Nữ sinh trồng rau sạch

Nữ sinh trồng rau sạch
Nhóm bạn Tú Trinh, Thanh Mai đã dựng những giàn rau sạch, giúp các anh bộ đội biên phòng cải thiện bữa ăn.

Nữ sinh trồng rau sạch

Nhóm bạn Tú Trinh, Thanh Mai đã dựng những giàn rau sạch, giúp các anh bộ đội biên phòng cải thiện bữa ăn.

Chuyển giao kỹ thuật trồng rau bằng phương pháp thủy canh
Chuyển giao kỹ thuật trồng rau bằng phương pháp thủy canh.
 

Không dừng lại ở cuộc thi thiết kế mô hình sản phẩm tái chế, Ngô Thị Tú Trinh và Đỗ Ngọc Thanh Mai, hai tân cử nhân khoa Công nghệ sinh học Đại học Nông Lâm TP HCM, đã ứng dụng sản phẩm của mình vào thực tiễn.

Xuất phát từ một chuyến đi thực tế vào tháng 3, từ cầu nối của chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện, nhóm sinh viên ngành Công nghệ Sinh học - Đại học Nông Lâm đến với xã đảo Thạnh An, xã đảo duy nhất thuộc huyền Cần Giờ và xa nhất của TP HCM.

Hệ thống thủy canh đã hoàn chỉnh
Hệ thống thủy canh đã hoàn chỉnh.
 

Đến với Thạnh An, nhóm bạn trẻ nhận thấy một điều rằng, tuy thuộc TP HCM, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề rau sạch để dùng.

“Đi dạo một vòng quanh đảo, nhà cửa xây san sát nhau, hầu như không có đất để canh tác, trồng trọt. Đến thăm đồn Biên phòng Thạnh An, làm việc và trò chuyện với các anh chiến sĩ tại đồn, tụi mình lại hiểu thêm về đời sống của người dân trên xã đảo này", Ngô thị Tú Trinh, kỹ sư ngành Công nghệ sinh học, ĐH Nông Lâm, chia sẻ.

Theo lời các anh bộ đội biên phòng, vào mùa khô, nơi đây vẫn có thể trồng rau tuy lượng rau không được nhiều. Nhưng vào mùa mưa, chỉ cần sau một cơn mưa, nước mặn dâng lên ngập toàn bộ vườn rau, rau chết rụi chỉ sau một đêm. Những ngày mùa mưa là những ngày hầu như người dân vùng này không có đủ rau xanh để ăn.

Từ những trăn trở này, nhóm bạn Tú Trinh - Thanh Mai đã bắt đầu tìm tòi những mô hình thủy canh thích hợp với điều kiện địa lý và thổ nhưỡng tại đảo Thạnh An với mong muốn đem một mô hình thủy canh đến với huyện đảo. Thật ra, các hệ thống thủy canh hiện nay đã được ứng dụng nhiều, tuy nhiên để có một mô hình thủy canh vừa rẻ, vừa tiện lợi và dễ sử dụng thì còn cần tìm hiểu thêm cả về quá trình lắp đặt và vận hành.

Nhóm bạn đang hướng dẫn bộ đội biên phòng trồng và lắp đặt giàn rau
Nhóm bạn đang hướng dẫn bộ đội biên phòng trồng và lắp đặt giàn rau.
 

Trong quá trình thực hiện, nhóm bạn gặp khó khăn về thời tiết nơi huyện đảo. "Nếu lắp ráp mô hình này bằng kim loại thì rất dễ bị oxi hóa khi nơi đây quanh năm luôn ẩm và hơi nước luôn nhiễm mặn. Vì thế, nhóm đã thay thế kim loại bằng những ống nhựa. Nhờ vậy, dù ở bất cứ nơi nào hay thời tiết có biến đổi thế nào đi nữa, mô hình trồng rau vẫn hoạt động tốt", một thành viên trong nhóm chia sẻ.

Kết quả thu được lớn nhất có lẽ chính là những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm từ cuộc sống. Những kiến thức mà các bạn học từ sách vở, thầy cô đã có thể áp dụng vào thực tiễn. Không những vậy, những kiến thức đó còn giúp các bạn hiểu thêm về đặc điểm của địa phương, từ đó đã biến những điều khó khăn thành trải nghiệm của mình.

Một góc mô hình trồng rau đã hoàn chỉnh
Một góc mô hình trồng rau đã hoàn chỉnh.
 

Ngoài ra, thông qua mô hình trồng rau này, nhóm còn muốn gửi gắm đến người dân rằng, các sản phẩm đã qua sử dụng không phải là phế liệu mà chúng hoàn toàn còn có những lợi ích khác.

Mô hình này đã được ứng dụng tại đồn Biên phòng Thạnh An, huyện Cần Giờ giúp các anh bộ đội biên phòng có thể tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hàng ngày.

“Chúng tôi rất phấn khởi khi được nhận chuyển giao mô hình này, không chỉ giúp chúng tôi tăng gia sản xuất mà còn được tiếp cận được với kỹ thuật canh tác mới hiện nay”, một cán bộ biên phòng, cho biết.

Trong thời gian tới, nhóm bạn sẽ quay lại Thạnh An để kiểm tra mức độ hoạt động và tính ổn định của hệ thống thủy canh thường xuyên hơn.

Mô hình thủy canh được vận hành theo nguyên tắc hoàn lưu: dòng dinh dưỡng được cung cấp qua một hệ thống bơm từ bồn dung dịch dinh dưỡng đặt dưới hệ thống. Dòng dinh dưỡng đi từ cao xuống thấp và cung cấp cho 5 ống nhựa chứa dụng cụ trồng cây. Dinh dưỡng dư sẽ được đưa về bồn chứa dung dịch.

Mô hình được thiết kế từ những vật liệu tái chế: xơ dừa làm giá thể trồng cây, dụng cụ trồng cây là những vỏ chai nước uống đã qua sử dụng, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu.

Mô hình được thực hiện khoảng một tuần, trong đó việc gia công 5 hệ thống trồng rau ăn lá đã được lắp đặt hoàn chỉnh.

Sản phẩm có khả năng ứng dụng rộng rãi vì gia công, lắp đặt đơn giản, chi phí thấp, khả năng sử dụng cao, có thể ứng dụng không chỉ ở Thạnh An, mà còn trong các khu đô thị không gian hạn hẹp.

Tuy nhìn khá công phu nhưng quá trình gia công không mấy phức tạp, người dân bình thường vẫn có thể tự lắp đặt cho mình một hệ thống tại nhà.

Theo Tiến Đạt
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG