'Nick ngoại' tiếp thêm khát vọng cho 'Nick nội'

'Nick ngoại' tiếp thêm khát vọng cho 'Nick nội'
TP - Chúng tôi đến TP. Yên Bái gặp Nguyễn Linh Chi, cô bé được ví là “Nick Vujicic của Việt Nam”. Có chứng kiến cuộc sống thường nhật của em, mới thấy được nghị lực sống của một bé gái mới 8 tuổi không tay, không chân.

> Nick Vujicic chữa lành 'khuyết tật' tâm hồn
> Cú bắt tay triệu đô của đại gia và người nổi tiếng

Không khuyết tật tâm hồn

Chúng tôi đến nhà Chi một chiều chủ nhật. Sau cuộc gặp gỡ, giao lưu với Nick Vujicic tại Hà Nội, nhiều người ở TP. Yên Bái biết đến gia đình Chi. “Cứ đi tới cuối đường Thành Công, hỏi nhà cháu Chi, con bố Nam là ai cũng biết”, người phụ nữ trung niên nói.

Nhà Chi rộn rã tiếng cười nói, ồn ào của trẻ em. Chi đang say sưa nói chuyện với bạn bè. Rót nước mời khách, anh Nguyễn Đình Nam, bố Chi nói: “Hôm nay chủ nhật, các cháu được nghỉ học nên rủ nhau sang chơi với bé Chi”.

Vẫn còn dư âm “hoảng sợ” vì gặp quá nhiều người sau chuyến xuống Hà Nội giao lưu, nên gặp khách lạ, Chi hơi rụt rè. Thấy máy ảnh giơ về phía mình, Chi nép vào cô bạn ngồi cạnh. Hỏi chuyện, Chi không nói. Bạn bè của Chi trả lời thay. Nhưng thấy bạn trả lời sai, Chi trả lời lại.

Sau khi chúng tôi pha trò, Chi mới sôi nổi. Cô bé góp vui bằng những câu chuyện với bạn bè. Nghe kể chuyện, thỉnh thoảng Chi cười. Bố Chi bảo, dù không có tay, chân như các bạn, nhưng Chi rất hiếu động, thông minh.

Những gì có thể làm được, Chi tự làm, không nhờ bố mẹ hay người thân. Vài năm trước, Chi tự đi lên bậc thang, không cần người bế. “Cháu đặt hai tay lên bậc thang, sau đó dựa cằm vào và nâng người lên”, anh Nam nói.

Chi cũng không mặc cảm trước bạn bè. Ở nhà hay ở trường, Chi luôn vui chơi với bạn.

Tuy nhiên, cũng có những lúc bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. “Có hôm cháu về bảo bị bạn gọi là không chân, không tay. Nó cũng buồn lắm, nhưng chỉ một lúc là lại quên. Trẻ con mà. Với lại, Chi có em trai. Hai chị em chơi đùa với nhau nên cũng mau quên”, anh Nam kể.

Chan hòa niềm vui

Bé Chi tập viết chữ. Ảnh: Trường Phong
Bé Chi tập viết chữ. Ảnh: Trường Phong.
 

Anh Nam kể, ngày Chi ra đời, ai cũng bất ngờ. “Lúc mang thai, gia đình đi siêu âm tim thai thấy bình thường. Chỉ đến khi sắp sinh thì bệnh viện mới thông báo thai không bình thường, nhưng cũng không biết cụ thể bị thế nào”.

Sau khi bé ra đời, gia đình cũng chịu nhiều điều tiếng. Nhưng rồi, mọi chuyện cũng qua đi, bé Chi lớn lên, vui tươi, thông minh như bao bạn cùng trang lứa, vợ chồng anh Nam cũng vơi bớt đi phần nào nỗi buồn.

Khi được biết Nick Vujicic sang Việt Nam, anh Nam mong muốn cho con gái mình gặp mặt một lần, để con có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống…

Nhiều người xúc động khi đọc những dòng tâm sự của anh Nam cùng bức ảnh bé Chi đăng trên facebook: “Ông nội cháu là một đại tá đã mang thân mình cống hiến cho đất nước, bao năm lăn lộn ở chiến trường, vì Khe Sanh thân yêu. Và bố cháu với căn bệnh dị ứng máu và còn cháu thì.... Mong ước của cả gia đình làm sao cho cháu một lần được gặp Nick để con thấy nghị lực sống, vươn lên, ngẩng cao đầu, không mặc cảm số phận…”.

Và mong muốn của bé Chi được đông đảo cư dân mạng tiếp sức, tặng vé để em gặp Nick.

 “Sau hôm giao lưu với chú Nick về, Chi bạo dạn hơn. Cháu chơi đùa với các bạn tự tin hơn, không còn e dè như trước. Chuyến đi cũng giúp Chi gặp được nhiều bạn có hoàn cảnh giống mình nên cháu cũng bớt tủi thân. Cháu chia sẻ sau này lớn lên muốn làm cô giáo”. 

Anh Nguyễn Đình Nam

Bé Chi, dù bị khuyết tật nhưng cũng không làm bố mẹ phải buồn. Ngoài niềm vui học hát, múa với bạn bè, Chi còn thích đọc thơ, vẽ tranh. Chị Trịnh Ngọc Thủy, mẹ Chi kể, đêm trước khi xuống Hà Nội gặp Nick, dù đã 23h đêm, Chi còn nhờ mẹ lấy giấy, bút để vẽ chân dung chú Nick. Vẽ rồi, Chi ngồi tô màu xong mới đi ngủ. Bố Chi cũng còn lưu giữ nhiều clip ghi cảnh Chi đọc thơ và hát. Hiện Chi đang theo học trường tiểu học Nguyễn Thái Học và nhờ sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô, 2 năm gần đây, Chi đã biết đọc, biết viết. Trên chiếc bàn học bằng gỗ ở giữa nhà, chị Thủy lấy ra vài cuốn vở tập viết của Chi. Dù không có tay lành lặn, Chi vẫn viết được nét chữ khá đẹp và ngay ngắn.

Đến giờ học bài, Chi ngồi vào bàn. Chiếc bút máy được kẹp chặt vào một bên tay và miệng. Mỗi nét chữ đưa đi, tay và miệng Chi lại di chuyển theo. “Khi đi em hỏi, khi về em chào…”, Chi đánh vần, rồi kẹp lại chiếc bút vào miệng, viết từng chữ trên cuốn vở ô ly. Anh Nam bảo, nhiều khi viết xong chữ, tay Chi sưng tấy lên.

Tiễn khách ra về, anh Nam bảo, chỉ có một ước mơ là xã hội tạo điều kiện để bé Chi có thể hòa nhập được với cộng đồng, có cuộc sống bình thường như bao bé gái khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG