Sinh viên sống chung với gián, chuột

Sinh viên sống chung với gián, chuột
TPO - Không đủ điều kiện thuê các nhà trọ khang trang, sạch sẽ, nhiều sinh viên đang phải sống trong những nhà trọ tồi tệ, xuống cấp trầm trọng chẳng khác nào khu ổ chuột.
Phòng trọ sinh viên ngập nước sau một cơn mưa lớn
Phòng trọ sinh viên ngập nước sau một cơn mưa lớn.

Trở thành sinh viên là ước mơ lớn của bao bạn trẻ. Những với nhiều bạn, đó cũng là khởi đầu cho những chuỗi ngày vất vả. Mới chân ướt, chân ráo lên thành phố học đại học, cũng là lúc đối đầu với những lo toan về nhà trọ, tiền ăn, sinh hoạt…Nhiều sinh viên chấp nhận cuộc sống ở những nhà trọ tạm bợ, rẻ tiền.

Bước vào căn phòng trọ của Nguyễn Bảo Ngọc, lớp Y6B, sinh viên Học viện Y học cổ truyền Hà Nội ở Phùng Khoang (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ. Căn phòng nhỏ chưa đến 10 mét vuông với đồ đạc ít ỏi, trần nhà lợp bằng tấm nhựa, tường nhà bong tróc, rêu mọc đầy. Trời nóng thì như ở trong lò lửa, còn khi mưa thì chẳng khác nào ngoài trời.

Dù rất muốn chuyển đến một phòng trọ khác, nhưng điều kiện không cho phép, nên Ngọc chấp nhận ở lại. “Còn một năm nữa là mình ra trường rồi, cố gắng vậy”, Ngọc chia sẻ.

Ở những khu nhà trọ xuống cấp, sinh viên phải đối mặt với vô vàn khó khăn, có khi dở khóc dở cười. Lương Thị Hiền, sinh viên K54 KHQL, ĐHKHXH&NV Hà Nội cũng trọ ở Phùng Khoang, tâm sự: “Phòng trọ nhà mình nằm kẹp giữa hai nhà vệ sinh của xóm. Mùa hè thì bốc lên mùi khó chịu, mùa mưa thì nước tràn vào trong nhà. Nhiều khi, mình phải lấy chậu múc nước ra khỏi phòng. Đồ đạc, chăn màn thường xuyên bị ẩm mốc và chuột, gián gặm nhấm.

Hiền vẫn nhớ có lần, vừa mua cái áo được hôm trước thì hôm sau đã bị chuột gặm thủng. Gần 2 năm ở trọ, cuộc sống của Hiền gần như “không thể phát triển được”.

“Mình chỉ mong chuyển được nhà, để thoát khỏi lũ chuột, mùi hôi hám của nhà vệ sinh. “Có nhiều đêm cả đàn chuột vào lục đồ ăn”, Hiền nhớ lại.

Ngoài nỗi khổ về sinh hoạt, những xóm trọ tạm bợ cũng thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp, mất đồ. Hoàng Văn Tiến, lớp KSTM- ĐKTĐ, K54, sinh viên ĐH Bách Khoa, trọ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, từng bị kẻ trộm mở cửa vào nhà “câu” mất chiếc máy tính xách tay.

“Nhiều khi đang ngủ, nghe thấy tiếng lạch cạch mở cổng, trèo tường nhưng cũng chẳng dám làm gì”, Tiến nói.

Đó là nỗi khổ của nhiều sinh viên khi điều kiện gia đình không cho phép. Nhiều bạn học cách chấp nhận và sống chung với sự thiệt thòi để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bản thân và gia đình.

“Mẹ vừa mất, em trai mình thì bị bệnh viêm cầu thận phải bảo lưu kết quả ở Đại học Điện lực. Với đồng lương ít ỏi, bố vẫn lo cho hai anh em, mình thương bố lắm. Chi phí tiền thuốc thang, ăn uống đi lại cho cả hai chị em lên tới 7 triệu đồng/tháng. Có chỗ ở như thế này là tốt rồi. Rẻ mà”, sinh viên tên Ngọc chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều chủ nhà trọ ra những điều kiện hết sức phi lý để níu kéo sinh viên, khiến nhiều bạn phải “dở khóc dở cười” chấp nhận sống chung với lũ.

“Chủ nhà trọ của mình yêu cầu phải đóng tiền nhà trước một năm. Mình mới nộp trước 6 tháng, nên bây giờ muốn chuyển đi thì tiếc tiền lắm”, Vũ Văn Tiến, sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.