“Phong toả”

“Phong toả”
TP - Cuối năm 2012, tôi có dịp tham dự một buổi nói chuyện về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” giữa lãnh đạo Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ với đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thành phố.

> 'Điện Biên Phủ trên không là kỳ tích có một không hai'
> Kỷ niệm 40 năm chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'

Lúc đầu, hội trường dường như không còn chỗ trống nhưng chỉ vài chục phút sau, khi lãnh đạo Hội Cựu chiến binh đang say sưa kể về chiến công của quân dân Hà Nội thì phía dưới hội trường bắt đầu xôn xao.

Vài bạn trẻ ở gần cửa ra vào đã nhè nhẹ mở cửa và… ra về. Những bạn khác thấy vậy cũng nhấp nhổm, chờ cơ hội lao nhanh ra cửa. Từ từ, số lượng ĐVTN so với ban đầu giảm hơn một nửa.

Một đại biểu là nhân chứng lịch sử, sau một hồi theo dõi màn hình trên sân khấu, quay lại thấy ĐVTN đã thưa thớt nên khi lên sân khấu, bà chỉ nói ngắn gọn rồi xuống.

Lát sau, bà thở dài: “Tôi còn nhiều kỷ niệm với Hà Nội trong những ngày mưa bom bão đạn ấy, nhưng thấy hội trường vắng hoe tự dưng thấy mất hứng. Chẳng muốn nói nhiều”.

Thái độ của một số bạn trẻ dành cho chương trình hôm đó như nốt trầm cho một sự kiện mà Thành Đoàn Cần Thơ đã cố gắng để kỳ vọng ĐVTN hiểu thêm chiến công của cha ông nhằm sống đẹp, có ích trong hiện tại.

Sự hờ hững của ĐVTN đã làm thất vọng những đại biểu đến dự. Một thực tế là ngày càng có nhiều bạn trẻ khi đến với những buổi nói chuyện truyền thống dường như đi vì lỡ đã đăng ký với ban chấp hành chi đoàn.

Chính vì vậy dẫn đến một chuyện buồn là dùng chiêu “phong tỏa” ĐVTN mà tôi đã chứng kiến. Sau khi ĐVTN đã yên vị ở hội trường thì đóng cửa hội trường lại và cử người canh gác. Cán bộ Đoàn ở cơ sở giải thích, để đảm bảo sĩ số đến cuối chương trình, để các đại biểu không thấy mình bị xúc phạm khi ĐVTN bỏ về gần hết. ĐVTN tham dự buổi giao lưu hôm đó toàn là sinh viên.

Làm sao để không còn hiện tượng sinh hoạt truyền thống phải “phong toả”? Câu hỏi lớn xin gửi tới tổ chức Đoàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG