Ông chủ bệnh viện 'phụ sản… lợn'

Ông chủ bệnh viện 'phụ sản… lợn'
TP - Với quy mô đầu tư rộng 2,4ha, nuôi hơn 1.200 lợn nái sinh sản, mỗi năm trang trại nuôi lợn của ông chủ trẻ Thân Văn Hùng (ở Việt Yên, Bắc Giang) đã đem lại doanh thu trung bình khoảng 7 tỷ đồng.

> Triệu phú nhà nông
> Chàng sinh viên kiêm triệu phú trang trại

Bệnh viện 30 bác sĩ chăm 1.200 lợn nái

Khách tham quan lần đầu đến trang trại của Thân Văn Hùng, ở thôn Nguộn, xã Tự Lạn, huyện Việt Yên không khỏi ngạc nhiên bởi màn chào hỏi khá đặc biệt. Thay vì những cái bắt tay ấm cúng và cũng không để khách kịp phản ứng, người bảo vệ tạo một trận mưa nhân tạo từ chiếc vòi phun nước đặt ngay trước cổng phủ kín cả đoàn. Ông chủ Thân Văn Hùng giải thích, đây là quy định bắt buộc.

Ngay từ trước khi vào đến cổng, cả đoàn người – xe đã phải lội qua một hào nước. Qua cổng, việc phun nước vào khách là để khử trùng, hạn chế dịch bệnh xâm nhập vào trang trại. Còn nếu khách muốn đi thăm tận các chuồng trại thì phải… tắm và thay quần áo ngay tại nhà tắm được bố trí ở cổng. Rồi tiện lời anh kể, cách đây vài năm, do không chú ý đến vấn đề này mà đàn lợn của cả trang trại bị dịch bệnh, thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Cũng từ đó, trang trại hạn chế tiếp khách và tuân thủ nghiêm ngặt việc khử trùng với người lạ khi vào thăm.

Thân Văn Hùng là con thứ 7 trong một gia đình có tới 7 anh em. “Giàu con út, khó con út”, cậu bé Hùng chỉ được học hết cấp II rồi bươn chải TP.HCM, ở nhờ một người bà con vừa đi học, vừa đi làm kiếm sống.

Năm 1994, Hùng tốt nghiệp khoa cơ khí của một trường nghề và xin được làm thuê tại một xưởng sản xuất nhỏ ở đây. Cuối năm 2001, anh quyết định về nhà lập nghiệp. Số vốn tích cóp được trong thời gian ở miền Nam không đủ, anh phải vay mượn thêm của bạn bè, người thân mới có được 70 triệu đồng mở một cửa hàng gia công cơ khí nhỏ và thuê thêm 2 công nhân.

Đến nay, xưởng của anh đã được mở rộng, đầu tư máy móc hiện đại, đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân khoảng 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

 Khi công nhân coi trang trại như nhà của mình thì họ sẽ gắn bó với trang trại, hết mình vì trang trại và điều đó giúp cho trang trại phát triển

Anh Thân Văn Hùng

Năm 2007, anh Hùng quyết định đầu tư sang lĩnh vực chăn nuôi khi nhận chuyển nhượng hơn 24 nghìn mét vuông đất ở thôn Nguộn (xã Tự Lạn, Việt Yên) và bắt tay xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản.

Anh Hùng cho biết: Lúc đầu, khu vực này hầu như bỏ hoang, đất đai cằn cỗi, khá nhiều thùng vũng. Anh phải thuê máy xúc, máy ủi ngày đêm cào lại cho bằng phẳng và bắt đầu xây dựng hệ thống nhà chăn nuôi. Nhẩm lại, anh đã đầu tư vào khu đất này hơn 15 tỷ đồng để bây giờ trở thành một khu chăn nuôi hiện đại vào bậc nhất nhì của tỉnh Bắc Giang.

Anh gọi đùa đây là bệnh viện phụ sản cho lợn với các khu riêng biệt như khu phối giống, khu chờ đẻ, hậu sản, khu chăm sóc lợn sữa… Mỗi công nhân ở đây là một bác sĩ chuyên khoa hàng ngày chăm sóc, theo dõi từng biểu hiện nhỏ nhất của từng con lợn để xử lý kịp thời. Trang trại của anh hiện có khoảng 30 bác sĩ như thế, chăm sóc cho hơn 1.200 chú lợn nái sinh sản.

Biến khu chăn nuôi thành nơi nghỉ dưỡng

Tranh thủ lúc ông chủ nói chuyện, chúng tôi ngắm trang trại được bố trí khá khoa học nhưng cũng không kém phần lãng mạn với những hàng liễu rủ thơ mộng trồng dọc hai bên đường. Một khu vườn rộng trồng đủ các loại rau xanh mướt. Hàng chuối xanh bên cạnh bờ ao với đàn vịt trắng nhởn nhơ đùa dưới làn nước trong veo. Khu văn phòng, nhà ở công nhân với mái tôn màu xanh nhẹ nhàng ôm lấy góc sân rộng với những viên gạch hồng ấm áp. Phòng ở của công nhân được sắm đầy đủ ti vi và các đồ dùng cần thiết.

Ngoài ra, anh Hùng còn xây dựng hẳn một ngôi nhà hai tầng, có cả phòng ka-ra-o-kê với hệ thống âm thanh, ánh sáng khá hiện đại. Bên ngoài có sân cầu lông, bàn bi-a, bóng bàn để cho công nhân sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao. Không phải mất tiền ăn, mỗi công nhân ở trang trại được hưởng mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, có những lao động tay nghề cao còn được lĩnh 5-6 triệu đồng/tháng.

Chăn nuôi là ngành có mức độ rủi ro lớn nhưng ngoài năm đầu tiên bị ảnh hưởng do dịch bệnh, hầu như năm nào trang trại của anh Hùng cũng cho doanh thu trung bình khoảng 6,5-7 tỷ đồng.

Anh Đoàn Mạnh Chiến, Bí thư Huyện đoàn Việt Yên chia sẻ thêm, anh Hùng từng là Phó Bí thư đoàn thôn nhiệm kỳ 2009-2012, đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 2010. Anh cũng là một người nhiệt tình với các phong trào và hoạt động xã hội tại địa phương, hàng năm đều trích từ lợi nhuận ra khoảng 200 triệu đồng để ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa tại địa phương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG