Náo nức tiếng SLi Kỳ Lừa

Náo nức tiếng SLi Kỳ Lừa
Ngày 8-3 (tức 27 tháng Giêng), là phiên chợ thiêng liêng của người dân xứ Lạng. Các ngả đường dẫn đến chợ Kỳ Lừa, chợ Chi Lăng ở thành phố Lạng Sơn, chộn rộn bước chân. Giữa núi đồi nở đầy hoa mơ, hoa mận, thấp thoáng bóng áo chàm. Phụ nữ Tày- Nùng đến nơi hò hẹn không phải nhận hoa; mà theo miết những canh hát giao duyên, tỏ tình.

> Lễ hội 'cướp' đầu pháo xứ Lạng
> Náo nhiệt Lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa

Một thời xa vắng

Bà Chu Thị Khằm (56 tuổi), dân tộc Nùng Phàn Sình, trú tại thôn Nà Quần, xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn) đến khu vực tượng đài Hoàng Văn Thụ, sát chợ Chi Lăng (thuộc phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn), từ lúc mặt trời mới ló qua đỉnh núi Phai Vệ.

Bà ngồi trên ghế đá, chờ bạn hát. Bà Khằm chỉ vào hàng cây dã hương già cỗi, nói: “Ngày xưa, khu vực này là Vườn hoa kết nghĩa Lạng Sơn- Đăk Lăk, có rất nhiều loài hoa tigôn, hoa mào gà, tươi đỏ. Các tốp hát từ các huyện, thị thường chọn nơi đây làm nơi hẹn hò, trao duyên. Bây giờ, các loài hoa, cây cối được thay đổi, nhưng những hàng cây dã hương vẫn còn”.

Chính vì vậy, mỗi khi nhìn thấy chúng, bà Khằm thường hồi tưởng thời thanh xuân.

Ở thị xã Lạng Sơn xưa, cứ năm ngày là đến phiên chợ Kỳ Lừa. Ngoài việc đến chợ trao đổi nông, thổ sản, đa phần thanh niên háo hức chuẩn bị gặp người tình, bạn hát.

Để đến được Kỳ Lừa, tốp hát đi bộ từ khi trời chưa sáng. Quãng đường từ nhà đến chợ, xa hàng chục cây số. Khi đến đầu con sông Kỳ Cùng, họ dừng chân, nghỉ ngơi, chải tóc, soi gương.

Bao giờ cũng vậy, gái bản tự tỉa lông mày cho nhau, sao cho thật duyên. Trong túi xách nhỏ thêu chỉ hồng, có những vật dụng do các thiếu nữ tự làm, như: Túi thổ cẩm, còn lót (túi xinh, bằng tre); bao dao bằng gỗ mít khắc hình đôi chim và cành hoa…

Các tốp hát có tiếng từ các bản, làng là: Cao Lâu, Xuất Lễ, Hải Yến, Ba Sơn (huyện Cao Lộc); Đồng Bục, Hiệp Hạ, Lục Thôn (huyện Lộc Bình); Bắc Thủy, Chiến Thắng, Nhân Lý (huyện Chi Lăng).

Khoảng 7 giờ sáng, tại các quán phở xung quanh chợ Kỳ Lừa (thuộc phường Hoàng Văn Thụ ngày nay), trai làng, gái bản mời nhau uống rượu, ăn phở độn cơm nắm, mang đi từ nhà, rồi hát. Sau khi “bắt sóng”, thì rủ nhau đến lùm cây ven đường, góc phố để giao duyên, hát hết bài này sang bài khác. Chiều về, các tốp hát di chuyển đến mé đồi, trao nhau những lời chân thật qua lời Sli, Lượn, cùng những kỷ vật làm tin.

Năm 16 tuổi, bà Khằm tham gia đám hát. Sau đó, bà tìm được người thương, đó là Lý Văn Chiều - chồng bà Khằm bây giờ. Họ đã có với nhau hai con gái xinh đẹp; các con của bà cũng mê hát.

Năm 1979, chiến sự biên giới nổ ra. Dân bản đi về các tỉnh miền xuôi sơ tán. Các tốp hát cũng vì thế mà giải tán. Ngày trở lại bản làng, đời sống thành thị xâm nhập, chợ Kỳ Lừa thưa vắng rồi mất hẳn những đêm hát, ngày Sli, lượn dập dìu phố núi.

Khi hát, không ai ghen

Hoạt động hát giao duyên bằng tiếng Tày- Nùng, nhộn nhịp trở lại ở thành phố Lạng Sơn đã ba năm nay.

Bà Long Thị Pheng (40 tuổi, dân tộc Nùng), đến từ thôn Pác Bó, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, cười tươi khoe chiếc răng vàng, nói: Nhiều đôi hát, nay đã lên chức ông nội, bà ngoại, nhưng khi đi hát, không ai ghen cả. Chồng bà Pheng là sỹ quan Biên phòng, rất khuyến khích bà tham gia các hoạt đông bảo tồn dân ca quê mình. Ông lấy xe máy đèo bà từ nhà đến nơi hát, sau đó lại chở về, khi màn đêm buông xuống.

Ông Chu Văn Dưỡng (58 tuổi, trú tại xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết: Nghe tin chợ Kỳ Lừa có đông người hát dân ca nên đi xe mô tô lên để gặp gỡ, nghe hát; đồng thời mời các nghệ nhân, các bạn Tày- Nùng xứ Lạng về quê ông, tham dự “Phiên chợ tình, hát giao duyên”, sẽ được tổ chức tại thị trấn Chũ, vào ngày mồng 8, tháng tới.

Xứ Lạng, cuối tháng giêng 2013
Nguyễn Duy Chiến

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG