Nhiều người trẻ muốn...nghỉ hưu"

Nhiều người trẻ muốn...nghỉ hưu"
TP - Lê Thuận Uyên, cựu học sinh trường Hà Nội - Amsterdam, sinh viên khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Đại học York (Vương quốc Anh) đã gây ấn tượng mạnh với các giáo sư ở xứ sở sương mù khi làm luận văn tốt nghiệp về đề tài biển Đông. Luận văn của Thuận Uyên đã được chấm điểm xuất sắc.

> Rừng trong mắt người trẻ
> Du học Anh, Mỹ về Việt Nam bảo vệ rừng

Thủ lĩnh cũng sợ ngồi bàn đầu

Sau khi tốt nghiệp, Uyên học thạc sỹ, nghiên cứu về các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo tại trường Đại học King’s College London và đang tập trung làm luận văn với một chủ đề vừa khó vừa lạ: Bảo tàng ở Việt Nam - nhu cầu cộng đồng và thực tế. Cô gái thích chọn cho mình một lối đi riêng này, chia sẻ:

Khi chọn chủ đề nghiên cứu tôi muốn chọn chủ đề mình quan tâm. Chủ đề mà tôi quan tâm phải thể hiện được khả năng nghiên cứu của mình, phải có ý nghĩa và mang tính chất cống hiến. Đề tài biển Đông sẽ có ý nghĩa với đất nước, nhất là các bạn trẻ.

 Nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Tôi bức xúc trước những hiện tượng như bà Tưng. Họ thích chọn việc dễ dãi như khoe thân để khẳng định mình. Nhưng giúp được một con người, cứu được một bệnh nhân khó hơn “lộ hàng” hay là xem một bộ phim mà thần tượng mình thủ vai.  

Các bạn trẻ rất dễ tiếp cận và tôi tin ít nhiều sẽ giúp họ nâng cao hiểu biết về tình hình biển Đông. Tôi chọn đề tài bảo tàng tôi muốn đóng góp vào việc xây dựng ngành bảo tàng ở nước nhà. Nếu chúng ta có chiến lược phát triển đúng thì bảo tàng sẽ có thể phát huy được các chức năng và có thể đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp giải trí của Việt Nam trong tương lai. Tôi nghĩ làm luận văn cũng là một công trình nghiên cứu của mình, phải có dấu ấn của mình, phải khác biệt và trên hết là phải có ý nghĩa đối với chính bản thân mình.

Hầu hết sinh viên Việt Nam sang Anh đều học những ngành thời thượng như kinh tế, ngân hàng, thời trang. Phải chăng Uyên dám chọn cho mình đường riêng chứ không phải theo đám đông?

Tôi không quan trọng yếu tố đám đông. Nhưng tôi biết trong thực tế thì rất nhiều người trẻ không muốn và rất có thể họ chưa được tạo điều kiện để có thể chọn cho mình một lối đi riêng, không muốn dẫn đường mà thích đi theo đám đông. Mới đây tôi có dự chương trình: “Siêu thủ lĩnh” của kênh VTV6, trong buổi chiếu phim (phim ngắn do các bạn siêu thủ lĩnh làm) và giao lưu thảo luận nói về an toàn tình dục, tôi thấy nhiều bạn trẻ đến dự không dám ngồi ghế đầu vì sợ bị hỏi, sợ máy quay. Họ đều là những “thủ lĩnh” mà còn như vậy đấy.

Điều này bắt nguồn từ thói quen thời đi học: sợ ngồi bàn đầu, sợ cô giáo để ý, sợ giơ tay phát biểu. Ngày còn là học sinh cấp 1, cấp 2, tôi tuy là cán bộ lớp mà cũng sợ ngồi bàn đầu. Có những câu hỏi mình biết mà cũng không dám giơ tay phát biểu vì nghĩ: sẽ có bạn khác trả lời. Tôi cũng rất sợ khi phát biểu, những cặp mắt khác sẽ đổ dồn vào.

Nhưng khi sang Anh học, môi trường giáo dục ở đây buộc tôi phải thay đổi thói quen này. Vì trong lớp nhiều khi câu hỏi quay vòng, đến lượt mình phải nói. Nếu mình không phát biểu, các bạn coi thường, cho rằng mình không biết gì. Tôi quan niệm mỗi du học sinh ở Anh là một đại sứ của đất nước nên không thể để người nước ngoài đánh giá thấp mình.

Không theo đám đông, Uyên có sợ mình sẽ độc hành trên con đường mình đã chọn?

Tôi nghĩ bây giờ khó ai độc hành được, trừ những trường hợp đặc biệt như tôi đọc trong sách triết học Ấn Độ, có một triết gia muốn chứng minh quan điểm triết học của mình đúng đã bỏ lên núi sống một mình trong 15 năm. Nếu mình độc hành mà không có ai quan tâm chia sẻ thì cũng nên xem lại, xem đường đi có thẳng không, có đánh rơi cái gì không, cách đích bao xa chứ chẳng phải vì ngại chông gai, ngăn sông cách núi.

Uyên nghĩ gì khi nhiều bạn trẻ hôm nay vẫn có tâm lý “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”?

Điều này thể hiện tâm lý ăn sẵn vụ lợi, chỉ thích người khác dọn cỗ cho mình, nguy hiểm là tránh xa. Nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Tôi bức xúc trước những hiện tượng như bà Tưng. Họ thích chọn việc dễ dãi như khoe thân để khẳng định mình. Nhưng giúp được một con người, cứu được một bệnh nhân khó hơn “lộ hàng” hay là xem một bộ phim mà thần tượng mình thủ vai. Đúng như câu “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, cái gì dễ thì làm thôi.

Tôi không dám trách nhiều bạn trẻ tuổi teen, họ chưa được chuẩn bị kiến thức và tâm lý để tiếp nhận những cái mới, tiếp nhận và đề kháng trước ngồn ngộn thông tin trên mạng hay dở, vàng thau lẫn lộn như hiện nay.

Phải chăng hiện tượng này cũng có nguyên nhân từ du nhập văn hóa phương Tây vào Việt Nam. Học ở Anh nhiều năm, quan điểm của Uyên về vấn đề này?

Chúng ta du nhập nhiều dị bản nước ngoài, không phải bản gốc. Người phương Tây rất coi trọng tính cá nhân, tự do cá nhân nhưng họ cũng rất quan tâm tới cộng đồng. Những thanh niên ở Anh mà tôi biết hầu hết đều muốn đến giúp các nước kém phát triển. Nhưng tôi thấy giới trẻ ở Việt Nam tính cộng đồng còn chưa cao. Bây giờ của cải nhiều hơn rồi, nhưng đất nước vẫn còn rất nhiều người nghèo, một số bạn trẻ còn ít quan tâm đến những hoàn cảnh nghèo khó.

Quan tâm ở đây không chỉ là cho người nghèo tiền mà còn là sự giúp đỡ về lâu về dài, phải có các dự án hỗ trợ họ để họ có thể tự lập thì mới bền vững. Sự quan tâm cộng đồng này nên xuất phát từ sâu trong suy nghĩ, tâm niệm chứ không phải chỉ đơn thuần qua một phút đồng cảm trước cảnh ngộ của người khác. Nên sáng tạo ra những chương trình vì cộng đồng, khóa huấn luyện để cho những người nghèo có điều kiện được học hỏi, nâng cao trình độ với tinh thần “cho cần câu chứ không cho con cá”.

Không dám ước mơ, không dám dấn thân

 Lê Thuận Uyên Anh: kỳ thanh nguyên
Lê Thuận Uyên. Ảnh: kỳ thanh nguyên.
 

Mới đây trên mạng đã có cuộc tranh luận xoay quanh thực tế một số bạn trẻ đang sống hời hợt, không quan tâm tới tình hình đất nước, thậm chí rất ít hiểu biết về Trường Sa - Hoàng Sa. Theo Uyên hiện tượng này có nguyên nhân từ đâu?

Trên mạng lượng thông tin lá cải đang lấn át thông tin chính thống. Một số bạn trẻ vẫn còn có tâm lý xa rời đời sống chính trị của đất nước, cho rằng không liên quan gì đến mình, nên chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân thôi. Mặt khác cũng rất ít diễn đàn để sinh viên bày tỏ sự quan tâm tới những vấn đề quốc gia đại sự.

Theo Uyên sẽ ra sao nếu các bạn trẻ chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân mà hờ hững với những vấn đề lớn của đất nước?

Nếu ai cũng lo thu vén cho mình thì ai sẽ làm việc mang tính cống hiến cho cộng đồng? Giống như việc ai cũng chỉ lo sạch khoảnh sân nhà mình còn rác cứ thoải mái vứt ra đường vậy. Đất nước muốn phát triển ở thời nào cũng cần sự hy sinh, cần những người “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Tôi nghĩ hình tượng những người thanh niên miền xuôi tình nguyện lên vùng cao làm việc trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” mà tôi từng học trong sách giáo khoa vẫn rất cần cho cuộc sống hôm nay. Tôi thấy vẫn còn một số bạn trẻ sống thiếu lý tưởng, thiếu ước mơ, thậm chí không dám ước mơ. Nếu không dám ước mơ thì không dám dấn thân.

Theo Uyên, ước mơ hay lý tưởng sống của giới trẻ có bị tác động bởi lối sống thực dụng coi trọng đồng tiền hiện nay?

Có cảm giác nhiều ước mơ đẹp trở nên “lạc lõng” nếu cứ đưa quan điểm thực dụng mà soi chiếu vào. Em trai tôi đang nhỏ, ước mơ sau này làm người phục vụ giỏi. Gia đình tôi cũng trân trọng ước mơ của em, nhưng nhiều người sẽ cho rằng ước mơ đó “dở hơi”. Tôi nghĩ ước mơ làm một người phục vụ giỏi, còn hơn không có ước mơ. Tôi biết có cô bé mới 3 tuổi đã muốn “nghỉ hưu” như ông ngoại để không phải làm gì. Ngày trước, trẻ em mơ ước được làm phi công, làm lính cứu hỏa, làm bác sỹ, nhưng em bé này lại chỉ muốn “nghỉ hưu” khi mới 3 tuổi. Tôi thấy đau lòng. Nhiều bạn trẻ cũng chỉ muốn được nghỉ hưu như em bé 3 tuổi này.

Lê Thuận Uyên đã tham gia hướng dẫn khách tham quan tại Trung tâm nghệ thuật tổng hợp Barbican và thực tập tại bộ phận Đối ngoại của Bảo tàng Anh - British Museum. Uyên dự định khi về nước sẽ thực hiện ý tưởng làm những dự án nhỏ nâng cao nhận thức và kỹ năng sống cho trẻ em để góp phần tạo sự thay đổi tích cực cho xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG