Sinh viên ứng phó với cướp giật

Sinh viên ứng phó với cướp giật
Thời gian gần đây, ở TPHCM liên tiếp xảy ra các vụ cướp táo tợn, trong đó, không ít nạn nhân là sinh viên. Vấn đề đặt ra là các bạn sinh viên chưa có kỹ năng ứng phó với nạn cướp giật.

Sinh viên ứng phó với cướp giật

Thời gian gần đây, ở TPHCM liên tiếp xảy ra các vụ cướp táo tợn, trong đó, không ít nạn nhân là sinh viên. Vấn đề đặt ra là các bạn sinh viên chưa có kỹ năng ứng phó với nạn cướp giật.

Sinh viên ứng phó với cướp giật ảnh 1

Bị cướp vì hớ hênh

Vụ trọng án xảy ra sáng 17-9, tại giao lộ đường Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TPHCM) vẫn còn làm nhiều người rùng mình khi nhắc lại.

Đối tượng Cao Xuân Lập (sinh năm 1984, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) đã cướp giật và giết người. Nạn nhân là bạn Hoàng Ngọc Tri (sinh năm 1990, quê ở Bình Định).

Thời điểm tử nạn, Tri mới tốt nghiệp trường ĐH Văn hóa TPHCM, đang cùng bạn gái trên đường đi nộp hồ sơ xin việc. Chiếc balô bị giật khi để trước xe.

Theo lời khai của Lập tại Cơ quan điều tra, khi bị Tri và nhiều người truy đuổi, trong lúc vật lộn với Tri, tên cướp rút dao trong thắt lưng đâm loạn xạ, khiến Tri gục tại chỗ. Một đại úy cảnh sát truy đuổi tên Lập cũng bị hắn đâm trọng thương.

Trước đó, chiều 15-9-2012, tại chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM), một cô gái đang chạy xe máy tay ga đã bị hai tên cướp giật chiếc balô đeo sau người. Cô gái ngã xuống đường, bung nón bảo hiểm nhưng rất may lúc đó không có xe ôtô chồm tới.

Clip ghi lại cảnh cướp giật này được một người ngồi trong ôtô vô tình ghi lại. Clip đăng tải trên mạng nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Có không ít góp ý về việc cô gái cũng như các bạn trẻ hiện nay khi ra đường thường quá hớ hênh với tài sản của mình và đã vô tình "tạo điều kiện" cho kẻ cướp ra tay.

Qua clip ghi lại thấy cô gái đeo túi xách hai quai mỏng manh. Và địa điểm "ăn hàng" của hai tên cướp này cũng ngay dưới chân cầu Sài Gòn, thời điểm lúc ít xe qua lại.

Ngày 4-10, bạn Nguyễn Thu Thủy (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) trên đường từ trường về chỗ trọ đã bị hai tên giật túi xách. Bạn bị thương khi bị té xuống đường.

Thủy và người bạn đi cùng đang chạy đến đoạn cổng khu Công nghiệp Công nghệ cao thì bất ngờ bị hai tên cướp từ sau chạy lên, đạp mạnh vào đuôi xe và giật phăng chiếc túi xách Thủy (đang ngồi sau) cầm.

Người bạn của Thủy cầm lái té xuống vệ đường khiến cả hai bị thương nhẹ. Thủy mất điện thoại iPhone cùng 4, 2 triệu đồng tiền mặt và toàn bộ giấy tờ tùy thân.

Cẩn trọng khi ra đường

Anh Nguyễn Tăng Tiên (thành viên CLB Hiệp sĩ đường phố, thị xã Dĩ An, Bình Dương) kể lại, nhiều lần, anh và các anh em trong đội đi đường tuần tra thấy các bạn trẻ rất chủ quan với tài sản của mình.

Có bạn để túi xách trước xe tay ga mà không có dây đeo bảo vệ. Có bạn thì đeo túi xách, balô một tay bên vai khi ngồi sau xe. Bạn thì để balô đựng laptop phía trước mà không có móc ngoắc vào tay lái.

Khi anh Tiên và các thành viên trong đội đi lên cảnh báo thì chỉ nhận được thái độ dửng dưng, thậm chí, có bạn còn quát các anh… nhiều chuyện!

Anh Nguyễn Tăng Tiên (hiệp sĩ đường phố, thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho biết:
Anh Nguyễn Tăng Tiên (hiệp sĩ đường phố, thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho biết: Sở dĩ bọn cướp giật nhắm vào các bạn sinh viên vì đối tượng này thường chủ quan, hớ hênh với những tài sản có giá trị cao như laptop, điện thoại...

Anh Tiên cho biết, những đối tượng trộm cướp thường "ăn hàng" ở các cổng trường đại học, chúng hay đảo qua các tuyến đường lúc sinh viên tan trường. Khi thấy sinh viên sơ hở là chúng ra tay cướp giật vì sinh viên thường để điện thoại và laptop trong túi.

Mới đây, vào giữa tháng 9-2012, Công an quận 9, TPHCM khởi tố hai đối tượng là Lê Văn Tính (sinh năm 1992) và Đặng Như Ý (sinh năm 1993), cùng tạm trú tại quận 6 về hành vi "cướp giật tài sản" và "giết người".

Cả hai tên khai nhận, chúng chỉ thích giật máy tính xách tay vì buổi sáng, các bạn sinh viên đi học trên Xa lộ Hà Nội rất đông.

Rất nhiều bạn mang theo túi xách chứa máy tính xách tay nhưng rất chủ quan, cất giữ sơ sài.

Tính và Ý khai nhận, để thuận tiện cho việc cướp giật túi xách máy tính, chúng mang theo kéo được mài sắc. Và khi gặp "con mồi" nào mang túi xách bằng quai, sẽ từ phía sau ập đến, nhanh tay cắt dây túi, giật lấy rồi rồ ga tẩu thoát.

Một trinh sát Hình sự, Công an quận 9 (chuyên trấn áp tội phạm cướp giật) cảnh báo: "Khi ra đường, các bạn sinh viên nên có kỹ năng ứng phó với cướp giật để hạn chế độ rủi ro.

Trước hết, các bạn phải tự biết bảo vệ tài sản cá nhân của mình bằng cách sắm những chiếc balô chắc chắn và đeo balô hai vai khi chạy xe trên đường. Nếu không đeo vai, cách tốt nhất là để ba lô phía trước và phải được ngoặc vào hai bên khóa khung xe.

Bên cạnh đó, các bạn không nên phô trương những chiếc cặp có các nhãn hiệu máy tính để tránh sự chú ý. Riêng đối với các bạn nữ, không nên đeo những loại túi kiểu toòng teng bên người.

Trường hợp khi bị cướp giật, cách tốt nhất là các bạn la lớn để mọi người đi đường biết, cùng hỗ trợ các bạn trong việc truy đuổi cướp. Các bạn nữ tuyệt đối không nên đuổi theo khi bị cướp vì bọn cướp thường có đồng bọn di chuyển 2 - 3 cặp xe (khoảng 6 người).

Nếu các bạn cố gắng đuổi theo sẽ bị đồng bọn chặn, đạp, dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Đối với các bạn nam khi bị giật cũng đừng tiếc của mà liều mạng giằng lại tài sản bằng mọi giá, vì những tên cướp thường mang theo hung khí như dao nhọn, mã tấu, thậm chí cả súng để phòng những trường hợp bị truy đuổi.

Ngoài ra, trên những cung đường vắng, các bạn sinh viên cũng không nên đi vào những cung giờ khuya khoắt".

Một số kinh nghiệm cho bạn khi di chuyển ngoài đường

- Cất tiền bạc, giấy tờ cần thiết trong người. Nếu bị cướp xe thì cũng còn giấy tờ và tiền bạc.

- Các giấy tờ quan trọng, nếu không cần thiết phải mang theo thì nên để ở nhà.

- Đối với các dòng xe số, nên gắn móc khóa hai bên. Khi để giỏ xách phải móc cẩn thận vào hai móc khóa hai bên. Đối với xe tay ga, nên bỏ vào cốp xe. Nếu không bỏ được thì nên gắn khóa vào phía trước, móc khóa cẩn thận. Khi ngồi xe nên để chân kẹp giữ món đồ phía trước.

- Không nên đeo balô, túi xách một cách hờ hững, đặc biệt là các cặp đựng laptop một dây. Kẻ cướp sẽ cắt đứt dây rất dễ dàng. Không treo giỏ đồ mà không móc khóa.

- Với đoạn đường vắng không nên chạy xe quá chậm. Nên quan sát khi đi đường bằng gương chiếu hậu.

Theo Sinh Viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG