Nghệ sĩ flute 9X xinh đẹp và ước mơ “trẻ hóa” âm nhạc cổ điển

Nghệ sĩ flute 9X xinh đẹp và ước mơ “trẻ hóa” âm nhạc cổ điển
“Trẻ hóa” loại nhạc cụ cổ điển - sáo flute, đó là ước mơ của cô gái xinh đẹp 24 tuổi Nguyễn Ly Hương - người được công chúng nhớ đến với kỳ tích mang về cho âm nhạc cổ điển Việt Nam. 

Mối “lương duyên” bắt đầu nhờ… đôi môi xinh

Bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ sớm, năm lớp 4, Hương thi đỗ vào trường Văn hóa - Nghệ thuật Quảng Ninh. Khi Nhạc viện Hà Nội về Quảng Ninh tuyển sinh, cô nàng tiếp tục “ứng thí” và lại đỗ. Chiều đam mê của con, bố mẹ Hương để cô bé khi ấy mới chỉ 10 tuổi một mình “khăn gói quả mướp” lên Hà Nội học.

24 tuổi, có 13 năm “sống chung” với cây sáo, Ly Hương cho hay mối duyên này bắt đầu từ đôi môi chúm chím của mình.

Nghệ sĩ flute 9X xinh đẹp và ước mơ “trẻ hóa” âm nhạc cổ điển ảnh 1

Cô gái sinh năm 1990, Nguyễn Ly Hương ấp ủ kế hoạch đưa âm nhạc cổ điển lại gần với bạn trẻ Việt.

“Khi vào Nhạc viện Hương thi môn organ nhưng vì nhìn thấy mình có đôi môi nhỏ nhắn, xinh xắn, hơn nữa mình lại là con gái nên thầy cô khuyên rằng flute rất phù hợp với Hương. Mình nghe thì chỉ biết vậy chứ lúc ấy thực sự còn chưa biết cây sáo flute là như thế nào” (cười).

Hàng tuần bố mẹ dành thời gian lên thăm, động viên con gái. Sống trong KTX của học viện gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng mình đã vượt qua và trưởng thành. Năm mình lớp 12 thì gia đình chuyển lên Hà Nội sống”, Ly Hương tâm sự.

Mỗi ngày, Hương dành 5-7 tiếng để luyện sáo, trước kì thi hay biểu diễn thời gian khổ luyện lên tới 10-12 tiếng. Cứ thế, flute đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Ly Hương.

Kỳ tích “mang chuông đi đánh xứ người”

Tài năng flute 9X này được giới chuyên môn đánh giá cao bởi cách xử lí độc đáo, tinh tế. Năm 2013, cô nữ sinh của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam lập nên kì tích khi giành ngôi vị quán quân trong “Cuộc thi quốc tế dành cho các nghệ sĩ sáo flute” diễn ra tại Nam Ninh.

Nói là kỳ tích bởi Ly Hương là nghệ sĩ trẻ nước ngoài chiến thắng 78 thí sinh “nặng kí” của Trung Quốc bằng một tác phẩm Trung Quốc, trong một cuộc thi không phân bảng tuổi do Trung Quốc tổ chức diễn ra tại Trung Quốc. Đó cũng là lần đầu tiên Việt Nam giành giải quốc tế về sáo flute ở giải thưởng này.

Nghệ sĩ flute 9X xinh đẹp và ước mơ “trẻ hóa” âm nhạc cổ điển ảnh 2

Ly Hương là người đầu tiên mang về giải quốc tế sáo flute cho Việt Nam.

“Các nghệ sĩ Trung Quốc rất mạnh, kĩ thuật điêu luyện đến “sạch sẽ”. Họ đều chạy tác phẩm như một cỗ máy tối tân. BGK nói, phần biểu diễn của mình khác biệt vì thể hiện được thần thái tác phẩm, bản lĩnh sân khấu tốt”, Ly Hương chia sẻ.

“Ngoài kĩ thuật thì xúc cảm và cách xử lý sẽ xác định đẳng cấp của nghệ sỹ. Mình nghiên cứu kiến thức về tác giả, tác phẩm, trường phái âm nhạc… để có cách xử lí đúng “chất” bài nhạc. Chẳng hạn, nhạc Mozart cần rõ nét, nhịp đều chứ không được co dãn”, Hương nói.

Sự tinh tế còn biểu hiện ở việc quan tâm đến phong thái, hình ảnh. “Mình muốn tạo một sự hoàn hảo ở trên sân khấu. Nét quyến rũ của nghệ sĩ đôi khi bắt đầu chỉ từ cách cầm sáo, hất sáo... Những chi tiết nhỏ nhất mình đều nghiên cứu để thực hiện”, Hương nhấn mạnh.

Ước mơ “trẻ hóa” món nhạc cụ “già”

Nếu như những người quan tâm đến âm nhạc thường nhắc tới sáo flute như môn nghệ thuật mang tính bác học, thì Ly Hương, bằng sự sáng tạo, đã cố gắng “trẻ hóa” nhạc cụ cổ điển này.

Cô không ít lần khiến người thưởng thức thích thú, say mê với những âm thanh nhiều màu sắc. “Sáo flute không chỉ dành cho những giai điệu dịu dàng, da diết. Được đào tào bài bản đến mức “ngấm” trong máu là âm nhạc cổ điển, mình vẫn muốn khám phá một góc cạnh mới của nó”.

Nghệ sĩ flute 9X xinh đẹp và ước mơ “trẻ hóa” âm nhạc cổ điển ảnh 3

Đó là khi cô nàng biểu diễn sáo thể hiện những ca khúc trẻ trung, sôi động cùng với những nhạc cụ điện tử (violon điện, cello điện). Hương ví dụ, sẽ rất thú vị khi dùng flute để “cover” một ca khúc nước ngoài nhưng lại là trên… nền nhạc Hàn. Ly Hương đã dùng “hơi thở trẻ” để thổi flute.

“Ở Việt Nam âm nhạc cổ điển chưa thật sự gần với công chúng. Nhưng mình rất mong một ngày nào đó nước mình có thể sánh ngang với các nước bạn và thậm chí cũng có rất nhiều tài năng”, Hương chia sẻ.

Cô nàng đang ấp ủ ước mơ đưa âm nhạc cổ điển gần gũi hơn với công chúng bằng cách “trẻ hóa” nó: “Ngoài âm nhạc cổ điển ra, mình sẽ chơi flute theo dòng bán cổ điển với những ca khúc nổi tiếng quen thuộc để ai cũng nghe được. Sẽ là một chặng đường “dài hơi” để công chúng biết đến cây sáo flute nhiều hơn và nó không hề dễ dàng”.

Từng được lời mời học từ những học viện âm nhạc hàng đầu ở Bắc Kinh và Thượng Hải nhưng Hương đều từ chối.

Vừa tốt nghiệp bậc ĐH Học viện Âm nhạc Quốc gia, Ly Hương tâm sự: “Mình sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu luyện tập, học hỏi để có những bước tiến vững chắc về sau. Đầu tiên là kế hoạch học cao học chuyên ngành biểu diễn flute. Và nếu tìm được những cuộc thi về flute, mình sẽ tiếp tục tham gia thử sức trên đấu trường quốc tế”.

Nghệ sĩ flute 9X xinh đẹp và ước mơ “trẻ hóa” âm nhạc cổ điển ảnh 4

Ngoài tài năng nổi bật, Ly Hương còn là cô gái xinh đẹp, quyến rũ.

Hoạt động, thành tích nghệ thuật:

- Năm 2007: Giải Nhất về hoà tấu kèn gỗ trong cuộc thi âm nhạc Thính phòng quốc gia “Mùa thu” do Bộ VH TTDL tổ chức, được dàn nhạc giao hưởng trẻ Đông Nam Á tuyển chọn tham gia biểu diễn tại Thái Lan.

- Năm 2010: Thành viên dàn nhạc giao hưởng Hà Nội tham gia “Liên hoan Âm nhạc quốc tế Beethoven” tại Đức.

- Năm 2012: Thành viên dàn nhạc giao hưởng Hà Nội tham gia “Liên hoan âm nhạc các Dàn nhạc giao hưởng châu Á” tại Tokyo và Fukushima (Nhật Bản).

- Năm 2013: Giải Nhất cuộc thi quốc tế sáo Flute tại Nam Ninh, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giành giải quốc tế về sáo flute ở giải thưởng này.

- Tháng 2/2014: Biểu diễn độc tấu cùng Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam – Chỉ huy Honna Tetsuji (Nhật Bản) trong “Chùm nhạc Mozart”.

- Với tư cách là nhạc công, từ năm 2006 đến nay, Ly Hương đã tham gia hàng trăm buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng Học viện Huế, các nhóm hòa tấu thính phòng, hòa tấu Kèn…

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG