn Thị Tú (10 tuổi) và Nguyễn Thị Trang (13 tuổi) đều ở xóm Ngọc Khánh, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Theo em Được, 5 em nhỏ bắt hến tại khu vực lầy (sông Gang), bị sẩy chân vào vùng nước sâu, chới với ôm nhau giữa dòng sông và kêu cứu. Em Được thấy vậy liền tri hô, kêu gọi mọi người đến cứu, đồng thời Được lao ra vùng nước sâu nơi các em đang mắc nạn.

Được nắm vào 2 tà áo của 2 em Nhi và Trang kéo vào bờ trước. Sau đó, Được tiếp tục bơi ra cứu 3 em còn lại đang ôm nhau chới với giữa vùng nước sâu. Khi cứu được tất cả các bạn lên bờ Được đã sơ cứu và cùng những người khác đưa các bạn về nhà.

Được mới 15 tuổi, là học sinh lớp 9, anh cả trong gia đình, có 2 em nhỏ. Được đã được bố hướng dẫn cách sơ cứu người đuối nước để phòng khi cần kíp và em đã rất gan dạ, bình tĩnh chọn phương án cứu các em nhỏ trong vụ đuối nước vừa rồi.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư khen và quà cho em Lê Văn Được: “Tôi đánh giá cao và biểu dương tinh thần dũng cảm, quên mình của em, một học sinh nhỏ ở tuổi 15 đã cứu 5 em nhỏ khỏi đuối nước trên dòng sông Gang, khu vực xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.”

Theo Infonet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG