Sinh viên uể oải đến lớp, hào hứng hưởng thụ tháng 'ăn chơi'?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sau kỳ nghỉ kéo dài gần 20 ngày, hôm nay (10/2), sinh viên các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội quay trở lại công việc học tập thường nhật. Tuy nhiên, hầu hết các bạn trẻ vẫn mang tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” nên chưa bắt nhịp với kỳ học mới.

Uể oải đi học

Có thể nói, kỳ nghỉ tết năm nay khá dài nên đa số các bạn sinh viên chưa bắt nhịp lại với việc học tập. Tình trạng sinh viên nghỉ học, đến muộn, bỏ tiết vẫn tái diễn ở hầu hết các giảng đường.

Thay vì không khí học tập sôi nổi thì những ngày đầu năm này, hình ảnh dễ dàng bắt gặp trong các lớp học là người ngủ gật, người ngáp ngắn ngáp dài, người nhí nhoáy điện thoại nhắn tin, xem phim, mặc thầy cô trên giảng đường vẫn thao thao với bài giảng.

Thanh Tú, sinh viên Đại học Công đoàn chia sẻ: “Tuần đầu tiên đi học sau tết lúc nào cũng là cực hình. Đang được nghỉ chơi thoải mái lại phải đến trường, chẳng có tâm lý học hành gì cả. Nghe thầy giảng chỉ buồn ngủ thêm.”

Có bạn sinh viên còn “check in” Facebook trong giờ học và sáng tác cả bài thơ bày tỏ tâm trạng chán chường khi kỳ nghỉ tết kết thúc và bắt đầu năm học mới: “Hết ngày chủ nhật rồi sao/ Ngày mai đi học, ôi chao là buồn/Tết ra trật hết cả quần/Áo thì phải nới, túi luôn nhiều tiền/Hai tuần ăn uống triền miên/Ba vòng thả lỏng, như tiên...thế mà.../Hết ngày mai nữa thôi là/Ba lô, cặp sách ta đà xách đi…”

Tình trạng sinh viên chán học những ngày đầu năm mới không còn xa lạ, tuy nhiên vẫn khiến thầy cô không khỏi phiền lòng. Cô Thương Huyền, giảng viên một trường Đại học ở Hà Nội, cho biết: “Năm nào ngày đầu tiên trở lại trường học, tình trạng sinh viên đi muộn, ngủ gật cũng tái diễn. Biết là các bạn còn trẻ, tâm lý mải chơi sau tết chưa thể chấm dứt ngay nhưng mình giảng ở trên, sinh viên cứ tự do làm việc riêng ở dưới vẫn thấy chạnh lòng.”

Hào hứng ăn chơi

Trái với tâm lý uể oải, chán nản trên giảng đường, các bạn sinh viên trở nên hứng khởi hơn hẳn sau khi “thoát” khỏi giờ học và lao vào những cuộc gặp mặt, liên hoan đầu năm.

Mặc dù mới xuống Hà Nội hôm thứ bẩy vừa rồi (8/2), nhưng Hùng (sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội) đã phải “chạy sô” lịch liên hoan đầu năm với các nhóm khác nhau: nhóm bạn cùng lớp, nhóm cùng xóm trọ, nhóm ở chỗ làm thêm…

Hùng chia sẻ: “Đầu năm ai cũng thế thôi, muốn “quẩy” một chút cho thoải mái, lấy khí thế học hành, làm việc. Hai hôm nay triền miên liên hoan, hát hò, mệt thật nhưng mà vui.”

Nhiều bạn trẻ mải mê với lịch ăn chơi dày đặc còn sẵn sàng bỏ cả buổi học hay chỉ lên “điểm danh” rồi mải miết với những cuộc chơi, không màng chuyện bài vở.

Trước khi nghỉ tết là lịch tất niên, nghỉ tết xong lại tới liên hoan “khai xuân”, không ít sinh viên, đặc biệt là các bạn nam phải hứng chịu hậu quả đáng tiếc.

Những màn ăn uống, rượu bia triền miên trước và sau tết khiến căn bệnh đau dạ dày của Phúc (sinh viên Đại học Giao thông vận tải) lại tái phát. Nhìn gương mặt xanh xao, gầy gò của Phúc, bạn bè cậu tỏ ra ái ngại. Phúc tâm sự: “Giờ nghĩ đến bia rượu là sợ tái mặt. Năm nào tết xong cũng bị đau dạ dày nhưng không uống không được, cũng ngại với bạn bè lắm.”

Không chỉ tổn hại sức khỏe, những cuộc vui chơi hưởng thụ nốt tháng giêng cũng tiêu tốn một số tiền kha khá trong khi không phải bạn trẻ nào cũng rùng rỉnh túi tiền.

Hoàng Quân, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Tết hết là tiền cũng hết. Đầu năm còn bao lịch liên hoan ăn uống nữa, cứ gọi là “cháy túi” thường xuyên.”

Mặc dù tình trạng sinh viên mải mê vui chơi, không lo học hành sau kỳ nghỉ tết đã rất phổ biến nhưng để chấm dứt tình trạng này là điều gần như khó có thể thực hiện. Chỉ hy vọng các bạn trẻ biết kiềm chế và quan tâm hơn đến sức khỏe, túi tiền của mình để có những buổi liên hoan ý nghĩa, vui vẻ và tiết kiệm.

Theo Theo Lao động
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.