Nữ sinh Trung Quốc chạy đua làm đẹp để tìm việc

Nữ sinh Trung Quốc chạy đua làm đẹp để tìm việc
Một trung tâm thẩm mỹ ở Trùng Khánh, Trung Quốc, tung ra quảng cáo "sửa mũi đẹp như tháp Eiffel", nhằm thu hút các sinh viên nữ đang nôn nóng chỉnh trang dung nhan để dấn thân vào cuộc đua tìm việc làm khốc liệt.
Bác sĩ Wang (giữa) trong một ca phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện ở Trùng Khánh hồi tháng 8
Bác sĩ Wang (giữa) trong một ca phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện ở Trùng Khánh hồi tháng 8.

Với hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp mỗi năm, người Trung Quốc ngày nay chuyển sang cạnh tranh về cả ngoại hình để tìm được một chỗ làm. Ngày càng nhiều người quyết định đi phẫu thuật thẩm mỹ, làm mũi, xẻ mí, là mặt, hút mỡ... để nâng cao lợi thế cho bản thân trong quá trình tìm việc.

Các nhà tuyển dụng Trung Quốc đòi hỏi ngày càng cao từ các ứng viên và công khai thể hiện ưu tiên cho những người có ngoại hình đẹp. Với 7 triệu sinh viên gia nhập thị trường việc làm mỗi năm, cộng với tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại, các hãng truyền thông uy tín của Trung Quốc đều đánh giá 2013 là năm "khó khăn bậc nhất" cho những nhân viên văn phòng.

Các bác sĩ thẩm mỹ ở Trung Quốc nói rằng số lượng sinh viên tìm đến dao kéo để làm tăng cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp ngày càng nhiều. Dân số đông khiến Trung Quốc trở thành thị trường phẫu thuật thẩm mỹ lớn thứ ba thế giới.

Hàng chục trung tâm thẩm mỹ dán đầy quảng cáo trên khắp thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc. Trong số này, quảng cáo của bác sĩ Wang Xuming cho hay "sẽ tạo cho bạn một chiếc mũi có đường cong nhẹ nhàng và nghệ thuật như tháp Eiffel".

"Chúng tôi không sửa mũi mà chúng tôi làm lại nó", bác sĩ Wang nói và chia sẻ rằng ông thực hiện hàng chục ca như thế mỗi tháng.

Phẫu thuật thẩm mỹ hay thất nghiệp?

Trong một thập kỷ qua, các trường đại học ở Trung Quốc mở rộng quy mô hơn rất nhiều và số sinh viên tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, số lượng việc làm văn phòng ở thành phố thì vẫn vậy, khiến cho hàng chục nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp. Kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy, khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, con số cao gấp đôi so với tỷ lệ người thất nghiệp trong toàn xã hội.

Hàng nghìn sinh viên chen chân tìm việc tại một hội chợ việc làm ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, năm 2011
Hàng nghìn sinh viên chen chân tìm việc tại một hội chợ việc làm ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, năm 2011.

"Có rất nhiều khó khăn và áp lực khi tìm việc làm, vì vậy, nếu họ có gương mặt tươi tắn thì sẽ có nhiều cơ hội hơn. Những sinh viên đã được tôi phẫu thuật mũi Eiffel nói rằng nó rất hiệu quả", bác sĩ Wang cho biết.

Trung Quốc đứng sau Mỹ và Brazil về số ca phẫu thuật thẩm mỹ mỗi năm, theo Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật thẩm mỹ Quốc tế. Túi tiền rủng rỉnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc giúp ngành này phát triển hơn 40% mỗi năm trong những năm gần đây.

Xu Yang, 26 tuổi, học ngành bảo tàng ở Bắc Kinh, nói cô đã đi hút mỡ để hỗ trợ quá trình tìm việc.

"Tôi từng rất béo, sau phẫu thuật, tôi đi tìm việc dễ dàng hơn. Nhà tuyển dụng đôi khi quan tâm tới ngoại hình của bạn hơn là kinh nghiệm, đặc biệt là cho các công việc văn phòng", Xu nói.

Bác sĩ Wang rửa tay sau khi kết thúc cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân là một vũ công balê 33 tuổi. Trước đó, ông gây mê, cắt một miếng mô dưới trán của bệnh nhân rồi lắp vào chiếc mũi của cô để nó cao hơn.

Khách hàng của ông phần lớn là các cô gái trẻ và bố mẹ là người trả tiền cho ca phẫu thuật của họ. "Các cô gái thường đi cùng mẹ và các gia đình thường khá giả", Li, một nhân viên làm việc tại cơ sở thẩm mỹ, cho biết.

Một chiếc mũi Eiffel có giá 60.000 nhân dân tệ (9.800 USD). "Tháp Eiffel là một công trình kinh điển với thiết kế đầy tính thẩm mỹ, chúng tôi luôn cố gắng kết hợp y học với nghệ thuật", Li nói.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG