Nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài

Nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài
Năm 2013 đã xuất hiện những tín hiệu vui cho xuất khẩu lao động (XKLĐ) khi Nhật Bản và Đức cùng tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý. Thị trường Libya cũng nhận trở lại lao động Việt Nam...

> Khoe thân nơi công sở dễ thăng tiến?

> Những triệu phú, tỷ phú 'thất học'

Đây là tín hiệu vui khi năm 2012 trôi qua đầy ảm đạm với lĩnh vực XKLĐ: Hàn Quốc - thị trường lớn nhất - tạm ngưng tiếp nhận lao động Việt Nam. Các thị trường truyền thống như Malaysia, Trung Đông bị lao động chê vì lương thấp, rủi ro cao... khiến chỉ tiêu xuất khẩu 90.000 lao động không cán đích.

Lao động Việt Nam tại nhà máy sản xuất găng tay cao su ở Malaysia - Ảnh: H.Văn
Lao động Việt Nam tại nhà máy sản xuất găng tay cao su ở Malaysia - Ảnh: H.Văn.

Một năm “mất mùa”

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng, công an nhằm siết chặt những hoạt động không lành mạnh ở thị trường lao động Đài Loan.

“Thị trường này đang bị lũng đoạn bởi các công ty môi giới Đài Loan được các công ty Việt Nam tiếp tay trong việc cho thuê hoặc bán tư cách pháp nhân. Các công ty này thu phí bát nháo, tuyển lao động không theo quy trình... khiến tỉ lệ lao động bỏ trốn ngày càng tăng, nguy cơ mất thị trường đang hiển hiện” - một cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép mở rộng việc đưa lao động Việt Nam trở lại Libya sau thời gian gián đoạn do chiến tranh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện trở lại chương trình đưa lao động các huyện nghèo đi làm việc tại Libya, góp phần giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Chính phủ. Thị trường Qatar cũng đang chuẩn bị mở cửa tiếp nhận lại lao động Việt Nam kể từ khi đóng cửa vào năm 2009.

Hiện mỗi tháng có khoảng 500-600 lao động bỏ trốn, đưa tỉ lệ lao động bất hợp pháp ở Đài Loan lên khoảng 20%. Điều đáng nói là thị trường này vừa tăng lương cơ bản cho người lao động lên khoảng 13 triệu đồng/tháng, đưa mức thu nhập có thể đạt 20 triệu đồng/tháng trở lên.

Với mỗi năm tiếp nhận trên 10.000 lao động, thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng, Hàn Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất, thu hút nhiều lao động nhất trong các thị trường mà Việt Nam phái cử lao động ra nước ngoài làm việc. Nhưng đầu tháng 9-2012, Hàn Quốc tuyên bố ngưng tiếp nhận mới lao động Việt Nam vì tỉ lệ lao động bỏ trốn vượt ngưỡng cho phép.

Còn Malaysia, Trung Đông trong vài năm trở lại đây đã bị người lao động Việt Nam quay lưng khi mức lương quá thấp, lại còn xảy ra nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Trường Sơn, phó giám đốc Công ty XKLĐ Trường Giang, than thở: “Đơn hàng Malaysia lúc nào cũng có, nhưng chúng tôi “lên rừng xuống biển” cũng chỉ tuyển được lèo tèo chục người. Có lúc đối tác cần người bức thiết nên ưu đãi tuyển dụng không thu phí, người lao động qua Malaysia làm việc sẽ trừ dần vào lương... nhưng vẫn không tuyển được đủ người cung ứng cho đối tác!”.

Thực tế, thu nhập ở thị trường này chỉ ngang bằng với các KCX-KCN ở TP.HCM. Mới đây, phía Malaysia còn cho phép hàng trăm doanh nghiệp lùi thời hạn tăng lương vì khó khăn đã dẫn đến nhiều thiệt hại cho người lao động.

Giám đốc một công ty phía Bắc cho biết thị trường Trung Đông khó tuyển lao động hơn cũng do thu nhập không hơn gì Malaysia, lại thêm khí hậu quá khắc nghiệt luôn tiềm ẩn rủi ro với lao động. Vị giám đốc này cho biết thêm: “Khi đơn hàng tuyển hàng ngàn vệ sĩ qua Dubai (UAE) làm việc được ký kết giữa hai bộ lao động ai cũng đánh giá là đơn hàng tốt nhất, chất lượng nhất. Nhưng lao động Việt Nam qua Dubai làm việc được vài tháng đã đánh nhau khiến chính quyền sở tại phải trục xuất về gần hết. Kể từ đó Dubai - thị trường tốt nhất tại Trung Đông - cũng e dè với lao động Việt Nam”.

Những sự cố nói trên đã khiến thị trường XKLĐ trong năm 2012 “mất mùa” khi chỉ tiêu 90.000 lao động chỉ được 80.000 người. Thực tế ấy - như một giám đốc công ty XKLĐ cho biết - nếu không nhờ thị trường Lào, Campuchia cứu thì con số còn thấp hơn nhiều.

Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

Cuối năm nay sẽ có khoảng 100 điều dưỡng, hộ lý qua Nhật làm việc theo thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Nhật Bản. Trong quá trình học tập, làm việc, các điều dưỡng, hộ lý có cơ hội thi lấy chứng chỉ quốc gia Nhật về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho lao động Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý. Bởi theo Bộ LĐ-TB&XH, hai nước Indonesia và Philippines đã triển khai chương trình này hơn ba năm về trước với hàng trăm lao động qua Nhật học tập và làm việc. Nhưng những người thi đậu chứng chỉ quốc gia Nhật trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại hàng trăm lao động phải về nước sau 3-4 năm làm việc vì không thi đậu.

“Khả năng mỗi năm đưa hàng trăm lao động qua Nhật làm điều dưỡng, hộ lý là có, nhưng để được ở lại làm việc lâu dài còn tùy thuộc khả năng của người lao động cũng như công tác đào tạo của các cơ quan quản lý lao động” - một cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết. Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, mức thu nhập trong lĩnh vực này từ 30- 40 triệu đồng/tháng, nếu lấy được chứng chỉ quốc gia của Nhật thì thu nhập 40-60 triệu đồng/tháng.

Một tín hiệu đáng mừng khác là ngày 4-3 vừa rồi, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cùng đại diện của Cộng hòa liên bang Đức tổ chức khai giảng lớp đào tạo 120 điều dưỡng, chuẩn bị đưa sang Đức học tập và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được Đức lựa chọn thí điểm chương trình này. Theo thỏa thuận của chương trình, 100 điều dưỡng được chọn sẽ sang Đức học tập và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi với thời gian hai năm, thu nhập 22-25 triệu đồng/tháng.

Sau hai năm, các điều dưỡng sẽ thi lấy chứng chỉ của Đức, nếu đậu sẽ ở lại làm việc trong ba năm với mức thu nhập 50-55 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp XKLĐ, thị trường Đức và châu Âu nói chung đòi hỏi trình độ tay nghề rất cao, và vốn ngoại ngữ cũng là một rào cản lớn khi lâu nay lao động Việt Nam bị đánh giá là yếu đối với các thị trường XKLĐ bậc cao.

Tín hiệu thứ ba, như một cán bộ thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, từ đầu năm đến nay phía Nhật dường như không mặn mòi tuyển dụng lao động Trung Quốc - vốn là nước hàng đầu trong cung ứng lao động cho Nhật.

Các doanh nghiệp Nhật đang chuyển hướng qua Việt Nam tuyển dụng lao động. Bằng chứng là đầu năm 2013 đến nay đơn hàng tuyển dụng từ Nhật đã tăng mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng - chế biến thủy hải sản vốn lâu nay do lao động Trung Quốc và một số nước khác chiếm lĩnh.

Ông Nguyễn Thanh Liêm - trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật - cho hay nhu cầu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Nhật Bản rất lớn, thu nhập cũng từ 800 USD/tháng trở lên. Phía Nhật cũng đã yêu cầu Việt Nam tăng cung ứng sang Nhật mỗi năm 10.000 lao động so với 7.000-8.000 lao động như hiện nay.

Theo Hồ Văn
Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG